Tạo việc làm cho người nhiễm HIV là cần thiết nhằm góp phần giảm thiểu sự lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Đến cuối năm 2016, lũy tính số người nhiễm HIV được phát hiện tại thành phố Đà Nẵng hơn 2.000 trường hợp, trong đó hơn 800 trường hợp chuyển sang AIDS, hơn 400 trường hợp tử vong do AIDS và hiện hơn 1.500 trường hợp còn sống. Trong năm qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng; đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương truyền thông trực tiếp về phòng, chống HIV/AIDS cho trên 13.500 lượt đối tượng; tổ chức văn nghệ truyền thông, diễn kịch truyền thông và hội thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống HIV/AIDS tại các trường cao đẳng, đại học và các tổ chức Đoàn Thanh niên..., thu hút gần 7.700 học sinh, sinh viên và đoàn viên tham dự. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV nên cuộc sống của họ còn gặp nhiều khó khăn.
“Tôi bị nhiễm HIV do lây từ chồng. Chồng tôi đã qua đời. Bây giờ, một mình tôi nuôi con nên rất vất vả”, chị L.T.H (33 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi) thổ lộ. Chị H. cho biết, do muốn tránh sự kỳ thị của hàng xóm nên chị đã đưa con trai 4 tuổi ra Đà Nẵng sống. Để tìm được việc làm, chị phải giấu bệnh tật của mình. “Nếu họ biết tôi bị nhiễm HIV thì sẽ đuổi việc tôi ngay. Cả con trai tôi cũng sẽ khó hòa đồng với các bạn cùng nhà trẻ”, chị H. than thở. Vì vậy, cuộc sống của hai mẹ con gặp nhiều khó khăn.
Với anh M. (27 tuổi, ở quận Thanh Khê), công việc cũng không ổn định. “Tôi bị nhiễm HIV do một lần thử “cảm giác lạ” mà không dùng biện pháp bảo vệ. Bây giờ, cuộc sống rất khó khăn vì khó được tuyển dụng nếu họ biết tôi bị HIV. Trước đây, tôi từng làm việc tại một nhà máy”, anh M. bộc bạch.
Năm 2014, Chính phủ ban hành Quyết định 29 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Theo đó, các cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay vốn nhằm mua sắm vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh, buôn bán; đầu tư làm các nghề thủ công trong hộ gia đình như: mua nguyên vật liệu sản xuất, công cụ lao động, máy móc, thiết bị; góp vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác. Mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/cá nhân; 30 triệu đồng/hộ gia đình. Người vay có thể vay vốn nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định trên. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thí điểm thực hiện Quyết định số 29 đến cuối tháng 12-2017.
“Việc vay vốn rất cần thiết để giúp người nhiễm HIV tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời góp phần giảm thiểu khả năng tổn thương về kinh tế và nguy cơ lây nhiễm HIV...”, bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng nói. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại Đà Nẵng, chưa có mấy người bị nhiễm HIV được vay vốn bởi hầu hết họ đều ngại và giấu danh tính. Ngoài ra, trong đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2009-2020”, lao động nông thôn có cơ hội học nghề để tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, không phân biệt giữa người nhiễm HIV hay không nhiễm. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV/AIDS đăng ký học nghề chưa nhiều, phần do mặc cảm, tự ti với bệnh tật, phần khác còn thiếu mạnh dạn và chưa suy nghĩ nghiêm túc trong việc chọn nghề để học.
KIM NGÂN - CHÂU GIANG