.

Nghị lực phi thường của người khuyết tật

.

Thật tình cờ, tôi gặp anh khi đến thăm người quen có nhà sát vách nhà anh. Khi đó, anh ngồi trên xe lăn hóng gió sát hiên. Anh khẽ cúi đầu chào khi tôi hỏi thăm người quen của mình bên cạnh. Biết người láng giềng chưa về, anh mời tôi vào nhà chơi. Tôi gật đầu rồi bước vào phòng khách. Anh đẩy xe lăn thật nhanh vào nhà báo với người vợ đang lúi húi dưới bếp: nhà có khách.

Tổ ấm của người khuyết tật Trương Công Nghiêm. 							Ảnh: NGUYỄN CẦU
Tổ ấm của người khuyết tật Trương Công Nghiêm. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Bỏ dở công việc bếp núc, vợ anh chống nạng lên chào tôi bằng nụ cười rất tươi, rồi cả hai cùng ngồi tiếp chuyện. Anh vẫn ngồi trên xe lăn. Còn chị đặt chiếc nạng bên cạnh, ngồi xuống ghế salon, bên cô con gái chừng 6 tuổi, đang xem phim hoạt hình. Lần đầu tiên đến với tổ ấm mà cả 2 vợ chồng đều khuyết tật, ở trong ngôi nhà 2 tầng mặt phố, nội thất đắt tiền, tôi có ý tìm hiểu về họ.

Qua chuyện trò và nhất là qua những tấm ảnh, phần thưởng các bộ, ngành Trung ương, thành phố Đà Nẵng trao tặng treo trên tường, tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục nghị lực của người khuyết tật mới quen này. Từ tò mò, ngạc nhiên, tôi quyết tâm tìm hiểu về họ. Anh là Trương Công Nghiêm (sinh năm 1970), Giám đốc Công ty TNHH Người khuyết tật N.Trung- Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam. Vợ anh, chị Hoàng Thị Hiền (sinh năm 1974) cũng bị khuyết tật vận động, là tay hòm chìa khóa tại doanh nghiệp do anh làm giám đốc. Con gái nhỏ, 6 tuổi, cháu Trương Hoàng Cát Tiên, học lớp 1.

Nhìn tấm ảnh phóng to treo trang trọng trên bức tường phòng khách,  Trương Công Nghiêm ngồi xe lăn, phía sau là các vị lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, tôi hỏi: anh vinh dự chụp tấm ảnh này hồi nào vậy? Vẫn ngồi yên một chỗ, anh từ tốn: Tấm ảnh đó chụp vào năm 2010, tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Hồi đó, tôi là thành viên của đoàn Đà Nẵng dự đại hội. Tại Đại hội, tôi được Thủ tướng Chính phủ tặng Biểu tượng Nghìn năm văn hiến.

Rồi, đẩy xe lăn đến bàn bên cạnh và cầm từng biểu tượng lên, anh giải thích: Năm 2014, nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), tại buổi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc, tôi được chọn báo cáo điển hình. Hôm đó, Chủ tịch nước tặng mỗi người một biểu tượng bằng gỗ quý rất đẹp, trên đó  khắc dòng chữ:

“Trân trọng và tri ân sự chung tay của quý vị vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Tháng 4-2016, tại hội nghị biểu dương Người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc lần thứ 5, tổ chức ở thủ đô Hà Nội, tôi được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng bằng khen. Đây là bằng khen thứ 2 của bộ này. Ngoài ra, còn nhiều phần thưởng của chính quyền các cấp, ban ngành ở thành phố trao tặng, không còn chỗ treo.

Để có cơ ngơi và thành tích đó, cả hai vợ chồng nỗ lực hết mình vượt qua số phận. Có những giai đoạn, quá gian nan tưởng chừng không thể vượt qua.

Câu chuyện về anh như cuốn phim quay chậm, ký ức tuổi thơ nghiệt ngã và những ngày đã qua đẫm nước mắt của người khuyết tật vận động đã bước qua tuổi 47, cứ thế ùa về.  

“Gia đình tôi trước ở xã Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, rồi tản cư ra Đà Nẵng đầu năm 1970. Cuối năm đó, tôi chào đời. Hồi lên 3, tôi vẫn chạy nhảy nô đùa như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng rồi, cơn sốt bại liệt đã trút tai họa xuống tuổi thơ tôi.

Mặc dù gia đình chạy chữa khắp nơi, song vô hiệu, tôi trở thành người tàn tật kể từ đó. Suốt ngày, suốt tháng chỉ nằm một chỗ. Đôi chân teo tóp dần. Hồi nhỏ chưa hiểu gì, nhưng khi lớn lên, thấy bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến trường, tôi rất bi quan và tủi thân.

Nhiều lúc cảm thấy tuyệt vọng. Nếu không có sự động viên an ủi và quan tâm chăm sóc của ba mẹ, người thân, bạn bè, có khi tôi chẳng làm nên trò trống gì, thậm chí suốt cả đời gia đình phải cưu mang”, giọng trầm buồn anh kể.

“Hồi nhỏ, tôi cũng đến trường. Đây là khát khao cháy bỏng trong tôi, bởi từ trong sâu thẳm tôi nhận thức được rằng: chỉ có thể tự mưu sinh khi có kiến thức. Từ đó, mục tiêu học hết THPT là ưu tiên số 1 không chỉ tôi mà cả gia đình. Có điều, để đến được trường  bữa thì ba, bữa thì mẹ phải cõng”.

Dừng câu chuyện trong chốc lát, nhìn miên man ra phía cửa, anh tiếp: Đã gần 40 năm trôi qua, song ký ức về những ngày đến lớp không bao giờ phai trong tâm trí. Đó là những ngày rất vui song cũng đẫm nước mắt. Bạn bè đứa đi bộ, đứa đi xe đến lớp với nụ cười rạng rỡ, còn tôi oặt ẽo trên lưng bữa thì ba, bữa thì mẹ. Tôi nhớ có lần, thầy cô bạn bè đã về hết, chờ mãi không thấy người thân đến đón. Tôi ngồi co ro một mình ở bậc tam cấp lớp học.

Cơn mưa bất chợt ập đến. Trời nổi giông tố, gió giật liên hồi. Do không bò vào phía trong kịp nên toàn thân ướt sũng. Rồi màn đêm buông xuống.  Không còn cách nào khác tôi lấy hết sức bình sinh lết vào trong lớp và thiếp đi lúc nào không hay. Khi người nhà phát hiện ra, tôi đã lên cơn sốt. Cả tôi và người thân ôm nhau nấc nghẹn, khóc không thành tiếng.

Sau đợt đó, gia đình không cho đến lớp nữa mà thuê thầy về nhà dạy. Còn tôi, ở nhà ít hôm, nhớ thầy, nhớ bạn, đòi đến lớp bằng được. Chiều con, ba mẹ tôi lại thay nhau cõng đi, cõng về. 12 năm đến lớp, kỷ niệm buồn vui đầy ắp.

Bên cạnh những người bạn chí tình, luôn hỗ trợ, giúp đỡ, vẫn có đứa nhìn tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm và né tránh. Những lúc đó, tôi cảm thấy như nghẹt thở,  tim đau nhói. Và tôi đã nghiến răng vượt qua. Hồi học ở Trường THPT Phan Châu Trinh, ở tầng 3, không ít bữa tôi phải bò từng bậc thang để vào lớp. Năm 1988, tôi từ giã tuổi học trò”.

Câu chuyện của anh cuốn hút làm tôi quên khuấy chuyện đến thăm người bạn có nhà sát cạnh. “Bằng cách nào anh có nghề nghiệp để rồi thành lập công ty?” “Gian nan lắm anh ơi. Xuất thân trong gia đình kinh tế khó khăn, lại bị tàn tật, cái giá phải trả để có nghề thiết kế đồ họa như hiện nay đắt lắm. 19 tuổi theo học nghề kẻ vẽ chân dung, bảng hiệu, tạo mẫu.

Thầy dạy tôi cũng là người khuyết tật. Thầy rất nghiêm khắc, được cái rất thương yêu học trò. Tôi nhớ có lần, do nét vẽ không được như ý, ông giật cây bút trên tay tôi vứt mạnh ra đường. Thực tình lúc đó, tôi muốn khóc lắm, song nghiến răng để nước mắt lặn vào trong. Không còn cách nào khác, để có bút vẽ tôi phải bò ra đường nhặt lấy. Năm 22 tuổi, được sự giúp đỡ của gia đình, tôi mở cơ sở riêng”, anh tâm sự.

Tôi đến công ty anh tại số 52 đường Phạm Văn Nghị, Đà Nẵng và càng hiểu hơn tấm lòng của anh đối với những người cùng cảnh ngộ. Trong số 10 nhân viên của công ty, 7 người là khuyết tật vận động. Họ làm việc rất chăm chỉ và đều có kỹ năng điêu luyện. Từ những máy tính, máy in công nghệ cao, họ làm ra các sản phẩm rất ấn tượng, đáp ứng yêu cầu khách hàng.

Qua chuyện trò với anh Nguyễn Văn Quốc, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, nhân viên in lụa, tôi càng khâm phục hơn nghĩa cử cao đẹp của Trương Công Nghiêm.

Nói về cơ duyên được vào công ty làm việc, anh Quốc trút bầu tâm sự: “Tôi bị bại liệt cả hai chân. Hồi nhỏ học hành không đến nơi, đến chốn. Lớn lên, suốt ngày ngồi xe lăn bán vé số mưu sinh. Một lần qua đây, gặp anh Nghiêm là người cùng cảnh ngộ. 

Anh hỏi chuyện rồi mời vào công ty chơi. Khi biết hoàn cảnh của tôi, anh hỏi, có muốn học nghề và làm việc với anh không. Thực tình lúc đó, tôi đâu dám tin mình lại may mắn đến vậy. Rồi những ngày sau đó, tôi đến công ty anh thật sớm học nghề.

Từ sự chỉ bảo rất tận tình của anh, hơn tháng sau tôi đã thành thạo và cuộc đời sang trang từ đó. Theo tôi biết, ở doanh nghiệp này 6-7 người có cảnh ngộ như tôi. Họ đều được anh Nghiêm nhận vào dạy nghề rồi giao việc làm.

Thực ra, không ít người lành lặn cũng đến đây xin học nghề và làm việc, song anh Nghiêm không nhận mà ưu tiên người khuyết tật. Có lẽ, anh là người hiểu hơn ai hết nỗi trăn trở và sự gian nan của người khuyết tật. Ở công ty, chúng tôi sống với nhau như anh em ruột thịt, mọi người đều làm việc hết mình, thu nhập ổn định”.  

Là giám đốc, song Trương Công Nghiêm ít khi ở công ty mà anh dành nhiều thời gian cho Hội Người khuyết tật thành phố. Hầu như ngày nào anh cũng có mặt tại trụ sở Văn phòng Hội tại 66 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng. Tìm hiểu ra mới hay, anh chính là người đã dày công kết nối những mảnh đời cùng cảnh ngộ lại với nhau dưới ngôi nhà chung đó là Hội Người khuyết tật.

Năm 2010, từ cơ sở Chi hội Thanh niên khuyết tật do anh khởi xướng thành lập trước đó, Hội Người khuyết tật Đà Nẵng ra đời. Là nhân tố chủ chốt trong việc vận động thành lập Hội, anh được mọi người bầu là chủ tịch. Từ đó đến nay, số hội viên tham gia hội ngày càng đông, đến nay đã hơn 600 người. Tại 7 quận, huyện, các Chi hội Người khuyết tật cũng lần lượt thành lập.

Công việc cuốn hút, anh ít khi rảnh rỗi. Nhiều hôm tối mịt, trên chiếc xe điện 3 bánh chuyên dùng cho người khuyết tật vận động, anh mới về đến nhà. Chiếm nhiều thời gian nhất của anh là vừa tham mưu cho UBND thành phố triển khai các chính sách đối với người khuyết tật, vừa vận động tài trợ, tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên… Từ sự năng động và giàu tâm huyết của người Chủ tịch Hội, đời sống người khuyết tật trên địa bàn thành phố đã từng bước cải thiện nhờ các nguồn tài trợ và có thêm công ăn việc làm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, nói về anh: Đó là người có nghị lực sống phi thường. Bị tàn tật từ nhỏ, song anh ấy đã viết nên trang đời như huyền thoại, đáng để cho nhiều người kể cả người lành lặn học tập. Chính anh và những người khuyết tật tại Hội Người khuyết tật Đà Nẵng đã làm cho Đà Nẵng vốn đã đẹp, càng đẹp hơn.

Với cương vị Chủ tịch Hội Người khuyết tật Đà Nẵng, điển hình về nghị lực sống, Trương Công Nghiêm vinh dự được mời tham dự các hội nghị quan trọng về người khuyết tật trong nước và quốc tế. Từ 29-9 đến 11-10-2014, anh tham dự chương trình “Hòa nhập và nâng cao năng lực cho người khuyết tật”, tại Hoa Kỳ. Cũng cuối năm đó, anh dự Hội nghị Diễn đàn Người khuyết tật khu vực Châu Á- Thái Bình dương (APDF) tại Hà Nội. Ở hội nghị này anh đã báo cáo kinh nghiệm trong vận động và tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật Đà Nẵng...

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.