Chính trị - Xã hội
Người xuồng trưởng CQ ở đảo Sơn Ca
Trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa vào đầu năm 2017, chúng tôi có dịp gặp gỡ Thiếu tá Nguyễn Đình Nga, Trưởng xuồng CQ đang công tác tại đảo Sơn Ca. Là sĩ quan biên chế tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân (Đà Nẵng), anh luôn tự hào được góp sức bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Thiếu tá Nguyễn Đình Nga cảm thấy vinh dự, tự hào khi công tác tại đảo Sơn Ca - Trường Sa. |
Thiếu tá Nguyễn Đình Nga (SN 1970, quê Đô Lương, Nghệ An) từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường luôn ước mơ trở thành lính hải quân. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi anh vinh dự công tác tại Vùng 4 Hải quân (đóng tại Cam Ranh, Nha Trang).
Anh Nga cho biết, trong thời gian công tác tại Vùng 4 Hải quân, anh đã nhiều lần thực hiện nhiệm vụ trên tàu vận tải để ra xây dựng đảo Trường Sa. Tuy nhiên, anh vẫn chưa được công tác tại đảo nào thuộc Trường Sa.
Rồi vì nhiệm vụ, anh Nga được điều qua một đơn vị khác bảo vệ các giàn khoan và thăm dò dầu khí. Đến năm 2009, anh được phân công tác tại Vùng 3 Hải quân (đóng tại Đà Nẵng). Tuy nhiên, anh vẫn đau đáu ước mơ công tác tại Trường Sa. Anh chia sẻ: “Làm lính hải quân phải ít nhất một lần ra đảo cầm súng để bảo vệ vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc”. Đến tháng 7-2016, anh được tăng cường nhiệm vụ ra công tác tại đảo Trường Sa, biên chế về đảo Sơn Ca với nhiệm vụ Trưởng xuồng CQ.
Những ngày cuối năm, khi các đoàn công tác ra thăm, chúc Tết Nguyên đán Đinh Dậu quần đảo Trường Sa, Trưởng xuồng CQ Nguyễn Đình Nga tất bật đưa, đón đoàn. Giữa những con sóng cao, tung bọt trắng xóa, thuyền trưởng, Thiếu tá Nga phải dùng hết kinh nghiệm và bản lĩnh để đưa các đoàn vào và ra đảo an toàn. “Tôi ra đảo được 6 tháng, cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Ngoài nhiệm vụ đưa đón đoàn, chúng tôi còn làm nhiệm vụ xua đuổi tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng là niềm vinh dự của mỗi người lính hải quân đang công tác tại đảo Sơn Ca nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung”.
Song, anh Nga luôn đau đáu về gia đình, vợ con, bởi do đặc thù nghề nghiệp, phải chuyển công tác nhiều lần tại nhiều đơn vị khác nhau nên cuộc sống vẫn chưa ổn định. Vào Đà Nẵng gần 8 năm, được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân quan tâm, tạo điều kiện cho anh mượn mảnh đất 200m2 tại thôn 5, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) để làm căn nhà tạm cho vợ và con ở, nhưng gia đình anh vẫn còn thuộc diện “tạm trú, tạm vắng”; con của anh đang kỳ cuối cấp, sợ gặp khó khăn trong việc đăng ký trường để thi cử. Vì vậy, anh có một nguyện vọng là được cơ quan chức năng tạo điều kiện để gia đình nhập hộ khẩu tại Đà Nẵng.
Thiếu tá Nguyễn Đình Nga ra công tác tại đảo Sơn Ca, vợ anh là chị Nguyễn Thị Hương (SN 1974) phải thay chồng làm bổn phận của người cha. Kinh tế vẫn còn khó khăn, nhà cửa chưa ổn định, ngoài việc bán tạp hóa, hiện chị còn chăn nuôi heo, gà. “Lấy chồng hải quân, mình rất vinh dự và tự hào nhưng cũng cảm nhận những khó khăn bởi anh thường xuyên đi công tác xa nhà. Vì vậy, mình phải trở thành hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác”, chị Hương tâm sự. Tết vừa qua là cái Tết đầu tiên vợ chồng anh cách xa nhau cả nghìn kilomet. Vậy nhưng, chị cảm thấy rất hãnh diện bởi chồng chị cầm súng bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Hai đứa con của Thiếu tá Nguyễn Đình Nga cũng rất tự hào về bố. Cháu Nguyễn Minh Châu (SN 2000), học sinh lớp 12, Trường THPT Ông Ích Khiêm, là học sinh giỏi, đang học lớp chọn của trường. Có bố là bộ đội hải quân nên đi đâu Châu cũng khoe với bạn bè. Đầu năm 2017, khi tham gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU, Châu viết về bố với niềm tự hào.
Còn cháu Nguyễn Đình Việt Lâm (SN 2004), học lớp 7 Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, ước mơ trở thành chiến sĩ hải quân. “Bố cháu là bộ đội hải quân, cháu cảm thấy tự hào lắm. Đặc biệt, bố cháu đang công tác ở Trường Sa, mỗi khi bố gọi điện về kể những câu chuyện trên đảo, kể về những ngày công tác, cháu rất thích, rất muốn sau này mình trở thành người lính hải quân, được công tác tại đảo như bố”, cháu Việt Lâm chia sẻ…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ