Chính trị - Xã hội

PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Cần có thuốc "đặc trị" cho nam giới cai thuốc

07:43, 06/02/2017 (GMT+7)

Khảo sát của Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thực hiện năm 2011 cho thấy, tỷ lệ nam giới từ 18 tuổi trở lên hút thuốc lá tại Việt Nam chiếm 50,7% và nữ giới là 4,1%. Trong khi đó, khảo sát của ngành Y tế thành phố thực hiện mới đây cũng cho thấy, tại Đà Nẵng, nam giới từ 18 tuổi trở lên hút thuốc lá chiếm 55% và nữ giới là 8,1%.

Số liệu khác nhau nhưng có một điều không thay đổi đó là tỷ lệ nam giới từ 18 tuổi trở lên hút thuốc lá tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn áp đảo so với nữ giới.

Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng tham gia tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá.  						    Ảnh: H.A
Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng tham gia tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá. Ảnh: H.A

Không những chiếm số nhiều về tỷ lệ hút thuốc lá, nam giới cũng có thái độ “vô tư” hơn so với nữ giới về việc thải khói thuốc lá ra môi trường xung quanh. Hình ảnh nhiều nam giới thản nhiên hút thuốc lá trong nhà, xung quanh có người già, phụ nữ, trẻ em vẫn rất phổ biến. Thậm chí, có không ít ông bố vừa bồng con nhỏ vừa phì phèo điếu thuốc trên môi...

Đặc biệt tại các quán nhậu, quán cà-phê là nơi nam giới hút thuốc mà chẳng phải e ngại. Mặc dù từ năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 176/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực y tế, trong đó có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng với mức phạt từ 100.000-300.000 đồng/trường hợp, nhưng thực tế tình hình hút thuốc lá bất kể nơi đâu vẫn không thay đổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Hứa Quảng, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng, trong số bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, số lượng bệnh nhân nam chiếm phần lớn, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 1-1,5%. Trong quá trình điều trị tại khoa, việc một bệnh nhân nam chủ động tìm đến nhân viên y tế để được tư vấn cách điều trị bệnh và cai nghiện thuốc lá có thể nói là rất ít.

Ngược lại, gần như tất cả bệnh nhân nữ khi vào viện điều trị đều luôn tìm mọi cơ hội để được tư vấn cai nghiện thuốc lá. Cũng có những trường hợp bản thân nữ giới không hút thuốc, nhưng khi vào bệnh viện chăm sóc cho chồng, con, họ cũng rất nhiệt tình tìm hiểu thông tin về tác hại của thuốc lá, phương pháp cai nghiện để động viên người thân cai nghiện thuốc lá hiệu quả nhất.  

Thực tế là vậy, nhưng việc tuyên truyền kêu gọi mọi người cai nghiện thuốc lá hiện nay vẫn còn khá chung chung cho tất cả đối tượng. Nhiều chương trình truyền thông mang thông điệp chung là kêu gọi mọi người “nói không” với thuốc lá.

Theo đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đây là cách tuyên truyền vừa gây lãng phí, hiệu quả không cao, đồng thời gây sự nhàm chán cho những đối tượng không hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá thụ động. Chính vì vậy, trong thời gian đến, công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại khói thuốc lá rất cần sự đổi mới theo cách hướng đến từng đối tượng cụ thể, với những kịch bản cụ thể.  

T.S

.