Chính trị - Xã hội
Sắt son lời thề Trường Sa - Bài cuối: Giữa nắng gió Trường Sa
Quần đảo Trường Sa cách đất liền hàng trăm hải lý, mỗi năm mới có vài chuyến tàu ra Trường Sa để cung cấp một số nhu yếu phẩm cho quân và dân trên đảo. Vì vậy, để bảo đảm cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân trên đảo đều phải “tự túc”.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây tăng gia sản xuất. |
Đặc biệt, khi biến đổi khí hậu trở nên khắc nghiệt, việc “tự cung, tự cấp” gặp không ít khó khăn. Những CBCS quần đảo Trường Sa luôn có nhiều sáng kiến để tăng gia sản xuất, tiết kiệm nước nhằm bảo đảm cuộc sống, phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu cao.
Xanh xanh ở đảo nổi
Tàu Trường Sa 571 đưa đoàn công tác Vùng 4 Hải quân cùng đoàn nhà báo đi Trường Sa thuộc cánh phía Bắc với 6 điểm đảo, xã đảo gồm: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn. Ở từng đảo, điểm đảo, dù là đảo chìm hay nổi nhưng vẫn phủ đầy màu xanh của rau, củ, quả.
Bước chân lên đảo Song Tử Tây, ngoài màu xanh của những phong ba, bão táp, mù u, bàng vuông, còn là màu xanh của những luống rau cải, rau muống, khoai lang, mồng tơi. Đứng bên khóm rau cải đang lên xanh, Trung tá Lê Kim Hợi, Cụm trưởng Cụm chiến đấu 1, đảo Song Tử Tây cho rằng, việc tăng gia ngoài đảo rất khó khăn khi thời tiết Trường Sa phân thành hai mùa rõ rệt, nhất là từ đầu năm đến tháng 7 thời tiết rất khắc nghiệt. Vì vậy, việc gieo trồng một giống rau nào là cả vấn đề, nên CBCS nâng niu, gìn giữ từng chút.
Trước những khó khăn đó, đơn vị luôn yêu cầu phải nỗ lực tăng gia mới bảo đảm cuộc sống. Cán bộ đảo Song Tử Tây đều làm nhà vòm để trồng rau. Theo khuôn mẫu nhà vòm, phía trên được che bằng lưới để chắn gió và sương muối của biển, hai bên che kín.
Các loại rau được trồng thành khóm. Để rau xanh tốt, CBCS tận dụng nước sinh hoạt tưới cây. Sự nỗ lực của CBCS và nhân dân toàn đảo đã giúp rau xanh luôn tươi tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy, khi thời tiết thuận lợi, rau vượt chỉ tiêu 200%, thời tiết không thuận lợi vẫn bảo đảm rau xanh.
Việc tăng gia sản xuất hiệu quả nhất là ở đảo Nam Yết. Ở đảo này, từng cụm chiến đấu đều được giao nhiệm vụ tăng gia sản xuất hằng năm. Nổi bật hơn hết là bí đao và bí ngô. Ngoài ra, những luống rau cải, mồng tơi luôn xanh mướt.
“Đột nhập” nơi tăng gia sản xuất của Cụm chiến đấu 1, đảo Nam Yết, mới thấy không chỉ CBCS vững vàng tay súng mà còn tăng gia sản xuất giỏi. Những hàng bí đao sai quả đu đưa. Những quả bí đao to, dài đều đặn nhau trông bắt mắt.
Đại úy Kiều Văn Hưng, Phó Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1 cho biết, năm 2016, Đảng ủy, chỉ huy đảo Nam Yết đưa ra chỉ tiêu tăng gia phải đạt 1.250.000 đồng/năm/người; từ đó giao về các cụm, các cụm tiến hành quán triệt CBCS phải nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu.
Theo Đại úy Hưng, việc tăng gia chủ đạo của cụm chính là bí đao và 20m2 rau xanh. Tận dụng lá bàng vuông để làm phân, nước sinh hoạt để tưới nên rau, củ của cụm luôn xanh tốt. Năm 2016, Cụm chiến đấu 1 đã trồng và thu hoạch hơn 1.000 quả bí đao, bí ngô cùng hàng chục kilogam rau các loại, cuộc sống của CBCS được cải thiện rõ rệt.
Nỗ lực tăng gia ở đảo chìm
Việc trồng rau xanh ở đảo nổi khó khăn thì ở đảo chìm càng gặp khó khăn muôn phần, bởi lẽ những hòn đảo này không có đất và diện tích để trồng rau. Thế nhưng, với những sáng kiến CBCS đã cho ra đời những luống rau xanh mướt. CBCS đảo chìm Đá Nam đã tận dụng những tấm xốp, ván ghép rồi đổ đất vào để trồng những luống cải mầm, rau cải, rau lang, mồng tơi.
Do diện tích đảo nhỏ nên CBCS luôn tận dụng những khoảng trống rồi che chắn cẩn thận để trồng rau. Cái khó nhất ở đảo chìm là nước tưới, bởi lẽ nước sinh hoạt còn thiếu thốn. Nhưng nhờ tiết kiệm tối đa nên những luống rau vẫn tươi tốt trên nền đảo đá.
Cạnh đảo chìm Đá Nam không xa là đảo chìm Đá Thị. Ở đây cũng vậy, quanh năm CBCS luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao để bảo vệ vững chắc đảo và rạn san hô xinh đẹp, nhưng cơm ăn cũng phải đủ đầy chất đạm, rau xanh.
Theo quan sát của chúng tôi, đảo chìm Đá Thị có hai vườn rau nhỏ được che đậy cẩn thận với đủ loại rau xanh như rau muống, khoai lang, cải, mồng tơi, rau thơm... Đảo trưởng đảo chìm Đá Thị - Thượng úy Trần Minh Phúc cho biết, các giống rau được mang từ đất liền ra. CBCS ở đây ai cũng học được kỹ năng trồng rau trên đảo nên bữa ăn hằng ngày đều có rau xanh.
Có lẽ việc tăng gia sản xuất mang lại hiệu quả nhất là trồng hành. Người sáng kiến trồng hành ở đảo chìm Đá Thị là Trung úy Lê Văn Trường, Trưởng xuồng CQ. Trung úy Trường tận dụng các chai lọ, sau đó cắt, đục lỗ thành từng hàng rồi cho hành vào, cứ thế 7-8 ngày thì hành có thể ăn được.
Chính việc trồng hành thuận lợi nên xung quanh đảo, chỗ nào có thể để bình, lọ, chai được, anh đều ươm trồng hành. “Mỗi bình hành phát triển tốt cho 3-4 người dùng trong một tháng. Thời gian đến, tôi sẽ đề xuất để nhân rộng mô hình trồng hành ra toàn quần đảo Trường Sa”, Trung úy Trường chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho rằng, tuy thời tiết khắc nghiệt nhưng bằng nhiều cách khác nhau, CBCS quần đảo Trường Sa đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Cũng theo Đại tá Dương, ngoài việc chú trọng trồng rau xanh, các đảo tham gia chăn nuôi bò, gà, vịt, lợn để cung cấp thịt hằng ngày cho bộ đội và nhân dân...
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ