.

Tấm lòng với trẻ mồ côi

.

Khi mời tôi cộng tác để giúp chăm sóc các cháu ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi (thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng), chị Nhì - Giám đốc Trung tâm - ngập ngừng “rào đón” rằng chỉ có phụ cấp xăng xe và cà-phê cho vui, chứ không có tiền lương. Tôi bảo, điều đó không quan trọng, mỗi tuần 1-2 lần tôi sẽ ghé thăm khám cho những cháu có vấn đề về sức khỏe, hoặc định kỳ thăm khám cho toàn bộ các cháu.

Du khách nước ngoài chơi với trẻ mồ côi.
Du khách nước ngoài chơi với trẻ mồ côi.

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, các cháu là những đứa trẻ mồ côi, những mảnh đời bất hạnh; cũng có những cháu không may chào đời với dị tật bẩm sinh nên bị người thân ruồng bỏ...

Hơn 20 cháu chung một mái nhà, chung sự yêu thương, che chở của cộng đồng để từng ngày lớn lên, các cháu vẫn hồn nhiên chơi đùa, nói cười, hoặc thản nhiên với ánh mắt nhìn ngơ ngác, hay thậm chí nằm yên bất động...

Trực tiếp chăm sóc các cháu là những cô bảo mẫu hiền hòa, thân thiện. Tôi nghĩ, chỉ có những người mang trái tim đầy nhân ái với tấm lòng người mẹ, người chị mới có thể làm tốt công việc này. Bởi lẽ, chăm trẻ chưa bao giờ là chuyện nhàn hạ, nhất là trẻ khuyết tật gần như nằm bất động, hoặc trẻ còn rất non yếu mới được làm thủ tục đưa vào Trung tâm chỉ vài tuần tuổi, thậm chí vài ngày tuổi. Trong khi đó, tiền lương của các cô quá ít ỏi.

Đến với các cháu, tôi bắt gặp không ít tấm lòng cả trong nước lẫn ngoài nước. Khi thì một gia đình mang cho gạo sữa; lúc thì những du khách đến từ Úc, Đức, Đan Mạch... ghé thăm và chơi đùa hàng giờ với các cháu, họ đặc biệt quan tâm những cháu khuyết tật. Có lần gặp vài cô, cậu sinh viên đến ẵm bồng và đút cho các cháu ăn rồi chụp ảnh lưu niệm. Và còn nữa, rất nhiều tấm lòng mà tôi không thể kể hết được.

Mỗi lần tôi đến, tiếng bi bô của các cháu... “bác chỉ, bác xỉ...” (bác sĩ), nghe mãi thành quen. Vài trẻ dạn dĩ tiến lại gần đưa tay bắt. Bắt mãi cũng thành quen, trẻ nọ bắt chước trẻ kia nên nhiều lúc phải bắt tay từng cháu cho... công bằng. Có cháu đứng trong nôi đưa hai tay đòi ẵm. Những cử chỉ khao khát sự yêu thương đó làm tôi nao lòng. Tôi cũng nhiều lần dùng điện thoại chụp ảnh các cháu. Cứ mỗi lần chụp xong, xem lại ảnh, các cháu lại cười thật tươi...

Cuối năm, một nhà hảo tâm đã đầu tư sơn vôi lại toàn bộ Trung tâm. Màu vôi mới tươi tắn, thơm tho như chiếc áo mới riêng dành cho các cháu để đón một mùa xuân mới. Dù cuộc sống có thế nào chăng nữa, mùa xuân vẫn mang lại cảm giác ấm áp, nhẹ nhàng, tươi vui, tràn đầy sức sống cho tất cả mọi sinh vật trên trái đất này. Tự nhiên tôi ao ước giá như tất cả trẻ em trên thế giới đều nhận được sự yêu thương và chăm sóc của bố mẹ thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn biết nhường nào.

Thạc sĩ Y học MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.