Chính trị - Xã hội

Tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi: Mục tiêu, động lực cho cán bộ trẻ phấn đấu

07:53, 23/02/2017 (GMT+7)

Đề án tạo nguồn cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đảm nhận các chức danh do Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt của thành phố vừa ban hành đang nhận được sự quan tâm của nhiều cán bộ trẻ. Đối với thế hệ cán bộ kế cận hiện nay, đề án này đang tạo nên sự khích lệ khá lớn để họ tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, công việc được giao. Báo Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận ý kiến của cán bộ trẻ về đề án này.

* Anh Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch CLB Cán bộ trẻ Đà Nẵng:

Đề án thể hiện tầm nhìn chiến lược

Theo tôi, việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là trong yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa có năng lực vững vàng, phẩm chất đạo đức để đóng góp vào sự phát triển của Đà Nẵng, đưa thành phố hội nhập trong tình hình mới.

Tôi được biết nhiều anh em cán bộ trẻ hiện nay có năng lực tốt, tràn đầy sức lực, nhiệt huyết cống hiến cho sự phát triển của thành phố, do đó khi đề án được ban hành, anh em cán bộ trẻ sẽ được tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thể hiện năng lực và sức trẻ của mình, tôi cho rằng đề án là tầm nhìn chiến lược đúng đắn của lãnh đạo thành phố.

Ngoài ra, khi các cán bộ trẻ đã được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thì bản thân họ phải nỗ lực phấn đấu, trau dồi năng lực, học tập kinh nghiệm từ các thế hệ đàn anh đi trước.

Đề án cũng nêu rõ về chủ trương động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu để có vị trí cho cán bộ trẻ rèn luyện, thử thách; cá nhân tôi rất đồng tình, nhưng khi thực hiện cũng cần xem xét sao cho hợp lý, hài hòa trên phương diện tình cảm lẫn chuyên môn, vì cán bộ trẻ muốn thực sự phát triển không thể thiếu sự hướng dẫn, chỉ bảo từ các thế hệ đi trước.

Cán bộ trẻ sau khi được bổ nhiệm cũng cần được tạo điều kiện tối đa để họ thể hiện năng lực, bên cạnh đó, sự ủng hộ của đơn vị nơi công tác cũng là động lực lớn để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

* Anh Phan Văn Thỏa (sinh năm 1980), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu): 

Khắc phục việc tiến cử “người nhà”

Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ do Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành là một đề án tốt, tạo động lực cho cán bộ trẻ dưới 35 tuổi phấn đấu. Trên thực tế hiện nay, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi được bổ nhiệm, đề bạt giữ chức danh phó, trưởng phòng ở các quận, huyện trở lên chưa nhiều.

Đề án này không chỉ tạo cơ hội tốt cho cán bộ trẻ thể hiện năng lực của mình mà còn khắc phục được những vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm, tiến cử “người nhà” nhưng không đủ tiêu chuẩn.

Qua kinh nghiệm thực tiễn cá nhân, tôi thấy cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, làm việc năng nổ, sáng tạo. Mặc dù ban đầu gặp khó khăn nhất định do thiếu kinh nghiệm trong xử lý một số vấn đề nảy sinh ở cơ sở do họ chưa từng gặp lần nào, nhưng với tinh thần ham học hỏi và cầu thị, các cán bộ trẻ tiếp cận và xử lý nhanh công việc bằng cách tham khảo ý kiến của các bậc lão thành, các cán bộ lãnh đạo đi trước và cả việc lấy ý kiến của tập thể nên dần dần đảm nhiệm tốt vai trò của mình.  

* Anh Lê Thanh Hùng (sinh năm 1988), Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước (quận Hải Châu):

Nên khuyến khích cán bộ về cơ sở

Tôi cho rằng Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó chú trọng tiến cử cán bộ dưới 35 tuổi làm lãnh đạo, là một chủ trương đột phá, mạnh dạn của Ban Thường vụ Thành ủy. Từ thực tiễn công tác cho thấy, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi có nhiều khả năng sáng tạo cũng như nhiệt huyết trong công việc.

Tuy nhiên, khi giới thiệu tiến cử, cần chọn người đảm bảo năng lực, có đức lẫn tài và vì công việc mà bố trí người. Bên cạnh việc bố trí tại chỗ cũng cần khuyến khích bổ nhiệm về cơ sở để tạo niềm tin, động lực và tinh thần trách nhiệm cho lớp trẻ, giúp họ thể hiện năng lực của mình.

Vướng mắc lớn nhất là cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên khi về cơ sở sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ và va chạm; do đó cũng cần sự theo dõi, dìu dắt của các cán bộ, đảng viên đi trước và nhân dân. Với tinh thần cầu tiến, tôi tin họ sẽ đảm đương tốt công việc ở cơ sở.

* Anh Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1984), Bí thư Đảng ủy phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn):

Nên mở rộng thêm đối tượng phó chủ tịch HĐND, UBND phường, xã

Trước đây, khi tham gia Đề án 89 của Ban Thường vụ Thành ủy, chúng tôi được định hướng mục tiêu phấn đấu để đảm nhận hai chức danh cán bộ chủ chốt ở phường, xã. Qua quá trình rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, nhiều người đã được tập thể tín nhiệm bầu vào các chức danh chủ chốt ở xã, phường.

Nay Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục ban hành Đề án tạo nguồn cán bộ cho các chức danh thuộc Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, chúng tôi thấy đây là một mục tiêu rất cụ thể để cán bộ trẻ dưới 35 tuổi như chúng tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu, rèn luyện nhiều hơn nữa.

Nghiên cứu đề án tôi thấy cần bổ sung thêm đối tượng là phó chủ tịch HĐND, UBND ở cấp phường, xã. Hiện nay, có rất nhiều cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đang đảm nhận 2 chức danh này. Đối tượng mở rộng ra, tính cạnh tranh trong phấn đấu sẽ cao hơn, đồng thời tổ chức có nhiều sự lựa chọn hơn khi làm công tác quy hoạch cán bộ trẻ tham gia đề án.

* Chị Lê Thị Kim Hoa (sinh năm 1985), Phó ban Tổ chức Quận ủy Ngũ Hành Sơn:

Mục tiêu cho cán bộ trẻ phấn đấu

Qua nghiên cứu nội dung đề án, tôi thấy không phải ai có đủ tiêu chí như quy định của đề án cũng được tiến cử nhưng đề án có thể coi là mục tiêu, động lực cho cán bộ trẻ dưới 35 tuổi phấn đấu. Phải phấn đấu khẳng định khả năng của mình để lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cấp ủy đánh giá, nhìn nhận và tiến cử mình tham gia đề án.

Khi được tiến cử, cán bộ trẻ lại đứng trước một hành trình nỗ lực, trải qua nhiều thử thách hơn nữa để hoàn thiện trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, xứng đáng đảm nhận vị trí cao hơn. Mục tiêu không đơn thuần là chức vụ cao hơn mà là phấn đấu để trở thành người cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực.

Đồng thời, phải có tư duy đổi mới, sáng tạo; có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

* Anh Võ Khoa Nguyên (sinh năm 1985), Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu:

Công tác cán bộ trẻ sẽ có khởi sắc

Tôi rất đồng tình với đề án tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi mà Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành. Như chúng ta thấy, công tác cán bộ trẻ của thành phố trong những năm gần đây được quan tâm chú trọng nhiều hơn trước nhưng thực tế đến kỳ đại hội Đảng các cấp, số cán bộ trẻ tham gia cấp ủy vẫn chưa đạt được tỷ lệ không dưới 10% theo tinh thần Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); đặc biệt, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi tham gia cấp ủy cấp quận, huyện đều có tỷ lệ rất thấp.

Cả 7 quận, huyện và 3 Đảng ủy khối chỉ có 4/103 (3,88%) cán bộ trẻ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Tôi cho rằng đề án của Ban Thường vụ Thành ủy về tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi tạo nguồn quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý là một bước đột phá mới mang tính chiến lược để khắc phục tình trạng này.

Hy vọng rằng ở nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy sẽ đạt tỷ lệ quy định, đáp ứng được yêu cầu có 3 độ tuổi trong cấp ủy. Với đề án này, thành phố sẽ có những cán bộ trẻ được tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng về năng lực trình độ, chuyên môn, sức sáng tạo, phẩm chất đạo đức ở độ tuổi sung sức nhất, cống hiến nhiều nhất, góp phần tiếp tục đem lại nhiều đột phá mới cho thành phố.

SƠN TRUNG - ĐOÀN LƯƠNG - QUỐC KHẢI ghi

.