.

Trường hợp cản trở, chống đối thi hành án: Kiên quyết xử lý hình sự

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 6-2-2017 về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự. Chỉ thị nêu rõ: Để phát huy kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Tư pháp cần xác định rõ định hướng phát triển hoạt động thi hành án dân sự phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch vững mạnh, phù hợp với quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân”.

Hệ thống thi hành án dân sự cần quyết liệt đổi mới, trong đó đặc biệt quan tâm đến những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chấp hành viên bảo đảm phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự. Thực hiện tốt phương châm “hướng về cơ sở”; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng và các vụ án về tham nhũng; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra theo thẩm quyền, kịp thời phát hiện, khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm, nhất là vi phạm trong kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả, chất lượng, kỹ năng dân vận trong công tác thi hành án và tiếp công dân; đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp kịp thời xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong các vụ án tham nhũng để bảo đảm tổ chức thi hành án có hiệu quả.

Chỉ đạo cơ quan Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm cưỡng chế thi hành án hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh các cơ quan Công an thiếu tinh thần phối hợp; kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án theo quy định của pháp luật; chuyển giao vật chứng, tài sản, giấy tờ tạm giữ cho cơ quan thi hành án dân sự đúng thời hạn.

Chỉ đạo trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt việc thông báo, giao trả giấy tờ, tài sản, xử lý tiền, tài sản thi hành án tồn đọng; thu tiền, tài sản đối với các đương sự đang chấp hành hình phạt tù liên quan đến thi hành án dân sự.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm cho vay; phối hợp hiệu quả với các cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; nghiên cứu cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua; kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống thi hành án dân sự; bố trí, sử dụng hiệu quả biên chế được giao; bảo đảm biên chế hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án dân sự; phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong việc bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi hành án dân sự theo thẩm quyền.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật liên quan; phản ánh kịp thời, chính xác, trung thực, khách quan về hoạt động thi hành án dân sự, đặc biệt là đối với những vụ việc phức tạp, được xã hội quan tâm…

Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.