.

29 năm "vòng tròn bất tử" Gạc Ma: Nghĩa tình những người lính biển

.

Hôm nay (14-3), tròn 29 năm những người con nước Việt, những người vợ, người mẹ và đồng đội vẫn luôn hướng về người thân yêu của mình - những chiến sĩ Trung đoàn Công binh 83 - đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở đảo Gạc Ma - Trường Sa.

Thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Phó Trung đoàn trưởng chính trị, Trung đoàn Công binh 83 (phải) cùng anh Trần Văn Tiến đang chuẩn bị lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh.
Thượng tá Hoàng Hoan, nguyên Phó Trung đoàn trưởng chính trị, Trung đoàn Công binh 83 (phải) cùng anh Trần Văn Tiến đang chuẩn bị lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh.

Thượng tá Hoàng Hoan, Phó Trung đoàn trưởng chính trị, Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83) giai đoạn 1988-1997 nhớ lại, cuối năm 1987 Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, bao gồm việc củng cố, xây dựng thêm các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội. Từ sau Tết Nguyên đán, các chiến sĩ Trung đoàn Công binh 83 nhận lệnh từ Sơn Trà (Đà Nẵng) vào Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 125, 146 (Vùng 4 Hải quân) ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm ở Trường Sa theo chiến dịch CQ-88.

Ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Gạc Ma là một tổn thất nặng nề của lực lượng Hải quân. “Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày ấy nhưng chúng tôi vẫn không hề nao núng, sợ hãi; mà càng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Hoan kể lại.

Trong ký ức của anh Trần Văn Tiến (quê Hải Phòng, hiện trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), những ngày này 29 năm về trước, cả nước đều khí thế sục sôi hướng về Trường Sa. Chàng thanh niên 17 tuổi Trần Văn Tiến nhớ rất rõ câu khẩu hiệu “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” phát dồn dập, liên hồi từ loa phát thanh của xã.

“Được phục vụ Tổ quốc, đóng góp công sức cho đất nước là niềm vinh dự lớn nhất của chúng tôi thời điểm đó”, anh Tiến nhớ lại. Sau trận hải chiến Gạc Ma 14-3-1988, anh viết đơn tình nguyện đi lính, trở thành người lính thông tin tại Trung đoàn 83 Công binh, Quân chủng Hải quân (nay là Lữ đoàn 83 Công binh).

Trở về hậu phương và giờ đây là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải nhưng lý tưởng trong anh vẫn nguyên vẹn như tuổi đôi mươi với những suy nghĩ, nghĩa cử hết sức mộc mạc, chân tình mang đậm chất lính.

Sáng 13-3, trong căn nhà tại khu vực vịnh Mân Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà hướng ra cửa biển, anh Tiến và ông Hoàng Hoan cùng nhau sửa soạn cho lễ tưởng niệm vào hôm nay (14-3). Tấm bảng ghi dòng chữ “Đời đời nhớ ơn 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma 14-3-1988” được đặt ngay ngắn, trang nghiêm ngay phía trước sảnh.

Đều đặn 6 năm nay, cứ đến ngày 14-3 hằng năm, những người lính Trường Sa tham gia chiến dịch CQ88 lại bước ra biển, hướng về Trường Sa, tổ chức thả hoa đăng, tưởng niệm 64 đồng đội đã ngã xuống. “Đây là nghĩa tình của những người đồng đội với nhau.

Thông qua việc làm này, chúng tôi cũng muốn nhắc nhở đến các thế hệ trẻ hôm nay, rằng chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, chúng ta phải tiếp tục phát huy truyền thống và xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của cha anh”, ông Hoàng Hoan chia sẻ. Những cánh hoa xuôi theo dòng, lênh đênh trên mặt nước mang theo tấm lòng của những người đồng đội một thời cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu.

Trong trận hải chiến Gạc Ma 14-3-1988, 9 người con Đà Nẵng đã vĩnh viễn không trở về. Những năm qua, thông qua hoạt động của Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng, những cựu binh Gạc Ma vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên và tặng sổ tiết kiệm cho mẹ các liệt sĩ.

“Sự hy sinh, mất mát của các gia đình là quá lớn, không thể bù đắp được. Trong khả năng của mình, những người đồng đội như chúng tôi đều làm hết sức có thể để sẻ chia với gia đình các đồng đội, dù các anh mãi mãi không trở về”, ông Hoàng Hoan xúc động.

Lặng lẽ và có phần rụt rè khi nói về bản thân nhưng đôi mắt của anh Trần Văn Tiến lại không thể giấu nỗi khắc khoải khi nhắc đến 9 người đồng đội Gạc Ma tại Đà Nẵng. “Điều ám ảnh lớn nhất đối với tôi đó là khuôn mặt các đồng đội trên di ảnh. Họ còn quá trẻ, chỉ mới tuổi đôi mươi. Lứa tuổi tràn trề sức lực, sống theo lý tưởng mình đã chọn mà không hề có chút nghĩ ngợi, toan tính gì”,  anh Tiến nói.

Hai năm qua, anh Tiến lặng lẽ đi phục chế 9 di ảnh của 9 liệt sĩ Đà Nẵng hy sinh tại Gạc Ma. Những tấm hình ố mờ theo thời gian, nét còn nét mất đã được anh chăm chút cẩn thận, phục chế một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đồng thời “thay áo mới” trên di ảnh cho các liệt sĩ bằng những bộ quân phục nghiêm trang.

Hiện công ty của anh Tiến triển khai các nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị cứu sinh, cứu hỏa bảo đảm an toàn cho con người và thiết bị trên biển. Công ty anh luôn rộng cửa ưu tiên cho nhân viên, học viên là những bộ đội xuất ngũ. Bởi theo quan niệm của anh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất quan trọng của người lính chính là hết mình với nhiệm vụ được giao và tinh thần đoàn kết, hỗ trợ đồng đội khi có thể.

29 năm trôi qua, vong linh của các chiến sĩ Gạc Ma có lẽ đã bớt cô quạnh bởi nghĩa tình của đồng đội. Họ vẫn luôn sát cánh bên nhau, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào...

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.