Chính trị - Xã hội

Đối thoại đầu tuần

Sớm đưa Làng Đại học Đà Nẵng đi vào hoạt động

07:57, 27/03/2017 (GMT+7)

Dự án quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng (ĐNĐN) đã kéo dài 20 năm. Hiện nay, với quyết tâm của chính quyền thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và ĐHĐN, dự án có thêm những tín hiệu tích cực để tái khởi động và đầu tư, sớm đưa Làng ĐHĐN đi vào hoạt động.

Đại học Đà Nẵng triển khai đầu tư giai đoạn 3 tại dự án Làng Đại học với hạng mục khoa Y dược, khu làm việc và công trình phụ trợ.  Trong ảnh: Thi công khu làm việc và công trình phụ trợ. Ảnh: NAM PHƯƠNG
Đại học Đà Nẵng triển khai đầu tư giai đoạn 3 tại dự án Làng Đại học với hạng mục khoa Y dược, khu làm việc và công trình phụ trợ. Trong ảnh: Thi công khu làm việc và công trình phụ trợ. Ảnh: NAM PHƯƠNG

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, GS.TS Trần Văn Nam (ảnh), Giám đốc ĐHĐN cho biết:

- Quy hoạch chung ĐHĐN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg ngày 9-12-1997 và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung ĐHĐN theo Quyết định số 6001/QĐ-BGD&ĐT/KHTC ngày 19-10-2004.

Theo đó, quy hoạch Làng ĐHĐN có diện tích sử dụng đất 300ha (gồm 110ha thuộc thành phố Đà Nẵng và 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam); quy mô đào tạo 30.000 sinh viên. Làng Đại học có các khu chức năng: khu các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học, khu ký túc xá, khu thể thao, khu phục vụ công cộng, khu cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Những năm qua, dự án Làng ĐHĐN đã hoàn thành 2 dự án (giai đoạn I và giai đoạn II) nhưng do kinh phí cấp hạn chế nên chỉ thực hiện giải tỏa 23,1ha đất sạch thuộc địa bàn Đà Nẵng và xây dựng các khu giảng đường, nhà làm việc, ký túc xá cho Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (CNTT) với mức đầu tư hơn 170 tỷ đồng.

Nguyên nhân sau 20 năm mới triển khai được là do thiếu vốn thực hiện giải phóng mặt bằng. Là đại học công lập nên việc huy động vốn của ĐHĐN phải tuân thủ các quy định đầu tư của Nhà nước. Mặt khác, do các công trình mang tính phúc lợi, công ích nên việc huy động vốn rất khó khăn.

Với diện tích quy hoạch lớn như vậy tại vùng giáp ranh của hai địa phương nên rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Hiện nay, dự án xúc tiến lập điều chỉnh quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

* Với tình hình triển khai dự án trong thời gian qua, ĐHĐN bước đầu thực hiện sắp xếp cơ sở đào tạo như thế nào?

- Là đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực với 11 đơn vị trực thuộc, ĐHĐN đang thực hiện đào tạo 21 chuyên ngành tiến sĩ, 36 chuyên ngành thạc sĩ, 101 chuyên ngành đại học, 29 chuyên ngành cao đẳng, 47 chuyên ngành đào tạo liên thông cho gần 60.000 sinh viên, học viên các hệ và học viên sau đại học, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh lân cận của nước bạn Lào và Campuchia.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ĐHĐN luôn quan tâm việc phát triển các ngành đào tạo và đội ngũ nhân lực có chất lượng. Nhằm tập trung phát triển ngành CNTT đáp ứng nhu cầu trong nước và khu vực, ĐHĐN đang triển khai bố trí sắp xếp tất cả các chuyên ngành CNTT tại các đơn vị thành viên để thành lập Trường Đại học CNTT và Truyền thông trực thuộc ĐHĐN. Do nhu cầu đào tạo nhân lực giáo viên dạy nghề tại khu vực nên ĐHĐN đang có kế hoạch đề nghị thành lập Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật trực thuộc trên cơ sở đội ngũ và cơ sở vật chất có sẵn.

Về hạ tầng, thời gian qua đã triển khai thực hiện 2 dự án tại Hòa Quý - Điện Ngọc, giai đoạn I (đầu tư làm mốc giới bảo vệ, nhằm quản lý đất và tránh lấn chiếm tại khu quy hoạch chung Hòa Quý - Điện Ngọc), giai đoạn II (đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các khu giảng đường, ký túc xá và hạ tầng kỹ thuật) với tổng mức đầu tư 167,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn tự bổ sung của ĐHĐN.

Được sự quan tâm của Chính phủ, năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng ĐHĐN giai đoạn III trên phần đất đã giải tỏa (xây dựng và trang bị đồng bộ nhà làm việc, giảng đường cho khoa Y Dược trực thuộc) với mức đầu tư gần 125 tỷ đồng từ vốn của ngân sách Nhà nước và của ĐHĐN. Công trình đang khẩn trương thi công, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2017.

* Dự án Làng ĐHĐN có vị trí, tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của ĐHĐN hiện tại và tương lai?

- Hiện nay, nếu kể cả phần đất thuộc quy hoạch tại Hòa Quý - Điện Ngọc đã giải tỏa, tổng diện tích đất của các cơ sở thành viên của ĐHĐN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chỉ hơn 62ha trải dài trên 5 quận. Diện tích như vậy không đủ so với quy mô hiện tại của các trường (theo tiêu chuẩn 100m2/sinh viên thì tổng diện tích quy hoạch 300ha cho 30.000 sinh viên đến nay đã thiếu so với quy mô hiện tại 60.000 sinh viên).

Do đó, dự án Làng ĐHĐN tại Hòa Quý - Điện Ngọc rất cần thiết cho sự phát triển của ĐHĐN trong những năm đến, nhất là tiêu chuẩn cơ sở vật chất phục vụ cho kiểm định chất lượng trường đại học). Nếu giữ quy mô đào tạo (gần 60.000 sinh viên) như hiện nay thì việc phải mở rộng cơ sở hạ tầng rất cần thiết, hướng đến thay đổi dần các cơ sở cũ đã xây dựng gần 40 năm.

Quy hoạch phát triển, mở rộng ĐHĐN tại Hòa Quý - Điện Ngọc sẽ tạo điều kiện một mặt bảo đảm sự phát triển bền vững của đơn vị, mặt khác bảo đảm các tiêu chuẩn kiểm định trường đại học của khu vực Đông Nam Á.

Các đại học trên thế giới muốn phát triển thì phải hình thành những đô thị đại học hiện đại. Vì vậy, xu thế tất yếu của ĐHĐN cũng như các đại học quốc gia, đại học khu vực khác phải tập trung và phát triển theo mô hình Làng đại học, hay gọi là Đô thị đại học.  

* Sau cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với ĐHĐN mới đây, dự án có bước chuyển động gì mới, các kế hoạch khung cho quá trình đầu tư phát triển trong thời gian tới như thế nào?

- Thủ tướng đã có những kết luận mang tính chiến lược cho sự phát triển của ĐHĐN trong thời gian đến. Việc hình thành đô thị đại học hiện đại tại Hòa Quý- Điện Ngọc sẽ tạo hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến cho phép thu hút không chỉ sinh viên trong nước mà cả sinh viên quốc tế đến ĐHĐN.

Ngay sau buổi Thủ tướng làm việc với ĐHĐN, lãnh đạo ĐHĐN đã chỉ đạo các ban chức năng chuẩn bị nội dung và kế hoạch triển khai cụ thể để báo cáo với lãnh đạo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời lên kế hoạch làm việc với hai địa phương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, một số công việc cần phải thực hiện trong thời gian tới là phối hợp với các địa phương thực hiện tuyên truyền để mọi người, đặc biệt là người dân tại địa bàn Hòa Quý - Điện Ngọc hiểu rõ tầm quan trọng của sự hình thành đô thị đại học trong tương lai có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển của vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng.

Các ban, ngành chức năng của địa phương phải phối hợp chặt chẽ để bảo đảm nguyên trạng, tránh việc lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khu vực quy hoạch. Triển khai thực hiện rà soát lại toàn bộ hiện trạng đất đai và dân cư trên phần đất quy hoạch để làm cơ sở cho việc lập dự án đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng.

Công việc này đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn của hai địa phương. Lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tổng thể ĐHĐN tại Hòa Quý - Điện Ngọc. Lập dự án đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng dứt điểm trong giai đoạn đầu tư công 2016-2020.

Lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung ĐHĐN tại Hòa Quý - Điện Ngọc. Lập dự án và kêu gọi các nhà đầu tư trong ngoài nước tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Hòa Quý - Điện Ngọc. Căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, lập dự án đầu tư xây dựng các công trình phục vụ các cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐHĐN, công việc này sẽ thực hiện theo nhiều giai đoạn với các hình thức khác nhau, kể cả hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư (PPP).

Xây dựng và phát triển ĐHĐN là công việc cần thiết trước mắt cũng như lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương; ngoài ra cũng cần được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân trên địa bàn - những hộ thuộc diện di dời, giải tỏa.

* Cảm ơn GS.TS!

TRIỆU TÙNG thực hiện

.