Chính trị - Xã hội
Làm rõ hợp đồng "khủng" hút triệu m3 cát tại biển Cửa Đại
Trong khi bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang sạt lở nghiêm trọng, chính quyền địa phương phải chi hàng chục tỷ đồng để bơm cát vào chống sạt lở, đồng thời “kêu cứu” Trung ương trợ giúp về vốn và kỹ thuật, thì trong những ngày qua đã xuất hiện thông tin có một hợp đồng “khủng” về việc bơm hút 1 triệu m3 cát từ khu vực biển Cửa Đại để đưa ra Đà Nẵng san lấp mặt bằng.
Hàng loạt công trình phục vụ du lịch của khu nghỉ dưỡng tại Cửa Đại bị sóng biển cuốn phăng. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN) |
Theo thông tin phóng viên có được, đây là hợp đồng giữa Công ty cổ phần T.N (bên A) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn T.S (bên B). Cụ thể, hợp đồng số 01/017/ĐP “Vận chuyển và bơm cát san nền cho công trình Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước tại địa điểm xây dựng: Phường Thanh Bình - Thuận Phước, quận Hải Châu và phường Tam Thuận - Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.”
Theo điều 1 của bản hợp đồng này: “Bên A đồng ý giao và bên B đồng ý nhận thực hiện công việc hút cát lên tàu, vận chuyển đến công trường và bơm xả cát để san nền dự án Khu Đô thị mới quốc tế Đa Phước. Địa điểm khu vực hút cát là vùng biển Cửa Đại (thành phố Hội An, Quảng Nam). Vị trí đặt ống bơm cát vào công trường cách mép nước biển 30m và bắt đầu từ đây sẽ bơm ra xa bờ.”
Đơn giá, khối lượng và giá trị hợp đồng ghi rõ 60.000 đồng/m3, với khối lượng 1.000.000 m3 cát, thành tiền 60 tỷ đồng.
Hợp đồng cũng ghi rõ số lượng tàu hút, thiết bị bơm (phao bơm) của bên B dự kiến phục vụ thi công là từ 5-10 tàu, khoang chứa mỗi tàu phải chở được 800m3 cát. Số lượng thiết bị bơm, ít nhất là 3 hệ thống thiết bị bơm hút, xả. Tùy thuộc khối lượng và thiết bị bơm cần thiết theo từng giai đoạn thi công của dự án.
Theo hợp đồng này, từ tháng 1/2017 đến hết tháng 2/2017 sẽ hút và vận chuyển cát 3.000m3/ngày. Từ tháng 3 đến tháng 9/2017 tăng lên 10.000m3/ngày. Trách nhiệm của Công ty T.N, là: “Chịu trách nhiệm về tính pháp lý của mỏ cát nơi bên B bố trí thiết bị bơm hút, vận chuyển…; Chịu trách nhiệm thả phao xác định khu vực hút cát…; Đảm bảo đủ trữ lượng để bên B khai thác…; Chịu các khoản thuế như thuế tài nguyên môi trường và phí bảo vệ môi trường...”
Nếu chậm trễ thực hiện theo tiến độ hợp đồng trên, bên B là Công ty T.S sẽ phải chịu phạt 2% giá trị của phần công việc chưa thực hiện theo hợp đồng cho mỗi ngày vi phạm. Ngược lại Công ty cổ phần T.N phải đền bù thiệt hại cho bên hút cát nếu “không cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan đến khai thác cát…”.
Khi phóng viên thông tin có hợp đồng “khủng” về việc các đơn vị tổ chức hút hàng triệu m3 cát từ khu vực biển Cửa Đại và chở đi nơi khác tiêu thụ, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: "Thông tin này, chúng tôi cũng mới được nghe. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng, trong đó lực lượng công an là chủ công kiên quyết làm rõ. Quan điểm của tỉnh Quảng Nam là xử lý nghiêm, không bao che cho bất cứ đối tượng cũng như doanh nghiệp nào."
Hiện tượng xói lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An bắt đầu xảy ra từ năm 2004, xuất phát từ khu vực cửa sông Thu Bồn dịch chuyển dần lên phía bắc biển Cửa Đại. Một số nơi nước biển đã khoét sâu vào đất liền tới 200m, nhiều công trình du lịch, cơ sở hạ tầng bị cuốn trôi xuống biển. Mặc dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cùng các ngành chức năng đã triển khai một số biện pháp khẩn cấp nhằm “cứu” bờ biển Cửa Đại nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An cho biết: Trước tình trạng bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An có dự án chống sạt lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại với nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp bơm cát từ ngoài khơi về bồi đắp cho bờ biển. Cũng trong thời gian này, Cục Đường thủy Nội địa (Bộ Giao thông vận tải) có Dự án nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại đoạn Hội An-Cù Lao Chàm, do Ban quản lý dự án đường thủy nội địa (thuộc Cục Đường thủy nội địa) làm chủ đầu tư.
Vì vậy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục Đường thủy nội địa để bơm khoảng hơn 150.000m3 cát từ nguồn cát thuộc dự án nạo vét đảm bảo lưu thông trên tuyến và hỗ trợ cát cho bờ biển Cửa Đại. Trong đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Hội An bơm hút khoảng 70.000m3 và Cục Đường thủy nội địa bơm hút khối lượng còn lại chở về bồi lắng cho bãi biển Cửa Đại. Dự án được thực hiện từ tháng 2/2017.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Đoạn quản lý đường thủy nội địa tỉnh Quảng Nam cho biết: "Với chức năng là phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông trên khu vực được phân công đoạn từ cảng Cửa Đại ra Cù Lao Chàm, đơn vị đã tích cực đầu tư trang thiết bị, bố trí nhân lực để tuần tra trên tuyến. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây chúng tôi liên tục phát hiện một số tàu hút cát sai vị trí và chở đi nơi khác. Cụ thể vào ngày 12/3, phát hiện tàu HP4055 và tàu DNa 0578 (thuộc Công ty Thành Đô) hút cát cách luồng quy định 3km trên khu vực biển Cửa Đại; ngày 13/3, phát hiện tàu HP4288 hút cát sai vị trí và có ý định bỏ chạy nhưng chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng yêu cầu quay tàu, đưa cát đổ vào nơi quy định. Khi phát hiện sự việc, đơn vị đã báo cho lãnh đạo thành phố Hội An và Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm để có biện pháp xử lý."
Theo thông tin từ người dân địa phương, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3/2017 đến nay, nhiều tàu lén lút hút cát trộm vào ban đêm tại khu vực biển Cửa Đại và chở đi nơi khác tiêu thụ.
Theo Vietnam+