Chính trị - Xã hội
Linh hoạt gây quỹ hoạt động Đoàn
Thiếu kinh phí hoạt động là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng hoạt động Đoàn giảm sút, gây khó khăn trong việc xây dựng các chương trình, phần việc thanh niên.
Quầy photocopy trong khuôn viên UBND phường Hòa Cường Bắc của Đoàn phường đóng góp vào quỹ Đoàn từ 20-30 triệu đồng mỗi năm. |
Trung bình mỗi năm, các đơn vị Đoàn phường tổ chức hơn 40 hoạt động lớn, nhỏ như: tuyên truyền, giáo dục chính trị cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN); xóa bảng quảng cáo, rao vặt, vệ sinh môi trường; thực hiện công trình thanh niên; tổ chức hội trại, ngày hội văn hóa dân gian, giao lưu các câu lạc bộ, đội nhóm trực thuộc (chưa kể những hoạt động do Đoàn cấp trên tổ chức)… Tất cả hoạt động trên đều gói gọn trong nguồn kinh phí 20 triệu đồng ngân sách cấp mỗi năm.
Bí thư Quận Đoàn Hải Châu Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách cấp hằng năm, thì đối với những Đoàn phường hoạt động liên tục, chỉ đến khoảng tháng 6 là hết kinh phí. Để tiếp tục duy trì, ngoài chủ động tạo nguồn quỹ thường xuyên, các đơn vị buộc phải linh động bằng cách xã hội hóa hoạt động, vận động nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân cũng như phối hợp với các tổ chức, đoàn thể khác.
Ngay đối với đơn vị Đoàn cấp quận như Hải Châu, trong quá trình triển khai các hoạt động, Thường trực Quận Đoàn phải tính toán rất kỹ từ các nguồn để đáp ứng kế hoạch, chương trình đề ra. Đặc biệt, những phần việc mang tính chất an sinh xã hội như hỗ trợ sửa chữa nhà các gia đình chính sách, hộ nghèo, cấp học bổng... phần lớn đều phụ thuộc vào nguồn kinh phí vận động từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
“Hiện nay, gây quỹ là một trong những việc làm hết sức khó khăn của hầu hết cấp bộ Đoàn. Nếu không linh hoạt tạo được nguồn kinh phí sẽ rất khó triển khai hoạt động chứ chưa nói đến vấn đề tổ chức như thế nào cho hiệu quả, có chiều sâu”, anh Dũng bộc bạch.
Trước tình hình đó, một số đơn vị đã tìm hướng đi phù hợp, vừa giải quyết bài toán kinh phí, vừa giúp ĐVTN có thêm nguồn thu nhập.
Ba năm trước, Hợp tác xã (HTX) Thanh niên thuộc Đoàn phường Thanh Bình (quận Hải Châu) thành lập với số vốn ban đầu 10 triệu đồng, do ĐVTN đang sinh hoạt tại địa phương đóng góp. Số tiền ít ỏi ban đầu này đã sinh lời từ sự đồng lòng, chung sức của ĐVTN toàn phường.
Anh Nguyễn Ngọc Quý, Phó Bí thư Đoàn phường Thanh Bình chia sẻ, suốt mấy năm qua, HTX Thanh niên “sống được” nhờ sự nhiệt tình của đại bộ phận cán bộ Đoàn. Phục vụ loại hình tổ chức sự kiện cưới hỏi, văn nghệ, mừng tuổi, trang trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng…, HTX Thanh niên thường xuyên nhận được “đơn đặt hàng” từ các cấp bộ Đoàn trên địa bàn thành phố. Mỗi năm, ngoài trang trải kinh phí tổ chức sự kiện, trả thù lao cho đội ngũ phục vụ là ĐVTN, HTX Thanh niên thường xuyên đóng góp vào nguồn quỹ Đoàn phường khoảng 10 triệu đồng.
Chưa kể hằng năm vào dịp lễ, Tết, Đoàn phường Thanh Bình cũng tổ chức bán hoa, bổ sung vào nguồn quỹ từ 3 đến 5 triệu đồng. Với nguồn quỹ tự tạo, nhiều năm nay, Đoàn phường Thanh Bình đã có những đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội tại địa phương như: tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, thăm và tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, duy trì tốt các hoạt động về nguồn, hỗ trợ ốm đau, hiếu hỉ, tích cực tham gia hoạt động do Đoàn cấp trên tổ chức.
Tương tự, từ năm 2011 đến nay, Đoàn phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) duy trì hiệu quả hoạt động của HTX Dịch vụ Thanh niên, mỗi năm góp vào quỹ Đoàn từ 20 - 30 triệu đồng. Bí thư Đoàn phường Trần Quang Tùng nhớ lại, trước khi ra đời mô hình dịch vụ thanh niên, như nhiều địa phương khác, hoạt động Đoàn của phường Hòa Cường Bắc thường xuyên rơi vào cảnh “làm cho có” vì nguồn kinh phí quá eo hẹp.
Sau nhiều lần bàn bạc, tìm kiếm mô hình phù hợp, Ban Thường vụ Đoàn phường quyết định lập kế hoạch, xin lãnh đạo phường cho thuê một khoảng đất rộng chừng 9m2 nằm trong khuôn viên UBND phường mở quầy photocopy và xin vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn đối ứng của phường để mua sắm trang thiết bị ban đầu.
Từ đó đến nay, HTX vẫn “sống khỏe” nhờ vào nguồn khách là người dân đến UBND phường làm hồ sơ, thủ tục, giấy tờ. Chưa kể, với mô hình này, Đoàn phường Hòa Cường Bắc đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 1 ĐVTN và tạo một số việc làm bán thời gian cho các thanh niên khác.
Tuy nhiên, cũng theo anh Tùng, với dịch vụ hành chính công trực tuyến phát triển như hiện nay, bên cạnh duy trì dịch vụ giữ xe tại Đài Tưởng niệm thành phố mỗi khi có sự kiện, lễ hội (góp vào quỹ Đoàn từ 1-2 triệu đồng/đêm), Đoàn phường cũng đang tìm kiếm một mô hình gây quỹ mới phù hợp, như mở cà-phê sách hoặc dịch vụ vui chơi, giải trí cho thanh niên…
Bài và ảnh: TIỂU YẾN