Chính trị - Xã hội

Muốn làm tốt dân vận, phải có tâm huyết

08:20, 16/03/2017 (GMT+7)

“Muốn làm tốt công tác dân vận, người cán bộ phải có tâm huyết, nhiệt tình, gần gũi, sâu sát với quần chúng. Vì nếu anh không có tâm tốt, không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì làm sao nói dân tin và vận động được nhân dân”, Phó ban Thường trực Ban Dân vận Quận ủy Thanh Khê Lê Thành Sự (ảnh) chia sẻ khi nói về kinh nghiệm làm công tác dân vận.

Mặc dù chính thức về Ban Dân vận Quận ủy Thanh Khê từ năm 2008 nhưng ngay từ khi còn công tác ở Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, ông Lê Thành Sự đã gắn bó lâu năm với công việc liên quan đến vận động nhân dân. Với vai trò là Phó ban Dân vận Quận ủy và nay là Phó ban Thường trực, ông Sự luôn năng nổ và tiên phong trong việc tham gia vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vận động nhân dân thực hiện di dời, giải tỏa phục vụ các dự án lớn trên địa bàn quận như: dự án nút giao thông khác mức ngã ba Huế, cống Khe Cạn, khu Phần Lăng 2...

Những năm gần đây, Ban Dân vận Quận ủy Thanh Khê đã phối hợp với các cấp, ngành thâm nhập thực tế và về tận cơ sở vận động từng hộ dân di dời, giải tỏa, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện dự án nút giao thông khác mức ngã ba Huế, đã có nhiều hộ chây ì giải tỏa, buộc cán bộ dân vận phải đi lại nhiều lần để giải thích, thuyết phục. Cụ thể như trường hợp của gia đình bà N.T.L và ông T.Q.S ở phường Thanh Khê Tây. Gia đình này luôn đưa ra nhiều yêu sách gây khó dễ và kiên quyết không chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Khi tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ phường đến vận động thì bị bà L. mắng chửi; hai vợ chồng đỗ lỗi cho nhau nên buộc quận phải thành lập hội đồng cưỡng chế. “Khi đo đất, bà L. luôn kêu ca đo thiếu, mình phải đứng ra giải thích cặn kẽ và thuyết phục rằng “tôi là người ở Ban Dân vận, luôn đứng ra bảo vệ lợi ích cho người dân nên chị không phải sợ bị đo thiếu đất”, ông Lê Thành Sự chia sẻ. Bằng kinh nghiệm thuyết phục của mình, ông Lê Thành Sự đã vận động hộ bà N.T.L và ông T.Q.S đồng ý giải tỏa mà không phải thực hiện biện pháp cưỡng chế.

Ngoài những hộ dân phải di dời, một số hộ khác bị ảnh hưởng kinh doanh, buôn bán do công trình cầu vượt ngã ba Huế đi qua cũng bày tỏ bức xúc và kiến nghị đòi bồi thường. Qua vận động, đến nay đã có 66 hộ đồng ý nhận tiền hỗ trợ của thành phố. Đặc biệt, 17 hộ ở đường Lê Độ kiến nghị thành phố hỗ trợ tiền do ảnh hưởng buôn bán, kinh doanh từ việc xây dựng công trình nút giao thông Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương. Tuy nhiên, sau khi được ông Sự và cán bộ địa phương giải thích, họ đã không kiến nghị nữa vì không bị ảnh hưởng nhiều.

Năm 2016, ông Lê Thành Sự đã cùng Ban Dân vận Quận ủy tham mưu cho cấp ủy huy động lực lượng cốt cán hai phường Chính Gián và Thạc Gián trực 24/24 giờ tại Công viên 29-3. Qua đó, vận động người dân không nghe theo kẻ xấu xúi giục gây rối an ninh trật tự sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông Lê Thành Sự cho biết, muốn các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến được với người dân, bên cạnh người lãnh đạo cấp cơ sở quan tâm công tác dân vận thì các Đảng bộ cơ sở và các phường phải có hệ thống chân rết. Những cán bộ nằm trong hệ thống này phải là người có tâm huyết và năng lực thực sự thì mới tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện, từ đó tạo nên sự đồng thuận chung đối với các chủ trương phát triển của thành phố.

Bài và ảnh: GIA HUY

.