Chính trị - Xã hội

Nhiều địa phương "lắc đầu" sáp nhập Sở, Bộ Nội vụ vẫn kiên quyết

14:51, 28/03/2017 (GMT+7)

Mặc dù nhiều bộ, địa phương đề nghị không hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư, hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ vẫn kiên quyết đề xuất Chính phủ sáp nhập.

Nhiều bộ, địa phương đề nghị cân nhắc việc hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (Ảnh minh hoạ)
Nhiều bộ, địa phương đề nghị cân nhắc việc hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (Ảnh minh hoạ)

Trong tài liệu tổng hợp ý kiến các bộ ngành, địa phương góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ cho biết tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Nai đề nghị không hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Kế hoạch - Tài chính vì nhiệm vụ 2 sở này quá lớn và quan trọng tại địa phương.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị cân nhắc việc hợp nhất 2 Sở này.

Tuy vậy, Bộ Nội vụ vẫn bảo vệ quan điểm đề nghị giữ nguyên như dự thảo nghị định vì cho rằng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trên có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

“Việc hợp nhất 2 Sở sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn, bảo đảm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách, hạn chế tối đa các giao thoa về nhiệm vụ giữa 2 Sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ”- Bộ Nội vụ phân tích.

Để thực hiện việc này, Bộ Nội vụ nhấn mạnh sẽ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch - Tài chính, theo hướng rút gọn 3 tổ chức, hợp nhất các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tương ứng.

Cụ thể: Phòng Tài chính đầu tư (Sở Tài chính) với Phòng Tổng hợp, Quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư); Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính) với Phòng Khoa giáo, văn xã (Sở Kế hoạch và Đầu tư); Phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) với Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư).

Theo đó, cơ cấu tổ chức của Sở, gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 10 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với Hà Nội và TPHCM được thành lập thêm một phòng để quản lý riêng về công sản và thành lập một chi cục thay cho một phòng chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính doanh nghiệp.

Có nên sáp nhập Sở Giao thông với Sở Xây dựng?

Trong khi đó, Bộ Xây dựng, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Thái Bình, Đồng Tháp đề nghị không hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải (hợp nhất thêm Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Hà Nội và TPHCM) thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị vì chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở này quá lớn và liên quan đến nhiều văn ban quy phạm pháp luật chuyên ngành.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc hợp nhất vì nhiệm vụ của 2 Sở có nhiều điểm khác biệt, hoạt động đang ổn định.

Tuy vậy, trong tài liệu gửi tới Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định, Bộ Nội vụ tiếp tục đề nghị giữ nguyên như dự thảo nghị định vì việc hình thành và phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông, nhất là khi Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các dự án theo các hình thức đầu tư công - tư luôn đòi hỏi có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển giao thông với đô thị. Vì vậy, Chính phủ cần tổ chức một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị.

Ngoài ra, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong 3 đột phá chiến lược. Kết cấu hạ tầng là đường dẫn của sự phát triển kinh tế xã hội, là điều kiện để phân bổ lực lượng sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hóa…

Theo Bộ Nội vụ, sẽ điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị theo hướng gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (trên cơ sở tổ chức lại 12 phòng chuyên môn, nhiệm vụ hiện có của các Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả).

Theo Dân trí

.