Chính trị - Xã hội

Nhớ những ngày đánh thức bờ đông

14:10, 29/03/2017 (GMT+7)

Cách đây tròn 20 năm, vào ngày 29-3-1997, nhân dịp kỷ niệm 22 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, công trình đường Bạch Đằng Đông và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư (KDC) An Trung được khởi công xây dựng. Bờ đông sông Hàn đánh thức từ đây.

Diện mạo đô thị khang trang, hiện đại của quận Sơn Trà ngày nay. 					               Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN
Diện mạo đô thị khang trang, hiện đại của quận Sơn Trà ngày nay. Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, hồi ấy ông là Trưởng ban Quản lý dự án (QLDA) công trình đường Bạch Đằng Đông nên vẫn còn nhớ như in những ngày tháng khó khăn bắt tay vào việc đánh thức bờ đông sông Hàn. “Trong Ban QLDA, chỉ mình tôi là có chuyên môn xây dựng đường giao thông và cũng chỉ có ít ỏi kinh nghiệm giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư ở dự án KDC Bàu Thạc Gián. Trụ sở và nơi làm việc của Ban QLDA là ở một nhà kho cũ, chật hẹp, kê bàn làm việc sát nhau. Kinh phí được cấp mới mua được 1 máy photocoppy thì gần hết...”, ông Đặng Việt Dũng kể.

Dự án đường Bạch Đằng Đông và các dự án phụ trợ có tổng diện tích 163ha thuộc các phường: An Hải Tây, An Hải Bắc, Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Để thực hiện tuyến đường Bạch Đằng Đông, thành phố phải giải tỏa những xóm nhà chồ xập xệ ven sông. Đây được xem là bước đột phá trong quy hoạch đô thị, có ý nghĩa quan trọng trong việc rút dần khoảng cách, mức sống giữa hai bờ sông Hàn trong một thời kỳ dài của lịch sử thành phố. Khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng gần như được người ta biết đến từ góc độ một “đô thị” ở bờ tây sông Hàn. Một nửa của Đà Nẵng, mà lại là nửa quan trọng nhất của thành phố biển nằm ở bờ đông sông Hàn thì vô cùng nhếch nhác, cũ kỹ.

Ngày nay, du khách đến tham quan, vãn cảnh ở đường Trần Hưng Đạo, ở bến du thuyền DHC Marina, khu vực “cá chép hóa rồng” phun nước và ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước vào mỗi tối cuối tuần, ít ai có thể ngờ, cách đây 20 năm, nơi đây là những xóm nhà xập xệ ven sông. “Muốn mở đường Bạch Đằng Đông, trước hết phải giải tỏa khu vực An Trung (phường An Hải Tây) để xây dựng KDC phục vụ bố trí đất tái định cư. Các hộ giải tỏa ngày ấy rất dễ thương. Chúng tôi gặp gỡ, giải thích, lắng nghe nguyện vọng, trao đổi và trực tiếp giải quyết ngay tại chỗ cho dân, không tốn nhiều thời gian, người dân bàn giao mặt bằng ngay luôn. Nhờ gần dân, người dân đến là gặp và giải quyết khó khăn, vướng mắc tại chỗ nên họ đồng thuận, tháo dỡ nhà cửa, di dời ngay”, ông Đặng Việt Dũng kể.

Để có được thẩm quyền giải quyết ngay tại chỗ cho dân, ông Đặng Việt Dũng cho rằng, đó là do được lãnh đạo thành phố tin tưởng, thấy được hiệu quả công việc, tiến độ giải tỏa và thi công cứ chạy băng băng. “Vừa rồi, khi qua Sơn Trà, tôi ghé vào một quán bún để ăn. Chị chủ quán là một hộ giải tỏa nhận ra tôi, đến cảm ơn vì 5 triệu đồng mà tôi giải quyết hỗ trợ đền bù giải tỏa đã giúp chị giải quyết khó khăn, làm ăn được như ngày hôm nay. Thời đó tôi giải quyết hỗ trợ ngay tại chỗ 5-10 triệu đồng cho rất nhiều hộ, số tiền ấy là cả mấy cây vàng. Ấy thế mà lâu lâu, anh Nguyễn Bá Thanh – lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố, đi phà sang bắt tôi mời dân để anh tiếp. Các hộ đã giải quyết thỏa đáng, bàn giao mặt bằng rồi và được hỗ trợ đền bù rồi nhưng anh vẫn hỗ trợ thêm tiền”, ông Đặng Việt Dũng kể tiếp.

Nhận đất tái định cư, nhiều hộ giải tỏa liền bắt tay xây dựng nhà mới. Những căn nhà mặt phố chỉ mới xây cao 2 tầng bên những con đường chỉ rộng 3,75m và vỉa hè mỗi bên rộng 1,2m ở KDC An Trung được nhiều người đến xem, trầm trồ, ước ao. Tiếp sau đó, các KDC lần lựợt hình thành là An Mỹ, An Hải Bắc 1, An Hải Bắc 2, Phước Mỹ... với hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá đầy đủ và thêm nhiều ngôi nhà mặt phố mới được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Số dân có nhu cầu bố trí đất tái định cư lớn nhưng hầu kết các KDC đều không khai thác được quỹ đất bao nhiêu, làm Ban QLDA gặp thêm nhiều khó khăn về vốn thi công và đền bù giải tỏa. Ban quản lý phải vay tiền ngân hàng để lo đền bù giải tỏa, còn các chủ đầu tư và nhà thầu tự lo vốn thi công, chờ khai thác quỹ đất xong hoàn trả lại. Vì thế, dự án luôn trong tình trạng thiếu vốn, nếu không khéo xoay xở sẽ ách tắc ngay. Trong khi đó, yêu cầu của thành phố về tiến độ con đường lại luôn cấp bách, toàn bộ công trình đồ sộ này hoàn thành trước năm 2.000. Nếu không nỗ lực hết sức, khó hoàn thành khối lượng được đúng yêu cầu.

Từ năm 2000, cầu Sông Hàn hoàn thành và đưa vào sử dụng, làm tăng tốc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch được hoàn thành. Giờ đây, dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp..., nhiều khách sạn, căn hộ, trung tâm thương mại cao tầng mọc lên. Cả bờ đông sông Hàn đã đổi thay diệu kỳ, trở thành đô thị hiện đại và là trọng điểm du lịch của thành phố. Ông Đặng Việt Dũng đúc kết: “Muốn phát triển du lịch tốt thì phải giữ gìn cốt cách, văn hóa và xây dựng, phát huy bản sắc riêng, khác biệt để tạo sự hấp dẫn du khách. Quận Sơn Trà phải định hình tinh hoa văn hóa để quảng bá, thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá. Bên cạnh đó, cần khơi gợi, truyền cảm hứng cho người dân về phục vụ du lịch, làm du lịch. Người dân đồng lòng, quyết tâm và thực hiện thì du lịch càng phát triển mạnh”.

HOÀNG HIỆP

.