Chính trị - Xã hội
Thái độ sống đối với người nhiễm HIV /AIDS
Nhiều người cho rằng nhiễm HIV là hậu quả của những hành vi xấu hay nếp sống buông thả. Do đó, những người sống chung với HIV/AIDS thường bị coi thường, khinh miệt. Thái độ kỳ thị này dẫn tới sự phân biệt đối xử đối với họ.
Tại sao người sống chung với HIV/AIDS lại bị kỳ thị?
Mọi người thiếu kiến thức chính xác về HIV/AIDS và không biết HIV lây truyền như thế nào. Do hiểu sai, họ sợ tiếp xúc thông thường với những người có HIV/AIDS sẽ bị lây nhiễm. HIV gắn liền với những hành vi vốn đã bị kỳ thị ở nhiều nơi như quan hệ tình dục đồng giới, mại dâm và tiêm chích ma túy.
Phân biệt đối xử với người sống chung với HIV/AIDS là gì?
Người sống chung với HIV/AIDS bị cách ly khỏi cộng đồng, bị cô lập. Họ bị đối xử như những người xấu. Trong nhiều trường hợp, những người thân của những người sống chung với HIV/AIDS cũng bị cộng đồng xa lánh. Quyền được học tập, làm việc và chăm sóc như những người bình thường khác bị vi phạm. Quyền được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ bị vi phạm.
Hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử là gì?
Những người có hành vi nguy cơ cao ngại đi xét nghiệm HIV do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Nếu họ nhiễm HIV mà không biết tình trạng HIV của mình, họ có thể làm lây truyền sang nhiều người khác. Điều này dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm mới. Những người sống chung với HIV/AIDS bị tổn thương, suy sụp và càng thêm bi quan. Nhiều người bị tước cơ hội học tập, làm việc, trong khi ở giai đoạn HIV, họ vẫn khỏe mạnh và vẫn có khả năng cống hiến cho gia đình và cộng đồng trong nhiều năm nữa.
Đối xử với người sống chung với HIV/AIDS như thế nào?
Luôn nhớ rằng HIV/AIDS là một bệnh, không phải là tệ nạn xã hội. Hãy giao tiếp và hỗ trợ những người sống chung với HIV/AIDS. Đối xử với họ như với tất cả mọi người. Họ cần có cơ hội học tập, làm việc và tham gia các hoạt động trong cộng đồng như tất cả mọi người. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với họ! Nếu bạn là người sống chung với HIV/AIDS, hãy biết rõ quyền của mình theo Luật Phòng chống HIV/AIDS: Bạn có quyền đi học và làm việc như bất kỳ sinh viên/học sinh khác. Bạn không bị đuổi học chỉ vì lý do bạn bị nhiễm HIV. Bạn không bị tách biệt, hạn chế, hoặc cấm tham gia các hoạt động tập thể, hoặc không được hưởng các dịch vụ chỉ vì bạn nhiễm HIV. Bạn không bị yêu cầu phải xét nghiệm xem có nhiễm HIV không. Bạn không bị yêu cầu trình kết quả xét nghiệm cho trường học/nơi làm việc.
P.V
(Theo tư liệu về phòng, chống HIV)