Chính trị - Xã hội
Vi phạm về an toàn thực phẩm đã đến "giới hạn đỏ"
Sáng 30-3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016" họp phiên họp toàn thể lần thứ 3.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiểm tra thực tế tại cơ sở giết mổ lợn tại Lạng Sơn. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN) |
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc họp.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ thực hiện Nghị quyết số 14/2016/QH14, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 19 về thành lập Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016."
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá Đoàn giám sát đã thực hiện đúng kế hoạch, tiến hành làm việc với 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đoàn giám sát đã làm việc với 3 bộ có trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và nghe Chính phủ báo cáo kết quả tình hình thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời tổ chức 3 Hội nghị chuyên đề tại Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Định.
Tại cuộc họp này, các thành viên đoàn giám sát tiếp tục góp ý kiến hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.
Báo cáo đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, công tác an toàn thực phẩm bước đầu đã có chuyển biến nhất định trong công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn thực phẩm, quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về an toàn thực phẩm...; trách nhiệm các bộ, ngành, cấp chính quyền đối với công tác an toàn thực phẩm được làm rõ, đề cao.
Báo cáo đã chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp; bộ máy quản lý an toàn thực phẩm còn bất cập cả về tổ chức, nguồn lực và cơ chế.
Nhận định "tình trạng vi phạm về quy định an toàn thực phẩm khá phổ biến, an toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến giới hạn báo động - giới hạn đỏ," báo cáo chỉ ra số cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong 5 năm qua là 678.755, chiếm 20,5% số cơ sở tiến hành kiểm tra. Đây là tỷ lệ vi phạm rất cao song vẫn chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về an toàn thực phẩm trong thực tế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, đã có 106.252 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trong lĩnh vực Bộ quản lý. Tuy nhiên, với 8,6 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, 500.000 hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thì con số này là quá khiêm tốn. Đó là chưa tính đến hiệu lực pháp lý của các cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đoàn giám sát cho rằng đây chính là "mảng tối" trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Kết quả giám sát cũng cho thấy hiện chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, thủ công; biện pháp, công cụ quản lý còn hạn chế; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn hầu như chưa được thực hiện...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh đánh giá đây là cuộc giám sát rất trúng vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.
Báo cáo đã bao quát được tình hình, qua giám sát đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể. Tuy nhiên, bà Minh thấy rằng Báo cáo thể hiện dàn trải, chưa có điểm nhấn.
Trong báo cáo nhận định "tình trạng vi phạm về quy định an toàn thực phẩm khá phổ biến, an toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến giới hạn báo động - giới hạn đỏ" thì cần có đánh giá về thực trạng, đưa số liệu chứng minh cho thực trạng này, bà Minh đề nghị.
Thực trạng của tình hình sẽ có rất nhiều, Phó Chủ nhiệm Ngô Thị Minh cho rằng báo cáo cần lực chọn những thực trạng phản ánh được nguyên nhân của tình hình để từ đó đưa ra kiến nghị hợp lý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị báo cáo cần bổ sung thêm phần đánh giá chung; cân nhắc có đưa giải pháp vào báo cáo hay chuyển thành những kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát thì hợp lý hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cũng cho rằng phần nêu tồn tại, nguyên nhân thể hiện bị trùng lắp, nằm rải rác trong báo cáo, cần được thể hiện lại cho rõ ràng hơn.
Một số ý kiến đề nghị Báo cáo cần đề cập tới sự phối hợp của các địa phương đối với các bộ, ngành và Đoàn giám sát trong thực thi nhiệm vụ...; xác định rõ trách nhiệm các các bên trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chỉ đạo, cấp ủy chính quyền địa phương liên quan đến xử lý, đôn đốc chưa đúng với quy định của pháp luật; trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc trong công tác giám sát; trách nhiệm của cơ sở sản xuất, người tiêu dùng...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh băn khoăn về những đề xuất, kiến nghị của đoàn giám sát trong báo cáo.
Báo cáo mới đề xuất những vấn đề mang tính nguyên tắc, rất ít những chỉ tiêu định lượng cụ thể. Theo ông Minh, cần nghiên cứu để đưa ra những chỉ tiêu định lượng như tỷ lệ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc chỉ tiêu giảm ngộ độc thực phẩm... Đây là những căn cứ để "hậu kiểm" đánh giá việc thực thi sau giám sát, ông Minh nói.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trưởng đoàn giám sát đề nghị trên cơ sở những góp ý cụ thể của thành viên đoàn giám sát và các chuyên gia, báo cáo cần tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Theo Vietnam+