Chính trị - Xã hội
Rừng Hòa Bắc bị triệt hạ: Không có biện pháp ngăn chặn kịp thời
Hàng trăm cây gỗ rừng tự nhiên, trong đó có những cây đường kính to bằng vòng tay người ôm đã bị người dân xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) chặt hạ không thương tiếc để... lấy đất sản xuất. Trong khi đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không có giải pháp ngăn chặn kịp thời thực trạng này.
Một gốc cây to hơn 10 năm tuổi mới bị cưa đổ. |
Triệt hạ rừng tự nhiên để sản xuất
Theo nguồn tin của người dân, ngày 28-3, chúng tôi tìm đến khu vực đèo Mũi Trâu, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) và không khỏi bàng hoàng trước cảnh hàng trăm cây rừng tự nhiên bị chặt hạ nằm ngổn ngang. Ngay từ dưới lưng đèo Mũi Trâu, một vạt rừng lớn bị đốt cháy nham nhở hiện rõ màu đen kịt, trơ lại những gốc cây rừng cháy sém. Dọc đường đèo, từng lóng gỗ to được chất thành đống. Lúc này, có một nhóm thanh niên người dân tộc Cơtu đang ngồi nghỉ ven đường, bên cạnh là những chiếc cưa lốc dùng để hạ cây rừng.
Gỗ rừng tự nhiên bị đốn hạ chất thành từng đống lớn |
Chỉ tay xuống cánh rừng trơ trụi cháy sém, anh Tr.V.Tr, người dân tộc Cơtu ở thôn Giàn Bí cho biết, nhóm người của anh được thuê đốn hạ cây rừng để lấy đất trồng keo lá tràm gần 10 ngày nay. Sao lại đốn hạ cây rừng tự nhiên? Nghe chúng tôi hỏi, anh Tr. cười bảo: Rừng này của ông Tr.N.N đã được Nhà nước cấp sổ đỏ, nên ổng thuê đốn thì chúng tôi đốn thôi. Dứt lời, anh Tr. mách thêm: Các anh lên chỗ đỉnh đèo, nhiều cây rừng to bằng vòng tay người ôm, họ vẫn cứ đốn hạ nhưng có sao đâu.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đến khu vực đỉnh đèo Mũi Trâu và không khỏi xót xa khi chứng kiến cả vạt rừng lớn bị chặt hạ, cây đổ la liệt trên diện tích rộng cả héc-ta. Ngoài những cây to bằng bắp vế người lớn còn có hàng chục cây rừng tự nhiên to bằng vòng tay người ôm, ước tính tuổi đời hàng chục năm. Theo khảo sát, ở khu vực đèo Mũi Trâu có một vùng đất rộng gần chục hécta đã bị chặt phá nham nhở, với hàng trăm cây rừng lớn nhỏ bị triệt hạ.
Sau khi được hỏi nguyên nhân vì sao đốn hạ cây rừng tự nhiên, một người dân trú thôn Giàn Bí, có đất được giao ở khu vực đèo Mũi Trâu trả lời “tỉnh rụi”: Nhà nước giao đất rừng cho mình thì mình có quyền đốn hạ cây để trồng keo lá tràm chứ (!).
Rừng tự nhiên bị đốn hạ nằm la liệt. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Kiểm lâm và địa phương đổ lỗi cho nhau
Đem chuyện người dân chặt phá cây rừng tự nhiên trao đổi với lãnh đạo địa phương, bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, khu vực người dân đang phát dọn thuộc diện tích đất được giao cho người dân hai thôn Tà Lang và Giàn Bí phát triển kinh tế. Cụ thể, vừa qua có 442 héc-ta đất rừng được giao cho hơn 140 hộ dân để phát triển kinh tế. Trước khi cho phép người dân phát dọn thực bì, UBND xã Hòa Bắc đã phối hợp các cơ quan chức năng yêu cầu người dân không được chặt phá cây rừng tự nhiên trên diện tích đất được giao khoán.
Ngoài ra, UBND xã Hòa Bắc cũng yêu cầu kiểm lâm địa bàn kiểm tra, giám sát việc phát thực bì của người dân; bởi cây rừng thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, nên chính quyền địa phương không có chuyên môn. “Sau khi xảy ra sự việc người dân đốn hạ cây rừng tự nhiên, chúng tôi đã kiểm tra hiện trường và yêu cầu người dân không được chặt hạ tùy tiện, mà phải hỏi ý kiến của cơ quan chức năng”, bà Hà nói thêm.
Trong khi đó, ông Lê Đình Thám, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang nói rằng, trước khi người dân phát thực bì, Hạt Kiểm lâm đã có văn bản yêu cầu UBND xã Hòa Bắc kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng người dân lạm dụng chặt hạ cây rừng tự nhiên. Vì thế, xảy ra việc người dân chặt hạ cây rừng tự nhiên ở đèo Mũi Trâu trách nhiệm trước hết thuộc về UBND xã Hòa Bắc. Cũng theo ông Thám, ngay chiều 28-3, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang sẽ tổ chức kiểm tra hiện trường để có hướng chỉ đạo xử lý.
Dừng ngay việc khai thác cây rừng
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng qua điện thoại sáng 29-3, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang tiến hành kiểm tra hiện trường và báo cáo kết quả để lãnh đạo huyện có hướng xử lý; trước mắt, yêu cầu các lực lượng chức năng vào cuộc, dừng ngay việc phát dọn thực bì của người dân. “Sau khi có báo cáo cụ thể từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ xử lý trách nhiệm cụ thể”, ông Hành nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, khi nghe phóng viên phản ánh tình trạng chặt phá cây rừng tự nhiên ở đèo Mũi Trâu, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho biết, đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang vào cuộc ngay để xử lý vụ việc; đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát thường xuyên, có phương án phòng chống cháy rừng ở nơi đây. Theo ông Trần Viết Phương, khu vực đất rừng người dân ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí được giao để phát triển kinh tế là rừng nghèo kiệt, trạng thái 1C. Tuy nhiên, việc chặt hạ những cây rừng tự nhiên có đường kính từ 25cm trở lên là không nên. Để xảy ra vụ việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND huyện Hòa Vang và UBND xã Hòa Bắc, tiếp đó là Hạt Kiểm lâm Hòa Vang.
Trước thực trạng người dân chặt hạ cây rừng nguyên sinh trên phần đất được giao phát triển kinh tế, ngày 20-3-2017, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đã ký Văn bản số 398 gửi Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, UBND xã Hòa Bắc yêu cầu tăng cường giám sát xử lý thực bì, tận thu củi của đồng bào dân tộc hai thôn Tà Lang và Giàn Bí. Công văn nêu rõ: Qua kiểm tra theo dõi tình hình, thời gian qua, UBND xã Hòa Bắc, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND huyện về việc kiểm tra, hướng dẫn cho đồng bào dân tộc xử lý thực bì, tận thu củi, để tình trạng chặt cây, khai thác cây rừng tự nhiên nhưng thiếu kiểm soát, không bảo đảm quy trình theo quy định Nhà nước. Để chấn chỉnh tình trạng trên, yêu cầu từ nay trở đi, việc xử lý thực bì của đồng bào dân tộc phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ… Tuyên truyền, không cho phép người dân chặt hạ cây rừng tự nhiên có phẩm chất, đang sinh trưởng và phát triển tốt. Xử lý nghiêm những trường hợp tự ý chặt hạ, xử lý thực bì, tận thu củi nhưng chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, các đối tượng khác lợi dụng chặt hạ cây rừng để làm gỗ, làm củi theo quy định của pháp luật. |
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN