Chính trị - Xã hội
Âm vang khúc hùng ca
Cách đây gần 50 năm, giữa những ngày chiến trường miền Nam bước vào thời kỳ ác liệt nhất, ngày 10-8-1967, thành phố Hải Phòng chính thức thành lập Tiểu đoàn 140 mang theo lá cờ “Trung dũng quyết thắng” lên đường Nam tiến, cùng với quân và dân Mặt trận 44 Quảng Đà sát vai chiến đấu, thống nhất giang sơn.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 140 tại Đại hội chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang Quảng Đà. |
Với quân số hơn 680 cán bộ, chiến sĩ con em của hai tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Tiểu đoàn 140 anh dũng vượt qua muôn ngàn gian khổ, mất mát hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải và chiến đấu bảo vệ an toàn cơ quan Mặt trận 44 và Đặc khu Quảng Đà. Từ năm 1967-1971, đơn vị đã vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược từ đường dây 559 ở Sông Bung về hậu cứ Mặt trận 44 tại Thạnh Mỹ và từ đó xuống đồng bằng Quảng Nam, Đà Nẵng; đồng thời vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, thương binh từ đồng bằng về vùng hậu cứ. Tất cả đều được mang vác trong điều kiện bom mìn dày đặc. Trong khi đó, địch liên tục tăng cường lực lượng bộ binh, xe tăng, máy bay càn quét, dồn dân, phục kích bắn phá khắp nơi. Nhiều chuyến vận tải, đơn vị vừa phải đánh địch mở đường, nghi binh, chiến đấu quyết liệt phá vòng vây địch để đưa vũ khí, lương thực về địa điểm tập kết. Trước sự kìm kẹp, đánh phá ác liệt của địch, cán bộ, chiến sĩ phải phân tán thành các đơn vị nhỏ lẻ để đối phó. Quân số của các bộ phận tổn thất liên tục, có tiểu đội bị xóa sổ vĩnh viễn khi rơi vào trận địa phục kích của địch trong lúc đang gùi hàng; một số hy sinh do sốt rét, bệnh tật, thiếu đói. Trung bình mỗi tháng, đơn vị phải chiến đấu hàng chục trận, cả tháng trời không có một hạt cơm, hạt muối, chỉ có rau rừng cầm hơi. Những người lính còn sống của Tiểu đoàn 140 bây giờ không ai có thể quên đồng đội mình với hình ảnh chân run, gối mỏi, phù nề vì đói, nhưng tất cả đều vì Tổ quốc thiêng liêng.
Trong suốt thời gian hoạt động trên chiến trường Quảng Đà, đơn vị đã chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch, tiêu biểu như các trận: Bãi Tranh, Đồi Tre - Thạnh Mỹ tháng 4-1969; dốc Ông Thủ- Đại Lộc tháng 2-1969; Khe Rèn tháng 9-1969; Làng Hoa-Thạnh Mỹ tháng 9-1969... Năm 1971, do yêu cầu chiến trường, quân số đơn vị ban đầu hơn 680 chỉ còn lại vỏn vẹn 100 đồng chí được bổ sung về các đơn vị khác, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng miền Nam. Có thể nói, thời gian tuy ngắn nhưng trên bất cứ địa danh lịch sử nào của mảnh đất Quảng Đà đều in dấu chân những người lính Tiểu đoàn 140. Hơn 500 liệt sĩ được khắc ghi vào lịch sử, góp phần làm nên một Quảng Nam-Đà Nẵng “Trung dũng-kiên cường-đi đầu diệt Mỹ”. Đơn vị đã được tặng hàng trăm danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng, Huân chương chiến công các loại. Trên tất cả mọi sự tôn vinh, tên Tiểu đoàn 140 mãi mãi “ghi danh” trong lòng người dân Quảng Đà, Duy Xuyên, Đại Lộc... như một kỳ tích anh hùng trong những tháng năm đau thương ác liệt nhất.
Ý chí, tinh thần thép và máu xương của những người con quê hương Hải Phòng kết nghĩa đã gắn kết hai mảnh đất xa xôi. Những năm qua, chính quyền và nhân dân hai thành phố Đà Nẵng-Hải Phòng luôn cùng nhau xây dựng, phát huy mối đoàn kết ấy, tận tình giúp đỡ gia đình những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 140 hôm nay vơi bớt khó khăn, hỗ trợ đưa 86 hài cốt liệt sĩ đơn vị về lại quê nhà. UBND thành phố Đà Nẵng đã tặng 69 suất quà và 1 nhà tình nghĩa, trị giá hơn 612 triệu đồng cho gia đình các liệt sĩ, thương binh của đơn vị. Hằng năm, chính quyền, lực lượng vũ trang hai thành phố đều tổ chức lễ kỷ niệm Ngày thành lập tiểu đoàn để ghi nhớ những năm tháng hào hùng, bi tráng và để tình nghĩa sắt son của hai thành phố anh em mãi là nốt son không phai trong lòng người dù chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm.
HỒNG HẠNH
(Dựa trên tư liệu kỷ yếu 50 năm thành lập của Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Tiểu đoàn 140 (25-3-1967 - 25-3-2017)