Chính trị - Xã hội

Bán, chế biến thực phẩm an toàn

14:19, 20/04/2017 (GMT+7)

Từ năm 2016 đến nay, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kiến thức và thực hành bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho các hộ kinh doanh, tiểu thương, đi đôi với công tác quản lý, kiểm tra ATVSTP.

Phường Hòa Khánh Bắc tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho các hội viên nông dân.
Phường Hòa Khánh Bắc tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho các hội viên nông dân.

Phường Hòa Khánh Bắc là địa bàn trung tâm của quận Liên Chiểu, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng cùng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Qua thống kê, trên địa bàn phường có 188 tổ dân phố (TDP), trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố và nhóm trẻ gia đình. Với đặc thù đó, việc vận động tiểu thương ở các chợ, hộ kinh doanh quán ăn bình dân, quán ăn đường phố... bán thực phẩm sạch gặp không ít thách thức. Để công tác quản lý ATVSTP hiệu quả, phường Hòa Khánh Bắc đã phổ biến một số nội dung của công tác này cho các tổ trưởng TDP để triển khai tại các địa bàn dân cư. Qua đó, phường đã tiếp nhận nhiều tin báo về các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước, giá đỗ, bún tươi... không bảo đảm ATVSTP. Phường cũng đã phối hợp với Phòng Y tế quận, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, Chi cục ATVSTP thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý, nhắc nhở và hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, quy định về bảo đảm ATVSTP.

“Phường đã tổ chức 13 buổi nói chuyện, 7 buổi tập huấn về bảo đảm ATVSTP cho 750 hộ kinh doanh, tiểu thương. Sau đó, tiến hành kiểm tra việc thực hành của người dân tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng đối với các quán ăn đường phố, do có quá nhiều hàng quán nên hằng tuần, phường đều tổ chức kiểm tra. Từ đó, nhận thức và thực hành bảo đảm ATVSTP của các hộ kinh doanh được nâng lên rõ rệt, chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm và hiện mới xử phạt 2 cơ sở vi phạm”, ông Tô Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc cho biết.

Với quan điểm kiểm soát ATVSTP ngay tại nguồn cung cấp nguyên liệu và chế biến, phường đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất rau, nấm ăn an toàn cho các hội viên nông dân trên địa bàn phường, nhất là khâu chọn giống, chăm bón. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường vận động các chị em ký cam kết thực hiện lựa chọn nguyên liệu, chế biến, đồ dùng chế biến sạch sẽ. Gia đình cán bộ, công chức, viên chức... thực hiện tốt việc bảo đảm ATVSTP. Các hộ tiểu thương ở các chợ cam kết bán hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sạch, chất lượng, an toàn... “Ngoài chợ Hòa Khánh có quy mô lớn do quận quản lý, trên địa bàn phường còn có 2 chợ do phường quản lý là chợ Thanh Vinh và Quang Thành, chủ yếu phục vụ công nhân và sinh viên tại khu công nghiệp và các khu nhà trọ. Phường đã tổ chức quản lý chợ theo tiêu chí chợ ATVSTP và thực phẩm bảo đảm chất lượng; thường xuyên đẩy đuổi, không cho các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lề đường, buộc vào buôn bán trong chợ. Trên địa bàn phường cũng có 1 cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm ATVSTP; 2 hộ sản xuất nấm, 6 hộ nuôi cá nước ngọt tại hồ Bàu Vàng, 4 hộ nuôi heo, một số hộ tận dụng đất trống trồng rau nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ cho gia đình và người dân tại địa phương nên bảo đảm chất lượng cũng như ATVSTP”, ông Tô Ngọc Quang cho hay.

Tuy vậy, theo ông Tô Ngọc Quang, địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm ATVSTP cả về nhân lực, kinh phí và phương tiện, trong khi số lượng quán ăn đường phố ngày càng tăng và di biến động do tập trung nhiều công nhân và sinh viên thuê trọ. Đặc biệt, việc test mẫu thực phẩm và kiểm tra tận gốc nơi xuất xứ của thịt, rau, đều thuộc thẩm quyền của các cơ quan thành phố. Phường chỉ kiểm tra thực phẩm bằng mắt thường nên đánh giá còn nhiều chủ quan. Cơ quan chức năng địa phương rất cần các phương tiện kiểm tra chất lượng thực phẩm để kịp thời ngăn chặn nguy cơ ngộ độc và nâng cao trách nhiệm thực hành ATVSTP của các hộ kinh doanh, tiểu thương.

● Vừa qua, Đoàn khảo sát của Hội đồng lý luận Trung ương do ông Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký hội đồng dẫn đầu đã làm việc với Quận ủy Liên Chiểu. Đoàn khảo sát nghe lãnh đạo Quận ủy và 5 phường báo cáo thực trạng tổ chức Đảng, thực trạng đảng viên trên địa bàn; trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương; đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến bộ máy ở phường, xã và khu dân cư, tổ dân phố. Qua trao đổi, ông Nguyễn Viết Thông ghi nhận những kiến nghị của Quận ủy Liên Chiểu. Đây sẽ là cơ sở để đoàn khảo sát chuẩn bị cho Đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

● Quận ủy Liên Chiểu vừa tổ chức hội nghị sơ kết tình hình công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2. Qua 3 tháng đầu năm, kinh tế quận tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện gần 2.000 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2016; thương mại-dịch vụ thực hiện 590 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm, tăng 22,4% so với cùng kỳ; giá trị khai thác thủy sản đạt 15,2% kế hoạch, tăng 65% so với cùng kỳ; diện tích gieo sạ lúa đạt 96,4% kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước 89,274 tỷ đồng, đạt 27,61% dự toán thành phố giao. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện tốt. Quận đã lập thủ tục chuẩn bị đầu tư 12 công trình dân dụng, 2 công trình giao thông và điện chiếu sáng; bàn giao 7 công trình trường học đưa vào sử dụng; triển khai xây dựng 1 công trình dân dụng, 12 công trình giao thông và điện chiếu sáng với tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán được thực hiện tốt. Y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Quận quyết liệt triển khai thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” và đạt một số kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận.

● Ngày 25-3, quận Liên Chiểu tổ chức lễ khánh thành Khu tưởng niệm căn cứ lõm cách mạng B1-Hồng Phước nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3).

Công trình Khu tưởng niệm căn cứ lõm cách mạng B1-Hồng Phước được xây dựng theo chủ trương của Thành ủy và phê duyệt của Chủ tịch UBND thành phố tại Quyết định 3902/QĐ-UBND (ngày 11-3-2016) trên nền làng Hồng Phước cũ, có diện tích 340m², với các hạng mục chính: nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, nhà truyền thống trưng bày hiện vật chiến tranh, nhà mô hình của 5 hộ dân tiêu biểu đào hầm bí mật... với tổng mức đầu tư 4,3 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và 3,3 tỷ đồng từ ngân sách quận.

● Sáng 12-3, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) tổ chức Ngày hội dân gian và giao lưu văn hóa Việt-Nhật với sự tham gia của 19 sinh viên đến từ Nhật Bản. Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động: trưng bày gian hàng văn hóa dân gian, ẩm thực với nhiêu món ăn truyền thống, dân dã; trình diễn thời trang với chủ đề “Tình hữu nghị Việt-Nhật”; thi nhảy dây, cướp cờ và các trò chơi truyền thống của Nhật Bản như: Kendama, Origami, viết thư pháp; thi múa hát tập thể, dân vũ, văn nghệ.

N.Đ tổng hợp

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.