Chính trị - Xã hội

Bảo đảm dân chủ trong công tác giải tỏa, đền bù

08:37, 05/04/2017 (GMT+7)

Trên địa bàn huyện Hòa Vang có khoảng 260 dự án lớn, nhỏ. Trong đó, ngoài các dự án phải hủy và chưa triển khai được, hiện nay địa phương đang triển khai thực hiện 184 dự án, nhiều nhất trong các quận, huyện. Để công tác giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư cho nhân dân bảo đảm tiến độ, không phát sinh bức xúc, Huyện ủy Hòa Vang quán triệt và triển khai nhiều giải pháp, góp phần tạo thuận lợi nhất cho người dân vùng giải tỏa.

Người dân vùng giải tỏa trên địa bàn xã Hòa Nhơn đến nhận tiền đền bù.
Người dân vùng giải tỏa trên địa bàn xã Hòa Nhơn đến nhận tiền đền bù.

Không để cưỡng chế di dời

Trong số 184 dự án đang triển khai trên địa bàn, có nhiều dự án trọng điểm do Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố đầu tư như: đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, tuyến kênh thoát lũ qua địa bàn xã Hòa Liên, dự án khu công nghệ phụ trợ Khu Công nghệ cao, dự án mở rộng phía nam Khu Công nghệ cao...

Theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, dự án tuyến kênh thoát lũ qua địa bàn xã Hòa Liên có tổng chiều dài 5,9km, đi qua các khu tái định cư Hòa Liên 2, 3, 4 và Khu đô thị sinh thái Quan Nam-Thủy Tú; đến ngày 16-3, có 654/661 hồ sơ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Một số trường hợp thuộc dự án này chưa nhận tiền vì người dân đề nghị có đất thực tế mới bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân là việc thuê nhà để ở tại khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn. Đối với dự án mở rộng phía nam Khu Công nghệ cao, đến ngày 17-3, có 745/873 hồ sơ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng 687 hồ sơ. Các hồ sơ còn lại chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng chủ yếu là hồ sơ đất thổ cư. Hiện nay, vẫn còn thiếu quỹ đất tái định cư thực tế để bố trí giải tỏa nên địa phương gặp khó khăn trong công tác vận động các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang Trần Văn Trường, trước thực tế rất nhiều dự án triển khai, liên quan đến đời sống, sinh hoạt nhiều hộ dân nên địa phương tập trung chỉ đạo công tác vận động nhân dân đồng thuận với chính quyền để dự án bảo đảm tiến độ. Đến nay, chỉ tính riêng xã Hòa Liên đã có 34 dự án triển khai, gần như phủ khắp toàn xã. Tuy vậy, nhờ tinh thần trách nhiệm và sự sâu sát cơ sở của cán bộ bộ phận giải phóng mặt bằng của huyện cùng sự tận tâm của cán bộ cấp xã nên hầu hết người dân đều chấp hành chủ trương di dời, không để xảy ra các trường hợp phải cưỡng chế.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát, trên địa bàn xã triển khai 31 dự án với hơn 2.500 hộ dân nằm trong khu vực giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư; gần 72% diện tích đất của xã nằm trong vùng dự án. Tuy người dân kiến nghị việc áp giá đền bù còn thấp và chưa hợp lý nhưng lãnh đạo huyện và xã đã vào cuộc vận động, thuyết phục, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng của nhân dân nên bà con vui vẻ chấp hành chủ trương, nhất là đối với hàng trăm hồ sơ giải tỏa, đền bù thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đoạn qua địa bàn xã Hòa Nhơn.

Phát huy vai trò giám sát của HĐND huyện

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương cho biết, do có rất nhiều dự án đồng loạt triển khai nên UBND huyện phân công các Phó Chủ tịch UBND huyện ngoài theo dõi chỉ đạo trên các lĩnh vực, còn tham gia giải quyết những vướng mắc trong công tác vận động, tiếp nhận xử lý các kiến nghị của nhân dân tại một số dự án. “Điều thuận lợi là lãnh đạo thành phố nhiều lần trực tiếp đến kiểm tra dự án để đôn đốc, nắm tình hình và giải quyết nhanh những kiến nghị của người dân nên công tác giải tỏa, đền bù trên địa bàn cơ bản bảo đảm tiến độ”, ông Đặng Thương cho hay.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giải tỏa, đền bù, hằng tuần Thường trực Huyện ủy và Thường trực HĐND huyện Hòa Vang nắm thông tin về tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và những vướng mắc cần tháo gỡ. Ông Trần Văn Trường cho biết, ngay từ khi dự án bắt đầu triển khai, huyện thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã và chi bộ thôn nơi triển khai dự án theo dõi, phối hợp để giải quyết các khúc mắc và những khó khăn của nhân dân. Các hộ dân có đời sống khó khăn thì phải kiến nghị Hội đồng giải phóng mặt bằng giải quyết thấu đáo, nhất là giải quyết nguyện vọng thuê nhà, di dời mồ mả trong gia tộc. Song song đó, các ban HĐND huyện tăng cường vai trò giám sát đối với các dự án. “Qua giám sát dự án tại thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, HĐND huyện Hòa Vang phát hiện cùng một thửa đất diện tích như nhau nhưng giá trị đền bù chênh lệch hàng trăm triệu đồng. Từ đó, HĐND huyện kiến nghị giải quyết công bằng trong đền bù theo hướng có lợi cho người dân. Sau đó, người dân nhận đền bù thấp đã được nhận phần chênh lệch bổ sung trong niềm vui mừng rất lớn”, ông Trần Văn Trường thông tin thêm.

Sau khi tái lập HĐND huyện Hòa Vang, vai trò giám sát của các ban HĐND huyện đối với các vấn đề kinh tế-xã hội luôn được đề cao. Trong đó, giám sát để thực hiện tốt nhiệm vụ giải tỏa, đền bù các dự án trọng điểm trên địa bàn được chú trọng, nhất là minh bạch trong giải quyết chính sách đền bù và phát hiện những hạn chế để kiến nghị các sở, ngành và UBND thành phố giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.  

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

.