Chính trị - Xã hội

KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (7-4-1907 - 7-4-2017)

Tổng Bí thư Lê Duẩn với đất và người xứ Quảng

08:07, 07/04/2017 (GMT+7)

“Khoảng năm 1925, có một thanh niên đôi mắt sắc, nét mặt đầy kiên nghị, da bánh mật, trạc mười tám, mười chín tuổi tới. Anh tự xưng tên và bảo thầy Tuân - người Quảng Trị làm y tá tại nhà thương Đà Nẵng, giới thiệu rằng: ở đây có phong trào thanh niên ái quốc, anh tìm đến để làm quen. Tên anh là Lê Duẩn”. Đó là lần đầu đồng chí Lê Duẩn đến với mảnh đất xứ Quảng và dần kết thân với một số thanh niên yêu nước ở đây.

Đồng chí Lê Duẩn thăm huyện Điện Bàn năm 1983. 				(Ảnh tư liệu)
Đồng chí Lê Duẩn thăm huyện Điện Bàn năm 1983. (Ảnh tư liệu)

1. Ông Phan Văn Định, sinh năm 1903 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1923, sau khi tốt nghiệp ngành lái xe, ông vào Đà Nẵng lái xe cho Tardieu - một bác sĩ người Pháp ở Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, ông làm quen với những thanh niên tiến bộ như: Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Sơn Trà đang làm việc ở Bưu điện Đà Nẵng, được các đồng chí này cho đọc các loại sách báo tiến bộ. Từ đó, nhóm lái xe có tư tưởng tiến bộ ở Đà Nẵng do ông Phan Văn Định vận động dần dần hình thành, thường xuyên chuyện trò, trao đổi tư tưởng nhưng vẫn chưa xác định thành lập tổ chức gì.

Trong hồi ký của mình, ông Phan Văn Định ghi: “Khoảng năm 1925, có một thanh niên đôi mắt sắc, nét mặt đầy kiên nghị, da bánh mật, trạc mười tám, mười chín tuổi tới. Anh tự xưng tên và bảo thầy Tuân - người Quảng Trị làm y tá tại nhà thương Đà Nẵng, giới thiệu rằng: ở đây có phong trào thanh niên ái quốc, anh tìm đến để làm quen. Tên anh là Lê Duẩn. Mấy tuần sau, anh Duẩn tìm được chân facteur-nhân viên kiểm soát ở nhà ga Đà Nẵng. Từ đó, nhóm lái xe chúng tôi sinh hoạt sôi nổi hơn...”.

Đầu năm 1926, ông Phan Văn Định cùng một số lái xe tiến bộ bàn nhau lập Hội Ái hữu lái xe toàn Trung Kỳ, tập hợp gần 250 lái xe trên tuyến đường Đà Nẵng - Nha Trang dưới danh nghĩa tương trợ nhau khi gặp khó khăn, tai nạn. Hội đã khéo léo hướng dẫn hội viên đọc sách báo bí mật, bàn những chuyện “cấm”, tuyên truyền tinh thần yêu nước, động viên tư tưởng chống Pháp. Thế rồi, thực dân Pháp phát hiện. Ông Định viết: “Năm 1927, anh Lê Duẩn bị chúng điều ra ga Hàng Cỏ.

Tôi còn nhớ hôm gặp chia tay anh Duẩn, chúng tôi bùi ngùi không muốn rời nhau. Anh Duẩn có dặn chúng tôi: “Các cậu ở Đà Nẵng có phong trào tốt, điều đó quan trọng lắm. Mình tin thế nào các cậu cũng mần ăn được. Điều sống còn là phải đoàn kết thương yêu nhau”.

Thế là nhóm chúng tôi ở Đà Nẵng vắng mất một người bạn tâm huyết, sục sôi ý chí cách mạng và thường giúp cho chúng tôi nhiều ý kiến sắc sảo, quý báu trong phương pháp tổ chức hoạt động của mình. Khi anh ra ga Hàng Cỏ, thời gian đầu còn có thư từ liên lạc được với nhau, nhưng một vài năm sau, khi phong trào chống Pháp trong cả nước sôi động hẳn lên thì chúng tôi không còn liên hệ với nhau được”.

2. Đồng chí Võ Chí Công, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng có nhiều ký ức sâu đậm với đồng chí Lê Duẩn. Trong hồi ký của mình, đồng chí Võ Chí Công viết: “Tôi vinh dự được làm việc và gần gũi với đồng chí Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo uyên bác, một người anh cả và là đồng chí rất thân thương, để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc trên những chặng đường cách mạng của mình”.

Cuối năm 1957, đồng chí Võ Chí Công trên đường ra miền Bắc báo cáo và xin chủ trương với Trung ương về tình hình cách mạng ở Liên Khu ủy 5. Nhớ lại lúc nghe tin đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ được Trung ương điều ra chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới của Đảng về con đường của cách mạng miền Nam, đồng chí Võ Chí Công viết: “Tôi mừng quá và rất hy vọng anh sẽ có nhiều ý kiến hay, vì anh Ba (Lê Duẩn) ở trong miền Nam mấy năm chắc cũng có ý kiến về đường lối cách mạng miền Nam.

Trước khi gặp Bác, tôi đã gặp anh Ba Duẩn báo cáo tình hình thực tế ở Liên khu 5, ý kiến đề xuất về đường lối đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Anh Ba đồng tình với quan điểm của tôi và đưa cho tôi xem bản Đề cương Cách mạng miền Nam. Tôi đọc bản đề cương thấy vô cùng phấn khởi, coi như “một cẩm nang thần kỳ”.

Trong hồi ký của mình, đồng chí Võ Chí Công ghi: “Tôi không bao giờ quên những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975. Sau khi đánh chiếm Buôn Ma Thuột, địch rút bỏ Tây Nguyên, mặt trận Quảng Trị-Huế ta chiến thắng dồn dập, địch bỏ chạy co cụm về Đà Nẵng. Tình thế mới xuất hiện trên chiến trường Khu 5 một cách nhanh chóng, thời cơ có một không hai.

Ngày 18-3, tôi đang ở Tây Nguyên điện cho đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị xin cho tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Anh Ba thay mặt Bộ Chính trị đồng ý, điện nói “nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi”. Điện anh Ba tuy đồng ý nhưng không có tính ra lệnh, mà cách nói để cho dưới tùy thời cơ linh hoạt ứng biến. Nhận được điện anh Ba, tôi vô cùng phấn khởi vì sự đồng ý của Bộ Chính trị có ý nghĩa tạo ra một bước ngoặt quyết định: thần tốc đánh ngay Đà Nẵng, không cho địch co cụm thế phòng ngự”.

Được sự thống nhất của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Võ Chí Công lập tức quay về cơ quan Khu ủy 5 để chỉ đạo tiến công Đà Nẵng. Ngày 29-3-1975, thành phố Đà Nẵng đã được giải phóng. Trong hồi ký của mình, đồng chí Võ Chí Công ghi: “Khi đã giải phóng Đà Nẵng, chúng tôi báo cáo về Trung ương, nhưng có người không tin. Tôi điện cho Bộ Chính trị và anh Ba lúc 5 giờ 30 (tức 17 giờ 30) ngày 29-3 nói: “Toàn bộ quân đội, chính quyền địch bị tan rã, sụp đổ, Đà Nẵng đã được giải phóng hoàn toàn và tôi đang ở Đà Nẵng”. Bộ Chính trị và anh Ba rất phấn khởi. Anh Ba nói: tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch. Đà Nẵng là căn cứ Liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ sập đổ không còn lâu nữa”. Đúng như nhận định của đồng chí Lê Duẩn, một tháng sau, tức ngày 30-4, Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất.

3. Sau ngày đất nước thống nhất, với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Lê Duẩn đã nhiều lần đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ niềm vui chung với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trong không khí giải phóng miền Nam, trong 2 ngày 7 và 8-5-1975, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Võ Nguyên Giáp về thăm Đặc Khu ủy Quảng Đà. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Khu ủy 5 và Đặc Khu ủy Quảng Đà, các đồng chí nhiệt liệt biểu dương những chiến công vĩ đại của nhân dân Quảng Đà cũng như của quân dân cả miền Nam giành được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau đó, đồng chí Lê Duẩn đã nhiều lần đến thăm và làm việc ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Phát biểu tại Lễ mít-tinh kỷ niệm 10 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-1985) và đón nhận Huân chương Sao Vàng, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: Cùng với cả nước, Quảng Nam - Đà Nẵng đã thực hiện sáng tạo chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, vận dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể của địa phương.

Một số mặt phát triển mạnh, nhất là sản xuất lương thực. Đời sống của nhân dân được cải thiện và ổn định, giữ vững. Đó là thắng lợi của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng… Không được chủ quan thỏa mãn. Quảng Nam - Đà Nẵng có điều kiện phát triển về nhiều mặt. Tôi mong Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phát huy hơn nữa những thắng lợi đã đạt được trong 10 năm qua, nỗ lực phấn đấu, đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, làm cho đời sống của nhân dân mau chóng thay đổi, ổn định, từng bước công nghiệp hóa nước nhà mà địa phương phải có trách nhiệm đóng góp lớn.

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức thi đua xây dựng đất nước, ngày 10-7-1986, đồng chí Lê Duẩn từ trần, thọ 79 tuổi. Để tỏ lòng thương tiếc một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH, ngày 15-7-1986, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Có thể khẳng định, trong mỗi bước phát triển của mảnh đất và con người xứ Quảng, luôn có sự theo dõi, động viên của Bác Hồ và các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Lê Năng Đông

(Bài viết có sử dụng các tư liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam)

.