Chính trị - Xã hội

Tìm giải pháp phát triển dược liệu Việt Nam

08:24, 13/04/2017 (GMT+7)

Ngày 12-4, tại Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm từ dược liệu tại hội nghị.  					  Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm từ dược liệu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Y tế, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Tính đến nay, ở Việt Nam đã ghi nhận trên 5.100 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số đó có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Châu thụ, Ngân đằng...

 Mặc dù có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu nhưng nước ta mới chủ động được 25% nhu cầu, 75% còn lại phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Nhiều loài dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Trước thực trạng trên, đại diện các địa phương và doanh nghiệp cho rằng, cần có quy hoạch vùng dược liệu rõ ràng và chọn một số loại cây dược liệu quý làm trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, phát triển dược liệu. Cùng với đó là có giải pháp kiểm soát, quản lý chất lượng đối với dược liệu nhập khẩu, có chính sách khuyến khích đối với các dược liệu sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện nay, Đảng, Nhà nước xác định đường lối chung của phát triển y tế là kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đất nước ta có 3/4 diện tích núi rừng, có điều kiện tốt để cây dược liệu phát triển ở mọi miền của Tổ quốc.

Tuy nhiên, cây dược liệu chưa được quy hoạch phát triển theo chuỗi giá trị nên hiệu quả thấp, sản xuất manh mún, không có đầu ra bền vững, năng suất thấp, thất thoát lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần đề xuất những chính sách, cơ chế thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp tham gia nuôi trồng, chế biến dược liệu. Đồng thời, các cấp, ngành cần đặt vấn đề đầu tư, sản xuất dược liệu; cần coi dược liệu là sản phẩm quốc gia, áp dụng chính sách cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển lĩnh vực này.

PHAN CHUNG

.