Chính trị - Xã hội
Xử lý sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung: Bồi thường cho người dân trước ngày 30-6
Tại cuộc họp chiều 24-4 của Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo phải xử lý bồi thường cho người dân trước ngày 30-6.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, UBND 4 tỉnh đã tiến hành phân bổ kinh phí được tạm cấp đợt III cho cấp huyện và đang tiếp tục thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân. Các tỉnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại với tổng số tiền 4.528,52 tỷ đồng, đạt 85,8% tổng số kinh phí tạm cấp 3 đợt là 5.280 tỷ đồng.
Tính đến ngày 24-4, 4 tỉnh đã giải ngân 4.244 tỷ đồng, đạt 93,7% số tiền đã phê duyệt và đạt 80,4% tổng kinh phí được tạm cấp. Trong đó, Hà Tĩnh giải ngân 1.129 tỷ đồng; Quảng Bình 1.970,7 tỷ đồng; Quảng Trị 460,9 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế 579 tỷ đồng, đạt 85%.
Đến nay, 4 tỉnh đã tiêu hủy hơn 1.100 tấn hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng các tỉnh mới chi trả 50% giá trị lô hàng hải sản không bảo đảm ATTP bị tiêu hủy vì hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định. Các địa phương đang rà soát hồ sơ đối với lượng hải sản lưu kho còn lại để phê duyệt, chi trả bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Đối với hàng hải sản lưu kho bảo đảm ATTP, các địa phương và chủ hàng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ.
Các hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản ổn định. Nguồn lợi thủy sản có sự phục hồi rõ rệt. Người dân tích cực bám biển sản xuất và từng bước chuyển đổi các nghề khai thác tầng đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ. Số lượng tàu, thuyền ra khơi đánh bắt trên biển tăng dần, tàu khai thác ven bờ đạt 70-80%, tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt 85-90%.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, đối với số lượng hải sản lưu kho tại các địa phương chưa được Bộ Y tế kiểm nghiệm và vượt so với báo cáo ngày 8-11-2016, cho phép bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Hiện báo cáo tăng thêm số lượng hỗ trợ, nếu có thiệt hại thật sự sẽ xem xét, phát hiện kê khai gian dối sẽ xử lý nghiêm. Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, báo cáo thật chính xác, đủ căn cứ mới bồi thường, hỗ trợ cho người thiệt hại. Báo cáo định lượng, kinh phí phát sinh, dự kiến phát sinh theo đúng quy định về số hải sản lưu kho, nếu kho rõ ràng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra cụ thể. Từ đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính tổng hợp, thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cho phép tiêu hủy và bồi thường 100% giá trị lô hàng đối với sản phẩm sứa, hải sản khô, tẩm ướp, không dùng làm thực phẩm cho người, hiện đang lưu kho tại các xã, phường ven biển, cửa sông. Trên cơ sở đó, giao Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, báo cáo định lượng, kinh phí dự kiến phát sinh, tính xác thực, đúng quy định về số sản phẩm này.
Trên cơ sở đề xuất của 4 tỉnh bị sự cố, giao Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạm cấp kinh phí bồi thường thiệt hại bổ sung để các tỉnh thực hiện bồi thường hỗ trợ ngư dân.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Chủ tịch UBND các tỉnh thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho người dân và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về khối lượng, số lượng, đối tượng, phạm vi, trách nhiệm bồi thường và bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý các địa phương, khẩn trương chi trả bồi thường thiệt hại, hỗ trợ cho người dân phải được hoàn thành dứt điểm trước ngày 30-6. Theo đó, các địa phương đẩy nhanh tiến độ về đề xuất đối tượng, định mức thiệt hại, tiến độ kê khai, xác định và tiến hành chi trả. Các bộ, ngành trên cơ sở nhiệm vụ được phân công cần đẩy nhanh việc chi trả cho người dân. Đồng thời, tiếp tục quan trắc môi trường, công bố chất lượng nước biển, lấy mẫu giám sát hải sản tầng đáy và giám sát môi trường nghiêm ngặt với hoạt động của công ty Formosa. Bộ Y tế triển khai kế hoạch lấy mẫu giám sát ATTP hải sản, nhất là hải sản tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào tại bờ biển 4 tỉnh. Bộ NN&PTNT triển khai việc lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm thủy sản, mẫu nước và trầm tích phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Chinhphu.vn