Ấm mãi lòng dân

.

Một ngày đầu tháng 7-2017, đến thăm Trung tá Phạm Xuân Sanh, nguyên Đội trưởng Đội đặc công nước Quảng Đà (Đội 170) ở đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu), tôi được ông tặng cuốn sách “Dưới làn nước biếc”. Bên cạnh những chiến công thầm lặng của lực lượng đặc công nước Quảng Đà, dường như xuyên suốt cuốn sách là câu chuyện về lòng dân xứ Quảng dành cho “những đứa con sông biển”.

Trung tá Phạm Xuân Sanh với ký ức về những tháng năm chiến đấu trên sông biển Quảng Nam-Đà Nẵng.
Trung tá Phạm Xuân Sanh với ký ức về những tháng năm chiến đấu trên sông biển Quảng Nam-Đà Nẵng.

Trên thực tế, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy xuất hiện trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng muộn hơn so với các lực lượng khác nhưng bộ đội đặc công nước đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Những cây cầu nằm trên huyết mạch giao thông bắc-nam, kho xăng Liên Chiểu, tàu quân sự… mặc dù đã được canh phòng cẩn mật vẫn bị đánh sập. “Đây là những gì chúng tôi, những người trong cuộc viết ra để tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống, muốn ghi sâu những tháng năm chiến đấu hào hùng, những chia ngọt sẻ bùi trên chiến trường máu lửa Quảng Đà của người dân dành cho, muốn giới thiệu một loại hình chiến tranh độc đáo của Quân đội Nhân dân Việt Nam cho các bạn trẻ hiện nay”, Trung tá Phạm Xuân Sanh cho biết.

Đọc xong cuốn sách, tôi cảm nhận trong mỗi chiến công của người lính đặc công nước luôn ẩn hiện hình ảnh người dân xứ Quảng. Ngay khi từ miền Bắc đặt chân lên thượng nguồn sông A Vương, miền tây của Quảng Nam, xúc cảm đầu tiên ùa vào tâm trí những người lính không phải là khói bom, tiếng súng nơi chiến địa mà là lòng dân dành cho cách mạng. “Anh em vào một buôn có hơn ba chục nóc nhà, giữa buôn có một nhà rông. Dưới sàn nhà rông là một kho chứa thóc. Đi quanh một vòng, anh em... chỉ gặp mấy bà già và một lũ trẻ con nheo nhóc. Mấy bà đang đập nhuyễn những củ sắn luộc cho trẻ con ăn. Anh em ngạc nhiên hỏi: “Trong buôn có kho thóc đầy, sao không giã gạo nấu cơm cho lũ trẻ?”. Một bà già trả lời bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Thóc của cách mạng đấy, chỉ để cho bộ đội giải phóng ăn có sức mà đánh Mỹ thôi!”. Câu nói mộc mạc, chân thành nhưng giàu triết lý của đồng bào dường như tiếp thêm sức mạnh cho các anh... Và cũng từ đây, Đội 3 đặc công nước bắt đầu những năm tháng bám dân, bám đất để luồn sâu đánh hiểm trên đất Quảng Đà.

Biển mênh mông, sông sâu nước lạnh. Chiến sĩ đặc công nước mỗi khi xung trận như con cá kình đơn độc giữa biển khơi, không người tiếp ứng, không hỏa lực chi viện, khi tiếp cận mục tiêu nếu không may bị địch phát hiện thì cho nổ khối nổ tức thì để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa không rơi vào tay giặc. Đêm 30 Tết Mậu Thân 1968, rung cảm trước thời khắc của thiên nhiên, Đội trưởng Huỳnh Thế bất giác ngâm nga: “Đêm nay pháo nổ giao thừa/ Mà người chiến sĩ không nhà còn đi/ Sá gì gian khổ hiểm nguy/ Bắt Mỹ đền tội đúng khi giao thừa”. Người lính đặc công nước dẫu đi chìm giữa biển khơi hay lặn trong nước sông mùa đông giá lạnh vẫn luôn ấm áp bởi niềm tin cách mạng. Và phía sau các anh là đồng đội và nhân dân. Đó là cô giao liên Thị đội Hội An thân hình mảnh dẻ, khuôn mặt trẻ trắng xinh, mặc áo bà ba đen, thắt lưng cài lựu đạn Mỹ M26, vai khoác khẩu các bin, đầu đội mũ tai bèo, gọi mọi người bằng anh, bước chân thoăn thoắt đi qua vùng địch trong đêm tối mịt mùng. Người chèo đò trên sông Thu Bồn chở bộ đội vượt sông với chất giọng điềm tĩnh lạ thường: “Qua nắm tình hình, tôi biết hôm nay không có hải thuyền phục kích nhưng vẫn cứ phải đề phòng. Anh em xuống thuyền ngồi yên lặng, nếu ra giữa sông, có gì bất trắc, anh em bình tĩnh nằm hết xuống để mình tôi xử trí. Nếu thấy quá nguy hiểm tôi sẽ hô rời thuyền, anh em lần lượt bơi về phía Cẩm Thanh, sẽ có anh em ta đón về thị đội”. Hoặc hai người dân vác cuốc đi tìm bộ đội lạc ra ám hiệu: “Bà con đang chờ ở xóm Nam”... Nhận nhiệm vụ chiến đấu, với người chiến sĩ đặc công nước là nhận mệnh lệnh từ trái tim. Dẫu đã hàng chục năm trôi qua, nhưng những người con của sông biển từng đánh chìm 4 hải thuyền của địch ở Cửa Đại năm 1967 như Trung tá Phạm Xuân Sanh vẫn không thể nào quên lời căn dặn, cũng là giao nhiệm vụ của đồng chí Bí thư Thị ủy Hội An Ngô Hiên: “Tình hình Hội An có nhiều thuận lợi song khó khăn thì vô kể. Vì đây là địa bàn có nhiều sông nước chia cắt và địch đánh phá rất ác liệt. Nhiều khi cả Thị ủy, Thị đội phải dạt sang vùng cát Duy Xuyên. Đặc biệt, có duyên đoàn hải thuyền số 13 của ngụy tác oai tác quái. Chúng bắn giết nhiều cán bộ, bộ đội ta qua sông, bắn chết cả ngư dân làm ăn ngoài Cửa Đại và Cù lao Chàm. Thị ủy đã đề nghị Mặt trận 4 giúp đỡ, nay các đồng chí đã về, chúng tôi vui mừng và tin tưởng các đồng chí sẽ trừng trị bọn này thích đáng”. Để anh em nắm rõ thêm, đồng chí Hiền, Thị đội trưởng phổ biến tiếp tình hình: “Các đồng chí về đây chia sẻ với chúng tôi. Ăn cơm nấu bằng nước mặn, uống nước phải dè xẻn bằng nước dừa nhưng nay dừa cũng chỉ còn những cây sát ngoài bờ sông, cách địch bằng chiều ngang một con sông hẹp. Mình trèo lên hái nếu địch phát hiện được thì không khác gì trái dừa rụng cuống. Ở đây không có hầm bí mật vì toàn cát và nước. Khi có địch kéo sang đây càn quét, tôi sẽ cho người đưa các đồng chí lánh càn ngoài rừng dừa nước”. Cả phân đội lắng nghe, như uống từng lời bởi đây không chỉ là mệnh lệnh mà còn là niềm tin của Đảng, chính quyền và nhân dân Hội An.

Chiến công nối tiếp chiến công: đánh sập cầu Vĩnh Điện, nhấn chìm hải thuyền địch ngay Cửa Đại, đánh cắt cầu Giao Thủy, tham gia giải phóng Trường Sa… Ở đâu, sau mỗi trận đánh dù thắng lợi hay thành công không trọn vẹn (quân số thương vong lớn) của người chiến sĩ đặc công nước đều thấp thoáng hình bóng của nhân dân. Chợt nhớ, một vị tướng quê hương Quảng Nam đã từng phát biểu: “Chiến công này thuộc về nhân dân”.

Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG

;
.
.
.
.
.