"Cách mạng còn là mình còn"

.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Phong (85 tuổi, ở phường Tân Chính, quận Hải Châu) có đến 11 người thân gồm cha mẹ chồng, chồng, con và em trai... ngã xuống trên mảnh đất Duy Hòa, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, vượt lên tất cả đau thương tột cùng đó, Mẹ một lòng trung kiên với đất nước, vẫn là cơ sở bí mật tuyệt đối, vẫn động viên những người con còn lại của mình tham gia hoạt động cách mạng.

Đoàn phường Tân Chính thăm Mẹ Lương Thị Phong nhân ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7.
Đoàn phường Tân Chính thăm Mẹ Lương Thị Phong nhân ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7.

Đến thăm Mẹ tại số nhà K21/8 Đào Duy Từ vào những ngày đầu tháng 7, chúng tôi vui mừng khi thấy Mẹ vẫn khỏe mạnh, hoạt bát. Mẹ thổ lộ, cuộc sống hiện nay của Mẹ rất tốt, các chế độ Nhà nước gần 10 triệu đồng/tháng. “Mẹ già rồi, ăn đâu có nhiều nên với Mẹ số tiền đó quá lớn. Bởi vậy, Mẹ thường hay mua quà bánh cho các cháu”, Mẹ cười nói và cho biết thêm, các cháu đoàn viên cũng như cán bộ địa phương thường xuyên đến thăm Mẹ.

Mẹ được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng khi cha và mẹ ruột đều hy sinh trong chiến tranh. Năm 1952, Mẹ có chồng là đảng viên, Bí thư Nông hội xã Duy Hòa. Năm 1968, cuộc họp ở hầm bí mật tại nhà do chồng Mẹ là đồng chí Võ Châu chủ trì để chuẩn bị cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 bị lộ, địch dùng máy bay ném bom khiến 7 đồng chí hy sinh, trong đó có chồng, con gái và em ruột của Mẹ. Sau mất mát quá lớn và đột ngột, Mẹ giấu kín nỗi đau vào lòng, động viên con, người thân trong gia đình tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Mẹ có mặt trong tất cả cuộc xuống đường đấu tranh công khai phản đối địch, dồn dân lập vành đai trắng; đồng thời âm thầm nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà. Liên tiếp trong 3 năm 1968-1970, cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Mẹ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao khi bảo đảm cho cơ quan giao bưu tỉnh Quảng Đà mở “văn phòng” ngay tại hầm bí mật của gia đình được an toàn tuyệt đối.

Đây cũng là giai đoạn Mẹ động viên con trai - anh Võ Văn Minh, lúc đó mới 13 tuổi tham gia tổ tuyên truyền của xã. Lý do của Mẹ chỉ là “làm mẹ ai không lo cho sự sống còn của con, nhưng cách mạng cần thì mình không được từ chối. Cách mạng còn là mình còn”.

Nhiệm vụ của anh Minh là sử dụng loa phóng thanh, nấp dưới hầm đọc những bài tuyên truyền lôi kéo binh lính quay trở về với cách mạng. Để bảo đảm an toàn, anh Minh đọc mỗi lần 5-10 phút rồi di chuyển nơi khác để tránh địch pháo kích hoặc cho máy bay đến ném bom. Mỗi lần như vậy, lòng Mẹ lại trào dâng nỗi lo và chỉ đến khi anh Minh quay về, Mẹ mới thực sự yên tâm.

Nói về Mẹ, anh Võ Văn Minh hãnh diện: “Mẹ tôi luôn vui tươi, hoạt bát và rất kiên trung với cách mạng. Có lẽ nhờ thừa hưởng nghị lực của mẹ mà anh em chúng tôi đều trưởng thành. Với lớp con cháu trong gia đình và trong gia tộc, mẹ là tấm gương sáng để noi theo về ý chí không bao giờ gục ngã trước khó khăn, luôn phấn đấu trở thành công dân tốt, sẵn sàng hy sinh vì cái tốt và sự công bằng trong xã hội”.

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.