Quận Hải Châu là quận trung tâm, có môi trường kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ khá sôi động. Đây vừa là điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong quản lý trật tự đô thị và các vấn đề xã hội; trong đó có an toàn thực phẩm (ATTP) trong chương trình “Thành phố 4 an”.
Mặt trận quận Hải Châu tuyên truyền cổ động trực quan chương trình “Thành phố 4 an” trên đường phố. |
Xác định mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm ATTP trên địa bàn quận giai đoạn 2016-2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp quận, phường và Ban công tác Mặt trận đã vào cuộc với tinh thần hăng hái và sự nỗ lực hết mình để tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia thực hiện vệ sinh ATTP.
Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình “Thành phố 4 an”, Ủy ban MTTQ quận Hải Châu đã đưa nội dung giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn quận vào chương trình giám sát năm 2017 của các cấp Mặt trận quận, phường, khu dân cư. Kết quả đạt được bước đầu đáng phấn khởi. Mặt trận quận đã chọn phường Hải Châu 1 và Hòa Thuận Tây làm điểm tuyên truyền vệ sinh ATTP tại khu dân cư, thu hút trên 400 hộ kinh doanh thực phẩm đến tham dự. Mặt trận quận tổ chức lễ phát động, diễu hành hưởng ứng chương trình “Thành phố 4 an” với trên 1.500 người dự, thúc đẩy 13 phường tiến hành phát động rộng rãi trong toàn dân. Mặt trận quận phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức về sử dụng phụ gia thực phẩm và bảo quản thực phẩm cho 345 Trưởng ban công tác Mặt trận và tổ chức tuyên truyền 179 buổi về an toàn thực phẩm với 10.882 người dự.
Tại 13 phường, Mặt trận và các đoàn thể thành viên đồng loạt phát động ra quân thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”; tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với địa phương, địa bàn dân cư thu hút trên 4.434 người tham dự và phát hành 7.236 tài liệu, tờ gấp, bản tin tuyên truyền pháp luật về ATTP. Các khu dân cư tổ chức tuyên truyền, phổ biến các tài liệu kiến thức, quy định về ATTP đến người tiêu dùng và người kinh doanh thực phẩm, kiến thức vệ sinh ATTP, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn, cách phòng chống ngộ độc thực phẩm tại gia đình thu hút 25.074 đại diện hộ gia đình tham dự và phát hành trên 37.423 loại tài liệu, tờ rơi. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền lưu động tại các chợ, các khu vực trọng điểm; bằng xe lưu động; “Tiếng loa lưu động”; đài truyền thanh với hàng trăm lượt; kể cả hình thức trực quan với trên 500 pa-nô, áp-phích, băng-rôn, khẩu hiệu.
Cùng với hoạt động tuyên truyền, Mặt trận quận thành lập Đoàn giám sát bảo đảm ATTP, giám sát công tác quản lý Nhà nước về ATTP tại 8 phường Hòa Cường Nam, Hòa Thuận Tây, Hòa Thuận Đông, Bình Hiên, Nam Dương, Hải Châu 1, Thạch Thang và Thuận Phước.
Mặt trận 13 phường thành lập 20 đoàn giám sát và thực hiện 27 cuộc giám sát ATTP tại các quán ăn đường phố, các chợ; giám sát hộ sản xuất chế biến thực phẩm; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, giám sát bếp ăn các trường mầm non, trường tiểu học, nhóm trẻ gia đình, các quầy hàng ăn uống, và giám sát xuất xứ thực phẩm tại các chợ. Các đoàn giám sát đã thử test nguyên liệu, phụ gia, các mẫu chả, bún, mì, phở, bánh bèo. Qua giám sát cho thấy các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cơ bản đạt yêu cầu. Đồng thời, qua giám sát đã nhắc nhở 1 cơ sở chế biến mì sợi không có hóa đơn nguồn gốc bột, một số quầy tạp hóa bán hàng hóa không có nguồn gốc, nhãn mác; 1 hộ bán trên vỉa hè không bảo đảm vệ sinh được lập biên bản đề nghị UBND phường xử phạt. Qua giám sát, các đoàn đã nhắc nhở một số hộ kinh doanh phải hoàn thiện các thủ tục Giấy chứng nhận kiến thức ATTP, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng nhận sức khỏe.
Hoạt động tuyên truyền, vận động và giám sát của Mặt trận quận và phường góp phần vào kết quả chung trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn quận. Đặc biệt qua giám sát, Mặt trận đã kiến nghị, đề xuất và được UBND quận và các phường, các ngành chức năng các cấp kịp thời giải quyết và xử lý những vi phạm.
HOÀNG MINH TRINH