Chiến tranh trôi qua đã hàng chục năm, những cựu binh một thời cống hiến tuổi thanh xuân giữa núi rừng bắc Hòa Vang giờ đây tuổi đã cao, tóc bạc, lưng khom nhưng ánh mắt của họ vẫn luôn hướng về phía đầu nguồn. Nơi đó, xương máu của bao đồng chí, đồng đội vẫn còn nằm lại với cây rừng, chưa một lần được về với đất mẹ…
Một đợt quy tập hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Hiệp Nam. (Ảnh do Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Nam cung cấp) |
Đồng đội tôi giờ nơi đâu?
Suốt 12 năm qua, dấu chân ông Trương Văn Tranh (trú tổ 46, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), nguyên Chính trị viên Đại đội Độc lập cánh bắc Hòa Vang in dấu khắp núi rừng phía bắc huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Sinh ra trong thời kỳ đạn lửa chiến tranh, tuổi trẻ của ông Tranh gắn liền với những trận đánh sống còn ở núi rừng phía bắc Đà Nẵng, với các địa danh ghi danh vào sử sách như Khe Răm, Khe Dâu, Dốc Quạt, Hòn Quắp. May mắn, theo ông, đó là ông còn được trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương, dù những vết thương chiến tranh vẫn hành hạ ông suốt 35 năm qua.
Theo ông Tranh, khu vực cánh bắc Hòa Vang có vai trò hết sức quan trọng, nơi đóng quân của nhiều lực lượng như đơn vị Đặc công 489 Quảng Đà (D89), Đặc công nước 471 (Quân khu 5), lực lượng Biệt động nội thành quận nhì…
“Những trận đánh diễn ra tại đây đều hết sức ác liệt, lực lượng địch bị tổn thất nặng nề nhưng cũng có nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh”, ông Tranh kể. Năm 2005, cuộc hội ngộ của những cựu binh thuộc Đại đội Độc lập cánh bắc Hòa Vang diễn ra trong niềm vui xen lẫn nước mắt.
Ký ức về một thời hoa lửa, những vết thương trên da thịt còn in dấu theo thời gian hay giây phút tiễn biệt đồng đội giữa bốn bề đạn bom dường như sống lại. “Chúng tôi cảm thấy may mắn vì còn được đứng đây chuyện trò, được sống trên mảnh đất quê hương cùng bà con làng xóm, cùng con cháu của mình. Trong khi đó, có rất nhiều đồng chí, đồng đội vẫn nằm lại đâu đó giữa núi rừng.
Bao nhiêu năm trôi qua họ vẫn chưa được trở về an nghỉ. Câu hỏi đồng đội của tôi giờ ở nơi đâu vẫn luôn thường trực trong đầu, thôi thúc chúng tôi tiếp tục lên đường, trở về chiến trường ác liệt năm xưa”, ông Tranh xúc động kể.
Khi Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Nam phát động chương trình “Nghĩa tình đồng đội”, những cựu binh mắt đã mờ, tay chân đã yếu lại một lần nữa lần mò theo ký ức nhập nhòa trở về với nơi mà tuổi trẻ của họ một thời in dấu. Những chuyến đi kéo dài 7-10 ngày, ngược lên các đỉnh núi, dựng lều cắm trại khi màn đêm buông xuống.
Đã không dưới 20 lần ông Tranh cùng đồng đội trở về tay không khi xác định sai vị trí do thời gian trôi qua đã lâu, những dấu vết năm xưa không còn. Nhưng bằng tất cả nghĩa tình, những cựu binh không hề nản chí. Ký ức của ông Tranh còn nhớ mãi chuyến đi năm 2010 ngược lên Hòn Quắp để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Vũ Văn Cầu (quê Ba Đình, Hà Nội), thuộc đơn vị Công binh Hải Vân.
Cùng đi với ông là 3 người em gái của liệt sĩ Cầu, băng rừng, lội suối ròng rã 2 ngày liền để đến tìm đến nơi liệt sĩ Cầu ngã xuống. “Giây phút khai quật và tìm thấy chiếc thắt lưng kỷ vật của anh Cầu khiến 3 người thân ngã quỵ vì xúc động, tôi thấy tim mình thắt lại. Lại thêm một chuyến đi thành công, an ủi chúng tôi phần nào”, ông Tranh bồi hồi nói.
Ở tuổi 77, ông Tranh vẫn ngược xuôi thu thập thông tin, tổ chức các cuộc tìm kiếm đồng chí, đồng đội. 31 chuyến đi ngược núi rừng mà ông tham gia, tổ chức trong suốt 12 năm qua hết sức ý nghĩa khi hơn 20 liệt sĩ đã được tìm thấy, đưa về quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều cựu binh biết được việc làm ý nghĩa này cũng hăng hái tham gia bằng nhiều cách. Có những cựu binh sức khỏe yếu không đồng hành với đồng đội nhưng không ngần ngại cử con, cháu tham gia hoặc góp người năm ba đồng hỗ trợ chuyến đi được vẹn toàn.
Cựu chiến binh Trương Văn Tranh (trái) chia sẻ về hành trình tìm kiếm đồng đội suốt 12 năm qua. Ảnh: PHAN CHUNG |
Gian khổ có nhau
Ông Dương Ngân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) chia sẻ, chương trình “Nghĩa tình đồng đội” được thực hiện trong suốt 20 năm qua đã trở thành hoạt động thiết thực, hiệu quả khi luôn nhận sự ủng hộ từ nhiều phía.
Những chuyến đi có sự tham gia của lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương trở thành hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng. “Được tổ chức với tinh thần “3 tự” là tự giác, tự nguyện và tự lo chi phí, hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ càng trở nên có ý nghĩa khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức, đoàn thể và sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt là các cựu chiến binh, những nhân chứng sống từng một thời chiến đấu tại núi rừng phía bắc Đà Nẵng”, ông Ngân cho biết.
Đến nay, Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Nam đã tổ chức 31 chuyến đi ngược lên núi rừng, qua đó tìm thấy, quy tập 71 hài cốt liệt sĩ trở về với đất mẹ. Một số liệt sĩ quê ở Hà Nội, Thái Bình có người thân đã già yếu, Hội Cựu chiến binh phường tự vận động kinh phí, tổ chức đưa hài cốt các anh về với quê nhà…
…Nặng lòng với người đã khuất, đồng thời có trách nhiệm với thân nhân các liệt sĩ và cựu binh có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ đồng đội của Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Nam đến nay đã lên đến hàng trăm triệu đồng được thành lập dựa trên sự tự nguyện đóng góp của hơn 280 hội viên. Nguồn quỹ này đã trở thành một cứu cánh thực sự.
Đó là hình ảnh cựu chiến binh Lý Hòa (52 tuổi, Chi hội Cựu chiến binh Nam Ô 22) vui mừng bên chiếc xe bán nước mía được hỗ trợ từ nguồn đóng góp của các đồng chí, đồng đội của mình. “Cơ ngơi” này tuy khiêm tốn nhưng kịp thời giúp ông chèo lái gia đình qua cơn túng thiếu khi vợ không có việc làm, các con đang tuổi đi học.
Đó là nụ cười rạng rỡ của anh Mai Tấn Vũ (cháu ruột liệt sĩ Mai Tấn Xu) trong căn nhà vừa được gia cố, sửa chữa khang trang từ nguồn hỗ trợ của Hội. “Các hội viên được tạo điều kiện vay mượn, sử dụng nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình. Không có lãi suất, không giới hạn thời gian vay, số vốn này sẽ được họ hoàn trả khi có điều kiện và chúng tôi lại tiếp tục ưu tiên cho những hội viên khó khăn”, ông Ngân cho biết.
Theo Hội Cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Nam, phương châm, mục tiêu hoạt động của hội vẫn là cố gắng hết sức có thể để hoạt động “nghĩa tình đồng đội” được duy trì và có hiệu quả. Phía bên phải bàn thờ gia đình ông Trương Văn Tranh, ngay cạnh di ảnh liệt sĩ Trương Văn Hiếu, em trai ông là chiếc bài vị ghi danh liệt sĩ Trần Quốc Tân, đồng đội của liệt sĩ Hiếu cùng tham gia chiến đấu ở đơn vị Đặc công 489 Quảng Đà và hy sinh tại Đại Lộc. Năm 1994, ông Tranh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ em trai cùng liệt sĩ Tân về nghĩa trang liệt sĩ.
23 năm qua, ông đã nhiều lần tìm về vùng đất Duy Xuyên để tìm kiếm thân nhân liệt sĩ Tân nhưng không được. Cũng chừng đó thời gian, ông xem liệt sĩ Tân như người em của mình, ngày ngày chăm nom hương đèn cho người đã khuất. Ông chọn ngày 6-8 âm lịch-ngày liệt sĩ Tân được tìm thấy làm đám giỗ hằng năm cho anh như một sự nhắc nhớ và nỗi lòng canh cánh bấy lâu nay của mình.
“Thời gian càng đẩy mọi thứ trôi dần vào dĩ vãng, tôi và những đồng đội còn sống cũng ngày càng già yếu, ký ức cũng quên dần, dấu tích của chiến trường năm xưa cũng bị cây rừng che lấp, việc tìm kiếm và đưa hài cốt các đồng chí, đồng đội trở về cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Đó là điều trăn trở lớn nhất hiện nay khiến tôi luôn suy nghĩ mỗi ngày”, ông Tranh cho biết.
Cuối ngày, mặt trời lấp ló phía sau đỉnh Hòn Quắp, chiếu tia nắng còn lại về phía thành phố, nơi dòng người vẫn hối hả ngược xuôi. Ở nơi đây luôn có những ánh mắt ngày đêm dõi về phía ấy, khắc khoải, mong ngóng, đợi chờ…
PHAN CHUNG