Ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng

.

Lịch sử Báo Đà Nẵng mãi mãi khắc ghi công ơn những nhà báo - chiến sĩ Trần Văn Anh, Hoàng Kim Tùng, Đỗ Nhung, Dương Tấn Nhường… đã ngã xuống trên mảnh đất kiên trung Quảng Nam - Đà Nẵng khi cây bút và trang giấy còn dang dở. Thời gian qua, Báo Đà Nẵng đã kết nối với thân nhân hầu hết các nhà báo-liệt sĩ trên và thực hiện những nghĩa cử theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, trong số đó, ray rứt nhất là với nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh, Tổng Biên tập Báo Giải phóng và Cờ Giải phóng, Báo Đà Nẵng vẫn chưa kết nối được với gia đình, người thân của ông.

Đoàn Báo Đà Nẵng thắp hương bia mộ nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn, ngày 26-7-2017.
Đoàn Báo Đà Nẵng thắp hương bia mộ nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn, ngày 26-7-2017.

Và may mắn bất ngờ đã xảy ra, khi ngày 26-7-2017, mong muốn kết nối với gia đình nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh của lãnh đạo Báo Đà Nẵng được toại nguyện…

Khi Ban Biên tập, phóng viên, nhân viên Báo Đà Nẵng đến thắp nén tâm nhang cho nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh tại phần mộ của ông ở Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) nhân 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2017), thì trên mộ đá có bó hoa cẩm chướng đỏ thắm ai đó vừa đặt lên. Tôi chạy lại người quản trang và hỏi thông tin về người vừa đặt bó hoa cẩm chướng ấy. Người quản trang cho biết, đó là những người đi trên ô-tô mang biển số 75... (của tỉnh Thừa Thiên Huế); vừa viếng tầm 9 đến 10 giờ trưa. Chúng tôi muốn biết những người này là ai, quan hệ với liệt sĩ Trần Văn Anh thế nào. Đọc được nét lo âu trên gương mặt của chúng tôi, người quản trang chợt nhớ ra và nhanh nhảu: “Tôi có số điện thoại của chị ấy đây!”. Lúc đó, tay tôi tự nhiên run lên khi bấm điện thoại lưu lại số máy do người quản trang cung cấp. Tổng Biên tập Trương Công Định, Phó Tổng Biên tập Lê Quang Á, các thành viên trong đoàn như vỡ òa niềm hạnh phúc. Bên kia máy, người phụ nữ tự giới thiệu tên là Vân - con dâu của nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh. Giọng chị nghẹn ngào cảm xúc: “Em mừng quá! Các anh chị đã đến thắp hương cho bố. Em tưởng đâu các anh quên bố em rồi!”... Cả đoàn chúng tôi rưng rưng xúc động. Nhưng vốn tính cẩn thận, lại là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm mộ liệt sĩ, Tổng Biên tập Trương Công Định trực tiếp trao đổi qua điện thoại với chị Vân, xác minh lại vị trí bia mộ, quê quán chính xác của nhà báo - liệt sĩ là xã Điện Hồng hay xã Hòa Khương… Có được thông tin chính xác, chúng tôi vui mừng khôn xiết, bởi trước đó, mặc dù đã cố gắng liên hệ, hỏi han và tìm thông tin của gia đình nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh, nhưng sự kết nối gần như không thể khi câu trả lời vẫn luôn là: Gia đình của nhà báo - liệt sĩ đã bán nhà vào miền Nam sinh sống mấy chục năm nay!

Chị Vân ơi, Báo Đà Nẵng không bao giờ quên các thế hệ đi trước đã đặt những hòn đá tạo nên nền móng vững chắc cho Báo Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Là người kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, chúng tôi luôn ghi lòng tạc dạ đạo lý “Ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng”. Với Báo Đà Nẵng giờ đây, bên cạnh các gia đình nhà báo - liệt sĩ khác, Báo Đà Nẵng có thêm gia đình nhà báo - liệt sĩ, Tổng Biên tập Trần Văn Anh để tri ân, thăm hỏi, động viên.

Qua điện thoại với anh Trần Nùng, con trai nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh, tôi được biết vợ ông là bà Hoàng Thị Hường, quê ở xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc bằng đường biển, còn bà đi bằng đường bộ. Đến năm 1956, hai ông bà mới gặp lại nhau tại miền Bắc. Sau năm 1975, bà Hoàng Thị Hường công tác tại ngành Ngân hàng Đà Nẵng đến năm 1988 về hưu, năm 1990 vào Nam sống cùng các con, đến năm 2000 bà qua đời vì bạo bệnh. Người chị ruột, người thân duy nhất mà nhà báo Trần Văn Anh nhắn gửi đồng đội trong giờ phút hy sinh anh dũng cũng vừa qua đời cách đây 2 năm tại quê nhà. Chỉ còn các con của nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh là chị Trần Anh Tuyến (sinh năm 1957) hiện đang sống ở Huế, là người đã đặt bó hoa cẩm chướng đỏ thắm lên mộ cha mình sáng hôm đó; chị Trần Hoàng Nhị (sinh năm 1959) hiện giảng dạy đại học tại Úc và anh Trần Nùng (sinh năm 1962) hiện làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng anh Nùng - chị Vân đang thờ cúng nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh trong một căn hộ tại chung cư Ngân hàng TMCP Á Châu (71 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).

Nhà báo - liệt sĩ, Tổng Biên tập Báo Cờ Giải phóng Trần Văn Anh và vợ - bà Hoàng Thị Hường và con gái đầu Trần Anh Tuyến - năm 1959. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Nhà báo - liệt sĩ, Tổng Biên tập Báo Cờ Giải phóng Trần Văn Anh và vợ - bà Hoàng Thị Hường và con gái đầu Trần Anh Tuyến - năm 1959. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Tháng 5-2015, trong quá trình tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm Ngày Thành lập (1960-2015) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì của Báo Đà Nẵng, là lớp hậu sinh của các thế hệ làm báo đi trước, để hiểu được cơ bản cái “thần” của cả một quá trình lịch sử một cơ quan báo chí, tôi đã tìm kiếm các tài liệu liên quan và tình cờ đọc được bài báo “Gửi lại với đời” của nhà báo Trần Mai Hạnh đăng trên Báo Công Luận năm 2013. Bài báo thật sự làm tôi xúc động. Một bức ảnh được chụp chiều 14-7-1968 tại nơi tiền phương Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà, nhờ có nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh mà thời khắc đáng nhớ đó đã được ghi lại bằng hình ảnh. Qua bức ảnh, tôi mới tường tận về chân dung 4 nhà báo - liệt sĩ, trong đó có 2 nhà báo - liệt sĩ là các Tổng Biên tập Trần Văn Anh và Hoàng Kim Tùng. Lúc đấy, với cảm xúc dâng trào, tôi in vội 4 bản gửi đến các anh trong Ban Biên tập, chỉ mong nhận được sự đồng cảm. Mặc dù trước đó, với bao lo toan khắc khoải, ý chí sắt đá của đồng đội, gia đình và các cơ quan liên quan, cuộc tìm kiếm cất bốc hài cốt nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng và 4 cán bộ Tuyên huấn Quảng Đà bị vùi lấp trong hang đá núi Hòn Tàu kéo dài tới 39 năm đã để lại trong lòng mọi người biết bao cảm xúc chưa nguôi ngoai. Giờ đây, cô Hoàng Thị Thọ - vợ và anh Hoàng Tuấn Anh - con trai nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng đã là người ruột rà trong gia đình Báo Đà Nẵng. Càng ấm lòng với gia đình nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng bao nhiêu, tôi lại càng nghĩ về gia đình nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh bấy nhiêu. Tiếp nhận bài báo tôi gửi, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc lúc đó đã chia sẻ niềm xúc động và giao tôi đặt bài nhà báo Trần Mai Hạnh viết về chân dung nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh, Tổng Biên tập đầu tiên để kịp in trong đặc san kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Báo Đà Nẵng.

Nhà báo Trần Mai Hạnh đã nhận lời rất trách nhiệm và ngày 7-6-2015, tôi đã nhận được bài viết với tựa đề “Dấu ấn thời gian”. Cảm xúc xen lẫn niềm tự hào càng dâng trào khi tôi được biết tường tận về nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh và hình ảnh khắc ghi sự hy sinh anh dũng của ông do đồng đội kể lại. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay thuộc thành phố Đà Nẵng). Từ nhỏ ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ và được chú, thím nuôi ăn học. Năm 12 tuổi, ông thoát ly tham gia cách mạng và được kết nạp Đảng khi tròn 18 tuổi. Ông đã gặp cô Hoàng Thị Hường, khi cả hai cùng tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc tại xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn. Năm 1953, ông bà nên duyên vợ chồng. Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc, làm phóng viên Báo Đường sắt Việt Nam. Năm 1963, ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và làm giảng viên chính trị Trường Thể dục - Thể thao Trung ương. Mặc dù cận thị rất nặng ông vẫn tình nguyện đi B. Cuối tháng 4-1966, ông vượt Trường Sơn về đến quê hương và bắt tay ngay vào việc tiếp tục xây dựng và phát triển cùng lúc hai tờ báo - Báo Giải phóng (dành cho nông thôn) và Báo Cờ Giải phóng (dành cho đô thị) của Đặc khu Quảng Đà (mặt trận Bắc Quảng Nam-Đà Nẵng)…

Nhà báo Trần Văn Anh đã hy sinh anh dũng vào ngày 29-12-1968. Trong lúc đang làm nhiệm vụ từ Gò Nổi vượt sông Thu Bồn, đặt chân lên xã Điện Thái thì ông bị một máy bay trinh sát phát hiện phóng rốc-két. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông gượng ngồi bệt trên mặt đất, đưa tay đỡ chiếc đùi dập nát và chỉ kịp dặn dò đồng đội ở lại đùm bọc nhau làm việc cho tốt, nhớ ghé qua nhà gửi lời thăm người chị ruột còn lại duy nhất của mình và thăm tất cả. Năm ấy ông mới 38 tuổi. Tấm gương hy sinh anh dũng, tình cảm ân cần lo lắng dành cho đồng đội, người chị ruột còn lại duy nhất của nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh vào giây phút cuối của cuộc đời thật đáng khâm phục, sẽ mãi là niềm tự hào của thế hệ làm báo chúng tôi.

Sau 25 năm ông hy sinh, vào giữa năm 1993, bên cạnh sự giúp đỡ tận tình của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng đội, bà con, cô Hoàng Thị Hường đã nhờ mọi sự mách bảo để cuối cùng tìm được mộ chồng giữa một vùng bình địa đang ngập tràn màu xanh của mía, bắp và lúa. Hài cốt của ông đã được bạn bè, đồng chí từng chôn cất ông ngày nào (trong đó có Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Vũ Thành Lê) kiểm tra, xác nhận qua một số di vật cá nhân. Và 3 năm sau, năm 1996, hài cốt của nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh được cải táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Điện Bàn do Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng gia quyến tổ chức. Sự cống hiến và hy sinh anh dũng của nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh sẽ mãi mãi khắc ghi trong lịch sử hào hùng của các thế hệ Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có gần 600 nhà báo - liệt sĩ đã hy sinh anh dũng, hiện một phần xương máu của các anh còn nằm lại trên các vùng chiến trường ác liệt Bình Trị Thiên, Khu 5, Nam Trung Bộ... Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn có viết: “Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đời núi vươn tới những tầm cao”, thế hệ chúng tôi mãi mãi khắc ghi công ơn thế hệ cha anh nhà báo - liệt sĩ đã hy sinh xương máu để gây dựng truyền thống anh hùng vẻ vang của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam nói chung và Báo Đà Nẵng của chúng tôi nói riêng. Mong ước, thời gian đến, khi về trụ sở mới, Báo Đà Nẵng sẽ có phòng truyền thống trang trọng để khắc ghi, tri ân, gìn giữ những tư liệu lịch sử báo chí quý giá. Và cũng để giới thiệu đến đông đảo bạn đọc, các thế hệ làm báo sau này về lịch sử hình thành và phát triển rất đáng tự hào như thế hệ nhà báo - liệt sĩ, Tổng Biên tập Trần Văn Anh, Hoàng Kim Tùng...

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), Báo Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động tri ân, nhằm ghi nhớ công ơn của lớp người đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Cùng với việc tổ chức thăm hỏi gia đình thân nhân, nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng, cô Hoàng Thị Thọ tại tỉnh Quảng Trị cùng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Liên tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Hợi tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) do cơ quan phụng dưỡng, Báo Đà Nẵng còn tổ chức buổi gặp mặt ấm áp với con gia đình thương binh-liệt sĩ, cũng như các thương binh của báo.

Trần Thu Thủy

;
.
.
.
.
.