Cải thiện an sinh cho trẻ một cách bền vững

.

Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình phát triển vùng đô thị Sơn Trà do tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision International - Hoa Kỳ) tài trợ, hàng ngàn trẻ em hưởng lợi trực tiếp, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để trẻ và thanh-thiếu niên sẵn sàng bước vào đời.

Thầy Nguyễn Văn Thức giới thiệu thư viện thân thiện của Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện sau khi được Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ trang thiết bị.
Thầy Nguyễn Văn Thức giới thiệu thư viện thân thiện của Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện sau khi được Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ trang thiết bị.

Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, Trưởng ban quản lý Chương trình phát triển vùng đô thị Sơn Trà của quận (gọi tắt là chương trình) cho biết, năm 2013, thành phố có quyết định tiếp nhận chương trình của Tầm nhìn Thế giới. Từ năm 2014 đến 2015, chương trình bắt đầu triển khai tập huấn năng lực cho cán bộ và lấy số liệu nội dung các lĩnh vực có liên quan.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, chương trình được tài trợ với kinh phí 763.489 USD gồm 4 dự án triển khai đồng loạt gồm các nội dung: Chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ được chuẩn bị các cơ hội cho tương lai, bảo vệ trẻ em-bảo trợ và ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Sau 3 năm triển khai chương trình tại 3 phường Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông, ước tính có 67.245 người tham gia và hưởng lợi trực tiếp, trong đó có 25.466 trẻ em.

Nói về hiệu quả của chương trình, ông Nguyễn Đắc Xứng nhấn mạnh, lãnh đạo quận xem chương trình là một phần không thể tách rời trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, hầu hết các đề án từ cơ sở đề xuất lên đều được Tầm nhìn Thế giới chấp nhận.

Trong quá trình thực hiện, quận luôn tăng cường chia sẻ thông tin, kế hoạch và lồng ghép chương trình chung của quận với chương trình phát triển vùng đô thị quận Sơn Trà để đạt được mục tiêu đề ra. Qua 3 năm triển khai thực hiện, đã có sự phản hồi tốt từ đối tượng thụ hưởng và đem lại nhiều kết quả tích cực.

Điển hình là thành lập 37 câu lạc bộ trong trường học và cộng đồng; xây dựng 7 thư viện thân thiện và tổ chức học bơi cho trẻ; hỗ trợ các điều kiện, phương tiện cho các đội phản ứng nhanh của các phường trong việc giảm nhẹ thiên tai; hỗ trợ đầu tư một số cơ sở hạ tầng cho khu dân cư vùng biển như nhà chống bão đa năng, nhà sinh hoạt cộng đồng đa năng cho trẻ và đào tạo, bồi dưỡng một lực lượng cộng tác viên bảo vệ trẻ em.

Ông Đặng Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, đến nay, trên địa bàn phường đã có hơn 400 trẻ đại diện được thụ hưởng từ chương trình. Cùng với việc hỗ trợ vật chất, trẻ em còn được trang bị kỹ năng sống, đồng thời làm thay đổi nhận thức và cách hành xử của cha mẹ đối với con em mình. Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức nâng cao kiến thức nuôi dạy trẻ tại các nhóm lớp độc lập. Nhà trường còn được hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp thư viện sách thân thiện nhằm tạo thuận lợi cho trẻ em đến đọc sách.

Theo ông Nguyễn Văn Thức, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (phường Nại Hiên Đông), sau khi có sự hỗ trợ của Tầm nhìn Thế giới về trang thiết bị, thư viện của trường trở nên hấp dẫn hơn. Đến đây, các em học sinh không chỉ được tự do lựa chọn nhiều sách hay mà còn được giáo viên hướng dẫn, giới thiệu sách theo từng chủ đề như an toàn giao thông, những câu chuyện về gương người tốt việc tốt...

Bên cạnh đó, nhà trường còn được hỗ trợ xây dựng một thư viện xanh có không gian thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên để các em đọc sách vào những lúc ra chơi và tham gia các hoạt động ngoại khóa như: cuộc thi kể chuyện, ngày hội sách, ngày hội văn hóa dân gian tổ chức ngay tại sân trường.

Ông Ngô Công Thành, Trưởng Chương trình phát triển vùng đô thị Sơn Trà (World Vision Việt Nam) cho biết, mục tiêu của dự án là cải thiện an sinh cho trẻ em một cách bền vững, cụ thể là giúp trẻ em khỏe mạnh, được học hành và tham gia bảo vệ chăm sóc, được yêu thương và yêu thương người khác. Hằng năm, chương trình đều có chỉ số cụ thể để đánh giá và đạt được hơn 95% các chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt, cứ 3 tháng/lần sẽ có cộng tác viên tới hỏi thăm sức khỏe và việc học hành của 2.000 trẻ trong diện được bảo vệ. Chương trình đến nay đã tạo được mạng lưới ở cơ sở và xây dựng năng lực cho đội ngũ cộng tác viên.

Cộng đồng được cung cấp các kỹ năng sống, giá trị sống và giảm rủi ro thiên tai, đồng thời tập hợp được những thành viên nòng cốt là giáo viên, đoàn viên thanh niên và hội viên hội phụ nữ tham gia bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

“Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác chia sẻ thông tin của chính quyền các cấp để cùng nhau đề ra dự án. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần lồng ghép các hoạt động tuyên truyền của các ngành ở cơ sở với các hoạt động của chương trình phát triển vùng đô thị Sơn Trà trong cùng một lĩnh vực để tránh chồng chéo nhằm tăng tính hiệu quả cho chương trình”, ông Thành đề nghị.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.