Quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết (SXH)” là cụm từ liên tục được nhấn mạnh trong mấy năm trở lại đây. Dịch diễn biến loạn xì ngầu nên việc “quyết liệt” phòng chống dịch cũng được “tăng cường”, “đẩy mạnh” mỗi khi dịch SXH tràn lan.
Quyết liệt ở đây gồm những gì? Ngành y tế quyết liệt chuẩn bị máy móc, thuốc men, tiếp nhận điều trị, phát hiện ổ dịch, phun thuốc, khoanh địa bàn có dịch… Ngành truyền thông quyết liệt tuyên truyền người người, nhà nhà biết cách phòng và nhận dạng bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời. Hội, đoàn thể quyết liệt tung lực lượng dọn vệ sinh môi trường, nhất là “xử” các lô đất trống cỏ rác um tùm. Chính quyền địa phương quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, còn không sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ…
Nói chung cả xã hội đã và đang quyết liệt phòng, chống SXH, nhưng số ca mắc SXH tuần sau cứ cao hơn tuần trước, năm sau lại cao hơn năm trước, thậm chí cao gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 30-7, toàn thành phố ghi nhận 3.845 ca mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong nhưng người mắc thì nằm… không sót quận, huyện nào. Địa phương ít ít cũng trên 300 ca (huyện Hòa Vang 301 ca), nơi nhiều gần 800 ca (quận Thanh Khê 790 ca).
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thống kê 7 tháng đầu năm cả nước có 58.000 người mắc SXH, trong đó 49.000 trường hợp nhập viện, 17 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện tăng trên 11%, số tử vong tăng 3 trường hợp.
Tính ra những “quyết liệt” kể trên chỉ là giải pháp đuổi theo khi SXH bùng phát hoặc thành dịch. SXH không còn phát triển theo mùa, theo chu kỳ mà diễn biến thất thường quanh năm. Trị dứt bệnh cũng chỉ giải quyết chuyện đã rồi. Để kiểm soát ổ dịch, lâu nay, phun hóa chất được xem là cách phổ biến và hiệu quả khá rõ trước mắt. Thế nhưng, muốn phòng “dứt điểm” SXH không thể chỉ dựa vào giải pháp phun hóa chất, vì cách này hoàn toàn chỉ làm được mỗi việc “chặn ngọn”. Cơ chế “uống thuốc” của con muỗi cũng gần như con người. Uống liên tục một loại dễ bị lờn thuốc, dùng kháng sinh dễ dẫn đến kháng kháng sinh để rồi xảy ra hậu quả hết thuốc chữa. Do đó, còn nhiều hóa chất trong kho, sẵn sàng mang ra phun “phủ đầu” muỗi không đồng nghĩa với việc sẽ dập được dịch. Gốc xuất phát bệnh từ loăng quăng (bọ gậy) chứ không phải từ con muỗi. Còn loăng quăng là còn muỗi truyền bệnh SXH. Chỉ khi hết loăng quăng mới hết nguy cơ truyền bệnh. Mà phun thuốc thì chỉ diệt được muỗi chứ không diệt được loăng quăng.
SXH chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh, phun hóa chất không giải quyết được mầm bệnh nhưng điều đó không có nghĩa con người không thể kiểm soát được loại bệnh này. Có một cách dễ hơn uống thuốc (nếu có thuốc), dễ chịu hơn bị kim tiêm (nếu có vắc-xin) và ít hao tổn hơn phun hóa chất đó là diệt loăng quăng, tức triệt tận gốc “con sắp trở thành con muỗi truyền bệnh SXH”. Nói dễ nhưng khó vô cùng vì nếu chỗ ở của mình, nhà mình đã dọn hết nơi sinh sản của muỗi, nhưng sáng ra đầu hẻm ăn tô bún bị con muỗi chỗ đó đốt một nhát rồi nhiễm bệnh hay lên công ty, cơ quan, ra công viên bị muỗi chích phát xong mắc bệnh (hoặc ngược lại) thì đúng là loại bệnh này phải mỗi người và mọi người cùng nhảy vô phòng mới căn cơ. Muỗi truyền bệnh SXH được cho là loại sống “sang chảnh” khi chúng chỉ đẻ trứng trong môi trường nước đọng sạch. Mấy chỗ nước đen ngòm, hôi hám phát sinh muỗi nhưng chưa chắc đó là muỗi truyền bệnh SXH mà những chỗ tưởng chừng an toàn lại mới là nơi thực sự nguy hiểm. Nhiều người không thể tin nổi lọ đựng hoa tươi thơm lừng, đẹp lung linh lại là “ổ muỗi” vằn đích thực, hay những chiếc lá vàng cong khô phơi mình trên bãi cỏ xanh mướt sau trận mưa lại chứa nhiều loăng quăng hơn họ tưởng. Thế nên, đã quyết liệt dập dịch SXH thì không thể ngó lơ bất kỳ chỗ nào.
Quyết liệt và quyết liệt hơn xong rồi cũng khó kìm hãm sự bùng phát của dịch SXH nếu loăng quăng vẫn còn. Mỗi người một tay diệt loăng quăng và không để nước thừa tù đọng ở bất cứ nơi đâu, nghĩa là không tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng là đã góp một công rất lớn trong phòng, chống SXH. Sự quyết liệt cũng đòi hỏi phải quyết liệt quanh năm, còn không thì phòng bệnh phải là việc làm thường xuyên, liên tục của tất cả các cá nhân, ban, ngành, tổ chức, chính quyền chứ không thể theo đợt hoặc theo phong trào. Được vậy thì tự khắc SXH sẽ dừng mà không cần “quá quyết liệt”.
TOÀN VÂN