Ngày 7-8, tại Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) Việt Nam và Ủy ban Thường vụ QH Lào phối hợp tổ chức Hội nghị nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với chủ đề Hội thảo “Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động QH”.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ 4, từ trái sang) và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou (thứ 3, từ trái sang) chủ trì hội thảo. Ảnh: S.TRUNG |
Chủ trì hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH, Chủ tịch Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch QH Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Pany Yathotou; Phó Chủ tịch QH Lào, chỉ đạo nhóm Đoàn nữ ĐBQH Lào.
Đến dự hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cùng lãnh đạo các ủy ban của QH hai nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Hội thảo là một trong những sự kiện thiết thực chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 –
5-9-2017), 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 –
18-7-2017) và Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào.
Đây cũng là lần gặp mặt đầu tiên trong nhiệm kỳ 14 QH Việt Nam và nhiệm kỳ 8 QH Lào của hai Nhóm nữ ĐBQH. Với chủ đề “Vai trò của nữ đại biểu trong hoạt động QH”, hội thảo là hoạt động rất thiết thực nhằm tạo diễn đàn cho việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị trường của các nữ ĐBQH hai nước.
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tại QH; tạo điều kiện để cùng chung tiếng nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới…, đồng thời hỗ trợ các nữ ĐBQH thực hiện vai trò đại diện, xây dựng hình ảnh người nữ đại biểu trước QH và cử tri cả nước.
Việc tổ chức hội thảo cũng góp phần quan trọng vun đắp tình đoàn kết keo sơn gắn bó giữa hai quốc gia, hai QH nói chung và giữa hai Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam - Lào nói riêng. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước khẳng định trong việc duy trì và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, giúp củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt của QH Việt Nam và QH Lào.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh bày tỏ vui mừng thành phố Đà Nẵng được chọn là nơi đăng cai hội thảo. Bí thư Thành ủy đã báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội, chương trình “Thành phố 4 an”, duy trì kết quả chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” của thành phố Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho biết, trong quá trình phát triển, thành phố luôn tích cực phối hợp thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Lào. Theo đó, đến nay, Đà Nẵng đã ký kết 30 văn bản về chương trình hỗ trợ, hợp tác với các tỉnh Nam Trung Lào trên nhiều lĩnh vực; hỗ trợ gần 140 tỷ đồng và cam kết hỗ trợ 100 tỷ đồng giai đoạn 2018-2023; tiếp nhận, hỗ trợ gần 800 lưu học sinh Lào đến học tại các trường thuộc Đại học Đà Nẵng.
Đối với công tác cán bộ nữ, Đà Nẵng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ nữ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy tối đa năng lực. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án phát triển, tạo nguồn cán bộ nữ giữ các chức danh do Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2020; lập Nhóm Liên kết phụ nữ tham chính là mô hình điểm tại Việt Nam. Đến nay, trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có 7 Thành ủy viên là nữ, có 12 nữ đại biểu HĐND thành phố khóa IX và 3/6 ĐBQH khóa XIV thuộc Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng là đại biểu nữ. Điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo và nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ nữ.
Lãnh đạo Quốc hội hai nước Việt Nam - Lào cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng đánh giá cao kết quả hội thảo. Các ý kiến phát biểu và trao đổi đều ghi nhận vai trò tích cực của nữ ĐBQH. Mặc dù số lượng nữ ĐBQH chưa đạt 30% như mong muốn nhưng sự đóng góp của các nữ ĐBQH trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước rất đáng kể. Các nữ ĐBQH quan tâm nhiều và tham gia tích cực, hiệu quả, chiếm đa số các ý kiến phát biểu đối với các dự án luật thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội, trẻ em, các đối tượng yếu thế, môi trường. Nữ ĐBQH cũng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động về bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề giới trong các dự án luật; thể hiện vai trò tích cực trong hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và các quyết định của QH.
Các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn như: cân bằng giữa công việc gia đình, chuyên môn và nhiệm vụ đại biểu, việc thiếu thông tin, kiến thức về một số lĩnh vực; kỹ thuật xây dựng luật; kỹ năng tiếp xúc cử tri, chất vấn, thuyết phục, quan hệ với truyền thông; những thách thức, yêu cầu, đỏi hỏi trong tình hình mới; đồng thời cùng trao đổi về những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò của nữ đại biểu trong tham gia hoạt động QH để thực hiện tốt hơn chức năng đại diện cũng như thúc đẩy hoạt động của Nhóm nữ ĐBQH. Kết quả hội thảo còn khẳng định mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai nước Việt Nam - Lào với tình cảm gắn bó giữa hai QH, giữa các nữ ĐBQH.
Nhóm nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam được thành lập từ QH khóa XII (5-2008) đến nay với mục tiêu: Tạo diễn đàn để nữ ĐBQH giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động; tham gia hỗ trợ nữ ĐBQH bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin; trao đổi thảo luận về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ, các mối quan tâm chung… và học hỏi chia sẻ kinh nghiệm quốc tế. QH Việt Nam khóa XIV với 132 nữ đại biểu trúng cử đã đưa tỷ lệ nữ đại biểu lên con số 26,7% (tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước). Đây là tín hiệu đáng mừng khẳng định vai trò, uy tín ngày càng cao của phụ nữ trong QH, trong cử tri. Đoàn nữ ĐBQH Lào được thành lập theo ý tưởng cũng như sự chỉ đạo của Chủ tịch QH Pany Yathotou và bắt đầu hoạt động từ khóa V đến nay. Quốc hội Lào khóa VIII có 41 đại biểu nữ (trong tổng số 149 ĐBQH), chiếm tỷ lệ khá cao 27,5%; nhiều ĐBQH nữ đang giữ trọng trách cao trong QH. Đoàn nữ ĐBQH Lào đạt nhiều kết quả: thực hiện quyền của ĐBQH cũng như của nhân dân Lào nói chung và đại diện cho phụ nữ nói riêng, góp phần xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề lớn của quốc gia và thực hiện quyền giám sát của QH theo luật định. |
S.TRUNG