Khởi nghiệp để thoát nghèo

.

Hàng ngàn hội viên phụ nữ trên địa bàn Đà Nẵng nghĩ ra nhiều cách để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống từ xuất phát điểm khó khăn…

Cơ sở sản xuất tương ớt, cá tẩm gia vị Nghi Hà của chị Bùi Thị Thu Hà (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) tạo việc làm cho hơn 10 lao động nữ tại địa phương.
Cơ sở sản xuất tương ớt, cá tẩm gia vị Nghi Hà của chị Bùi Thị Thu Hà (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) tạo việc làm cho hơn 10 lao động nữ tại địa phương.

Nhớ về cuộc sống khó khăn cách đây vài năm, chị Võ Thị Hồng Đức (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 36, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) không khỏi bùi ngùi. Cũng giống như bao gia đình khác, chồng làm việc trong cơ quan Nhà nước, chị làm giáo viên mầm non, đồng lương chỉ đủ trang trải cuộc sống. Biến cố xảy ra khi chồng bị tai biến và nghỉ hưu sớm; chị vừa chăm chồng, vừa nuôi 2 con ăn học, cuộc sống túng quẫn, bế tắc... Suy nghĩ mãi và vốn có “tay nghề” nấu ăn ngon, chị quyết định mở dịch vụ nấu ăn. Ban đầu, được các chị em hội viên phụ nữ địa phương ủng hộ, lâu dần tiếng lành lan xa, dịch vụ nấu ăn của chị được nhiều người tìm đến.

Tuy mới 2 năm, dịch vụ nấu ăn không chỉ giúp gia đình chị Đức có cuộc sống đầy đủ mà còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khó khăn cũng như sinh viên trên địa bàn phường. “Mỗi buổi phụ nấu ăn mang lại thu nhập 100.000 - 200.000 đồng/người, các chị em dành dụm mua sắm vật dụng trong gia đình, còn các cháu sinh viên trang trải tiền thuê phòng trọ…”, chị Đức cho biết.

Trong khi đó, nhắc đến chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Chi hội Phó Chi hội 22, phường Chính Gián (quận Thanh Khê), nhiều chị em không ngớt lời khen ngợi. Chị Tuyền là hộ thuộc diện nghèo của phường, sống bằng nghề sửa quần áo, chồng làm thuê tại một tiệm sửa xe, nhưng nhiệt tình tham gia công tác hội và được bầu làm cán bộ hội cơ sở. “Nếu mình không nỗ lực phấn đấu vươn lên thì nói chuyện với các chị em thế nào đây? Có ai nghe mình không? Tôi trằn trọc và nghĩ cách kiếm thêm thu nhập để thoát nghèo. Thế là tôi mạnh dạn mở tiệm may đồ. Thương hoàn cảnh của mình, nhiều chị em đến may lắm. Khi đã ổn định cuộc sống, tôi tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo”, chị Tuyền chia sẻ.

Không chỉ vậy, chị Tuyền luôn nghĩ cách kiếm tiền, chị may túi xách, giỏ đi chợ bằng vải bạt, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa có thêm thu nhập. Trong khu dân cư, hễ có tấm bạt nào vứt đi thì chị xin về. Buổi tối, khi công việc may vá quần áo đã xong, chị đem các tấm bạt ra cắt, vẽ và những chiếc giỏ đi chợ, túi xách, ba-lô cho học sinh lần lượt ra đời. Nhà ở trước chợ nên chị bày bán những sản phẩm này, cái chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng, giúp có đồng ra, đồng vào, kinh tế ổn định hơn…

Theo Hội LHPN thành phố, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có hàng ngàn phụ nữ từ vùng đô thị đến nông thôn nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu giảm 4.400 hộ nghèo, 2.300 hộ cận nghèo của các địa phương; giảm 1.340 hộ phụ nữ nghèo, hộ phụ nữ cận nghèo của Hội LHPN quận/huyện trong năm 2017. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, mới đây, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2027” của Hội LHPN Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương. Ðề án này được hình thành với mong muốn đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước thông qua thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát huy nội lực, sự năng động và sáng tạo của hội viên phụ nữ. Với tinh thần trên, Hội LHPN thành phố cũng phát động khởi nghiệp đến các cấp hội phụ nữ cơ sở.

“Chúng tôi xem khởi nghiệp không chỉ từ những doanh nghiệp  có cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, vừa và nhỏ mà còn khởi nguồn bởi ý tưởng làm kinh tế xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân phụ nữ, giải quyết các vấn đề đang tồn tại của phụ nữ, miễn sao mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống, làm giàu cho bản thân và hữu ích với cộng đồng. Chúng tôi đang lên kế hoạch để có những hỗ trợ phù hợp cho phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố”, bà Hà cho biết thêm.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.