Vấn đề bạn đọc quan tâm

Chuyển tuyến xe buýt nhanh sang tiêu chuẩn dịch vụ BRT

.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa tham mưu, báo cáo UBND thành phố, Ngân hàng Thế giới (WB) thống nhất điều chỉnh xe buýt nhanh sang xe buýt tiêu chuẩn dịch vụ BRT.

Làn xe buýt BRT và một nhà ga trên dải phân cách ở nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương.
Làn xe buýt BRT và một nhà ga trên dải phân cách ở nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương.

Theo Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung, xe buýt nhanh BRT là loại hình giao thông vận tải công cộng mới trong tổng thể hệ thống GTVT hành khách của cả nước. Việt Nam được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), xe buýt nhanh BRT được triển khai tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Ở Đà Nẵng, hệ thống xe buýt nhanh BRT của Hợp phần 2 (Phát triển xe buýt nhanh BRT) thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng được ký kết giữa WB với thành phố vào tháng 4-2013. Hệ thống xe buýt nhanh BRT này có tổng kinh phí đầu tư 52,77 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng) gồm: 1 tuyến xe buýt nhanh có chiều dài 24,9km (từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt Hàn với 31 xe B80 (80 chỗ) và 2 tuyến buýt tiêu chuẩn dịch vụ BRT với 24 xe B60 (xe 60 chỗ); trong đó, tuyến R1 có chiều dài 35,4km (từ Sân bay Đà Nẵng đến Hội An), tuyến R2 có chiều dài 26,7km (từ Sân bay Đà Nẵng đến Bà Nà). Đặc điểm chính của xe buýt nhanh BRT là di chuyển trên làn đường riêng, chạy làn bên trái, sát dải phân cách giữa; tổ chức giao thông hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên tại các điểm giao cắt; hệ thống vé thông minh được kiểm soát ngay tại nhà ga; sàn xe cao bằng cao trình nền nhà ga...

Theo báo cáo của Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (đơn vị điều hành dự án), dự án đang được triển khai theo kế hoạch. Theo đó, gói thầu 2.2 (Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho tuyến đường) được khởi công ngày 22-12-2016. Gói thầu 2.3 (Xây dựng trạm bảo dưỡng, điểm đầu cuối, văn phòng trung tâm điều khiển và hệ thống nhà ga) khởi công ngày 27-12-2016. Gói thầu 2.4 và 2.5 (Cung cấp, lắp đặt hệ thống vé, hệ thống giao thông thông minh) mở thầu ngày 30-5-2017. Gói thầu 2.6 (Mua sắm xe và vận hành hệ thống xe buýt 10 năm) đang hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu.

Sơ đồ tổng thể các tuyến BRT.
Sơ đồ tổng thể các tuyến BRT.

Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai hệ thống xe buýt nhanh BRT theo kế hoạch, sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2019. Hà Nội đã khai trương tuyến BRT 01 (từ Yên Nghĩa đến Kim Mã) dài 14,77km vào ngày 31-12-2016.

Ông Lê Văn Trung cũng cho hay, căn cứ vào cơ sở hạ tầng hiện trạng trên các tuyến đường, ý thức, thói quen tham gia giao thông vận tải công cộng của người dân Đà Nẵng, kết hợp tình hình thực tế đã triển khai tuyến xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội, Sở GTVT đã tham mưu, báo cáo UBND thành phố, WB thống nhất điều chỉnh xe buýt nhanh BRT sang xe buýt tiêu chuẩn dịch vụ BRT (được di chuyển làn đường riêng, có làn đường hỗn hợp). Hệ thống xe buýt này cùng với hệ thống xe buýt thường tạo thành mạng lưới vận tải công cộng có trục chính và trục phụ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tập dần thói quen cho người dân tham gia giao thông công cộng cũng như tiếp cận được ban đầu đối với loại hình này, làm tiền đề cho phát triển hệ thống xe buýt nhanh trong thời gian đến.

“Trong thời gian đầu, khi đưa loại hình xe buýt tiêu chuẩn dịch vụ BRT đi vào hoạt động cùng với hệ thống xe buýt thường có trợ giá sẽ chưa mang lại hiệu quả về mặt kinh tế như mong muốn. Tuy nhiên, bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như: tập thói quen di chuyển bằng giao thông công cộng, nâng cao ý thức cho người dân tiếp cận được xe buýt dịch vụ tiêu chuẩn BRT…”, ông Lê Văn Trung cho biết.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.