Xây dựng cơ chế chung hỗ trợ khẩn cấp thiên tai trong khu vực APEC

.

Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan, sáng 21-8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhóm công tác về ứng phó với tình trạng khẩn cấp APEC (EPWG) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 12, nhằm chia sẻ kinh nghiệm ứng phó khẩn cấp của các nền kinh tế thành viên.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu khai mạc cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu khai mạc cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Phát biểu khai mạc, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) cho biết, từ đầu năm đến nay, khu vực APEC đối mặt với nhiều thiên tai bất thường cũng như thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Nhiều loại hình thiên tai đang là mối hiểm họa đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đang gia tăng về tần suất và cường độ, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sức khỏe người dân. Điều này đòi hỏi chúng ta phải chia sẻ thông tin nhiều hơn, hành động quyết liệt trong các quyết định ứng phó khẩn cấp góp phần giảm thiểu thiên tai trong khu vực.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có 300 người chết do thiên tai, thiệt hại vật chất trên 1 tỷ USD; nằm trong danh sách quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Năm 2017, nhiều khu vực Việt Nam phải đối phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng; lũ quét ở miền núi; đến nay đã có trên 100 người thiệt mạng do thiên tai.

Căn cứ điều kiện thực tế trong công tác quản lý thiên tai, ông Trần Quang Hoài đề xuất, các thành viên APEC cần rà soát lại các quy định và cùng nhau xây dựng một cơ chế chung, thống nhất về công tác hỗ trợ khẩn cấp thiên tai ở khu vực APEC; mong rằng trong những năm tiếp theo, nước chủ nhà APEC sẽ đồng quan điểm để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động này.

[SOM 3 APEC và các cuộc họp liên quan tiếp tục ngày làm việc thứ ba]

Tại cuộc họp, các đại biểu Việt Nam sẽ trình bày tổng hợp những vấn đề về khoa học công nghệ đã và đang được nghiên cứu, áp dụng trong những năm gần đây để ứng phó với thiên tai bình thường mới như chống sạt lở bờ sông, bờ biển; sạt lở đất-lũ quét miền núi, cảnh báo bão lớn-siêu bão; hoạt động nghiên cứu, đầu tư dải ven biển (nghiên cứu điển hình tại miền Trung); nghiên cứu một số giải pháp công nghệ vũ trụ phục vụ phòng chống thiên tai tại Việt Nam…

Thông qua đó, các đại biểu cũng thảo luận, góp ý về các vấn đề phía Việt Nam trình bày; đồng thời thảo luận về các dự án liên ngành phòng chống thiên tai, đề xuất nội dung trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đại diện các nền kinh tế APEC cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, mô hình về ứng phó khẩn cấp tại các quốc gia; công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai…

Chia sẻ kinh nghiệm ở góc độ địa phương, bên cạnh những tác động của quá trình đô thị hóa, vị trí địa lý nằm gần cửa sông Sài Gòn-Đồng Nai, địa hình thấp còn khiến Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với những rủi ro và nguy cơ thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, triều cường, lũ thượng nguồn sông Sài Gòn, lốc xoáy, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn…

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã đưa chương trình giảm ngập nước và chương trình giảm ô nhiễm môi trường vào 7 chương trình đột phá của thành phố nhằm tập trung huy động các nguồn lực thực hiện. Thành phố luôn chủ động, tích cực thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với các tình huống khẩn cấp nhằm xây dựng một thành phố an toàn trước thiên tai; vì sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng.

Ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc hợp tác, liên kết, huy động nguồn lực từ bên ngoài phục vụ các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, trong đó có công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp. Thông qua cuộc họp này, thành phố mong muốn có thêm cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhằm nâng cao năng lực thông tin, dự báo, cảnh báo sớm, đầu tư công trình phòng, chống thiên tai.

Cuộc họp lần thứ 12 của Nhóm công tác về ứng phó với tình trạng khẩn cấp APEC sẽ diễn ra trong hai ngày 21-22/8.

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.