Ngoài 25 tuổi, chưa có việc làm, thường xuyên “ngồi đồng” ở quán cà-phê, không lâu sau, T.V.T (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) trở thành con nghiện. Sau thời gian cai nghiện, T. được các cơ quan, đoàn thể của phường quan tâm và chính Công an phường giới thiệu cho T. đi học nghề cơ khí. Hiện nay, T. đã thành thạo nghề này và được nhận làm với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.
Các học viên ở Cơ sở xã hội Bàu Bàng được đào tạo nghề chuẩn bị ngày trở về cộng đồng. |
Nhớ lại những ngày đầu mới về địa phương, T. tâm sự: “Khi nhận được thông báo của lãnh đạo Cơ sở xã hội Bàu Bàng về việc hoàn thành cai nghiện và trở về, em mừng lắm nhưng cũng lo nếu mình về thì mọi người có xa lánh không, làm việc ở đâu để sống. Thế nhưng cả hai điều này đã không xảy ra, thậm chí em còn được nhiều hơn vậy. Bây giờ em chỉ khuyên những người chưa nghiện đừng bao giờ thử ma túy; nếu lỡ thử rồi hãy mạnh dạn đăng ký cai nghiện, có như vậy mình mới có đường làm lại cuộc đời”.
Được triển khai từ năm 2014, mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng cho thấy đây là cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, người nghiện dễ từ bỏ sự cám dỗ của ma túy hơn là cai nghiện tại các trung tâm. Theo chia sẻ của L.V.H (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), em từng có thời “ra vô” Cơ sở xã hội Bàu Bàng nhiều lần, nhưng ở trung tâm về địa phương lại bị bạn bè lôi kéo, thế rồi tái nghiện.
Tuy nhiên, khi thành phố có mô hình cai nghiện tại cộng đồng sau khi cắt cơn tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng, H. được về địa phương để cai nghiện. Với sự hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là người thân trong gia đình, H. vững tâm hơn trên hành trình cai nghiện. Đến bây giờ, H. đã trở thành thành viên tích cực của CLB Can thiệp sớm, dự phòng ma túy của phường Thọ Quang.
Theo Phòng LĐ-TB&XH quận Thanh Khê, mô hình cai nghiện tại cộng đồng đạt được nhiều mục đích cùng lúc, nhất là giúp giảm dần việc tái nghiện. Trong năm 2016, trong số 135 người cai nghiện chỉ có 20 người tái nghiện, đây là một tín hiệu khả quan.
Theo báo cáo của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố, mô hình cai nghiện tại cộng đồng cũng góp phần giảm tải cho Cơ sở xã hội Bàu Bàng. Năm 2016, thành phố có 890 người nghiện, trong đó có 518 người cai nghiện tập trung tại Cơ xã xã hội Bàu Bàng, 41 người cai nghiện tại cộng đồng. Đến tháng 8-2017, thành phố có 499 người cai nghiện tập trung, 32 người tại cộng đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng đang quản lý 625 người sau cai, 365 người trong số này hiện có việc làm. Theo bà Phạm Thị Huệ, Phó chi Cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố, mô hình cai nghiện tại cộng đồng tại thành phố đã giảm tải cho cơ sở cai nghiện tập trung; người cai nghiện có tâm lý hợp tác nhiều hơn, dễ tìm việc làm hơn nên nguy cơ tái nghiện vì thế cũng giảm đáng kể.
Bài và ảnh: THANH VÂN