Chính trị - Xã hội

Chăm sóc mắt cho công nhân lao động

09:39, 28/09/2017 (GMT+7)

Sức khỏe của đôi mắt là một trong những vấn đề lớn liên quan đến năng suất làm việc, tính ổn định của công việc. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe cho mắt hầu như chưa được chú trọng trong công nhân lao động (CNLĐ), thậm chí là bị coi nhẹ. Đó là lý do Quỹ Fred Hollows (FHF) phối hợp với LĐLĐ thành phố triển khai “Dự án chăm sóc mắt cho công nhân nhà máy” tại Công ty TNHH Điện tử Foster.

Ông Hoàng Hữu Nghị - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố kiêm Trưởng ban điều hành dự án định hướng mục tiêu của buổi tập huấn cho cán bộ y tế nhà máy.
Ông Hoàng Hữu Nghị - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố kiêm Trưởng ban điều hành dự án định hướng mục tiêu của buổi tập huấn cho cán bộ y tế nhà máy.

FHF là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, được thành lập tại Australia vào năm 1992. FHF hoạt động vì một thế giới không có người bị mù không cần thiết. Tại Việt Nam, FHF đã triển khai các dự án tại nhiều địa phương. Qua quá trình khảo sát, FHF nhận thấy vấn đề chăm sóc mắt cho CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn bỏ ngỏ. Do đó, FHF đã xây dựng Dự án “Chăm sóc mắt cho công nhân nhà máy”, triển khai thí điểm tại 2 doanh nghiệp trên địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Điện tử Foster là đơn vị được lựa chọn và hoạt động này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lãnh đạo công ty.

Theo đánh giá và các số liệu thống kê chưa đầy đủ của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường gần đây cho thấy, mỏi mắt là một trong những bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành công nghiệp Việt Nam. Trong ngành dệt-may và sản xuất giày dép, 23,11% công nhân có dấu hiệu bất thường về mắt. Trong các nhà máy sản xuất phụ tùng điện tử, 34,7% công nhân bị viêm nhiễm mắt, 65,2% bị đau mắt và 43,3% bị mờ mắt. Riêng tại Công ty TNHH Điện tử Foster, kết quả kiểm tra sức khỏe hằng năm cho thấy thị lực kém là vấn đề phổ biến ở công nhân (10-15%). Tuy nhiên, phòng y tế của công ty lại chưa đủ năng lực và các điều kiện để đảm bảo việc thăm khám mắt cho công nhân. Những nhân viên y tế dù hằng năm được tập huấn nâng cao tay nghề nhưng chưa được tập huấn chăm sóc mắt ban đầu.

“Từ thực tế trên, việc triển khai dự án tại Công ty TNHH Điện tử Foster là điều cần thiết và thực sự hữu ích cho người lao động”, ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố kiêm Trưởng Ban điều hành dự án cho biết. Trong các buổi làm việc của 3 bên, LĐLĐ thành phố là cơ quan kết nối giữa FHF và Công ty TNHH Điện tử Foster để mọi hoạt động được diễn ra hiệu quả. Về phía Công ty TNHH Điện tử Foster, lãnh đạo công ty đã tạo điều kiện để dự án được triển khai vì họ cũng mong muốn đem tới những lợi ích tốt nhất cho người lao động. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là góp phần giảm thiểu suy giảm thị lực và mù lòa có thể phòng tránh cho nữ công nhân nhà máy. Thông qua dự án, FHF và phía công ty muốn nâng cao nhận thức, nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc mắt và môi trường làm việc an toàn liên quan chăm sóc mắt; nâng cao hành vi tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc mắt của công nhân; nâng cao khả năng sử dụng các dịch vụ chăm sóc mắt; thu thập và chia sẻ tài liệu về công tác chăm sóc mắt tại nhà máy.

Năm 2017, 94 trưởng nhóm công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster đã được tập huấn các kiến thức về chăm sóc mắt và trở thành những tuyên truyền viên nòng cốt trong công tác nâng cao nhận thức của người lao động về việc chăm sóc mắt. Các nhân viên y tế của phòng y tế công ty được đào tạo những kiến thức cơ bản về thăm khám mắt, chăm sóc mắt ban đầu. Họ sẽ trực tiếp thăm khám mắt cho hơn 6.000 CNLĐ tại công ty và có những hướng dẫn ban đầu đối với các trường hợp phát hiện bệnh mắt. Ngoài ra, một hoạt động truyền thông lớn đã được tổ chức cho đông đảo CNLĐ để họ được nghe nói chuyện về chuyên đề chăm sóc mắt. Công nhân được tổ chức khám mắt và hỗ trợ kính thuốc. Các tài liệu truyền thông được phân phối tới tay người lao động. Các dụng cụ nhãn khoa cơ bản được cung cấp cho phòng y tế công ty phục vụ công tác khám mắt… Những hoạt động ban đầu trên đã có tác động rất lớn đến hơn 6.000 CNLĐ công ty.

Chị Phạm Kim Thanh, nhân viên phòng y tế công ty, chia sẻ: “Trước đây, công nhân chưa có sự quan tâm đến việc chăm sóc mắt. Tuy nhiên, từ khi các đoàn khảo sát tiến hành làm việc, các hoạt động được triển khai thì nhận thức các bạn đã có sự thay đổi ít nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi được tập huấn kiến thức về chăm sóc mắt, phòng y tế được hỗ trợ các thiết bị cần thiết. Chúng tôi tự tin sẽ thực hiện tốt công tác khám mắt ban đầu cho hơn 6.000 CNLĐ tại công ty”.

Được biết, đây là dự án đầu tiên liên quan đến công tác chăm sóc mắt cho CNLĐ được triển khai, làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung; do đó, sự kỳ vọng vào hiệu quả và thành công đạt được của dự án là rất lớn. Tuy nhiên, ông Hoàng Hữu Nghị cũng chia sẻ: “Hoạt động chăm sóc mắt là hoạt động mới mẻ với người lao động. Vì vậy, dù mục tiêu đặt ra của dự án là rất lớn nhưng về cơ bản, chúng tôi sẽ đi những bước chậm và chắc để dần dần thay đổi nhận thức của người lao động rồi sau đó mới đòi hỏi ở việc người lao động tự tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc mắt, bảo vệ mắt... Phải làm sao để khi dự án kết thúc, không còn được thụ hưởng những quyền lợi mà dự án đem lại nhưng người lao động vẫn tự giác chăm sóc mắt của mình, bảo vệ đôi mắt để làm việc, công tác tốt. Lúc đó mới gọi là thật sự thành công”.

“Chăm sóc mắt cho công nhân nhà máy” là dự án thí điểm lần đầu giới thiệu dịch vụ chăm sóc mắt đến lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh việc tiếp cận nguồn lao động dồi dào nhằm nâng cao hành vi tìm kiếm dịch vụ chăm sóc mắt của công nhân, dự án sẽ làm việc chặt chẽ với ban quản lý nhà máy để cải thiện chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp, trong đó có sức khỏe mắt. Các kết quả và bài học kinh nghiệm từ dự án sẽ được đúc kết và bổ sung vào dữ liệu bằng chứng về chăm sóc mắt cho công nhân nhà máy để sử dụng cho công tác vận động chính sách. FHF cũng sẽ cùng phối hợp với ngành sản xuất để nhân rộng mô hình dự án này trên toàn Việt Nam.

Phan Hà

.