ĐNĐT - “Cán bộ đã trưởng thành từ Đề án 89 phải tiếp tục khẳng định mình, nỗ lực hơn nữa, thành công hơn nữa để được bố trí vào các vị trí cán bộ chủ chốt cấp quận, huyện và cao hơn”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu tại hội nghị tổng kết Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là Đề án 89) tổ chức ngày 1-9.
Lãnh đạo thành phố trao đổi với cán bộ Đề án 89. Ảnh: SƠN TRUNG |
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng, đại diện lãnh đạo Vụ Địa phương 2 - Ban Tổ chức Trung ương.
Nhiều học viên Đề án 89 trở thành cán bộ chủ chốt ở phường, xã
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí chủ trì hội nghị. Ảnh: S.TRUNG |
Theo báo cáo do Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng trình bày tại hội nghị, sau 9 năm thực hiện Đề án 89, tổng số học viên tham gia đề án của hai khóa là 155, số học viên tốt nghiệp bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn là 139 (Khóa I có 95/100 học viên tốt nghiệp; khóa II có 44/55 học viên tốt nghiệp).
Những học viên này đều được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp và bằng Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính. Sau khi về nhận công tác, nhiều người đã thích ứng nhanh với công việc, trưởng thành nhanh. Đây là nguồn cán bộ dồi dào để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhu cầu cán bộ ở cấp cơ sở trong tình hình mới.
Thực tiễn cho thấy, sau khi phân bổ số cán bộ Đề án 89 về công tác tại các phường/xã, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến khá rõ nét (100% cán bộ đề án có trình độ đại học chính quy trở lên); độ tuổi cán bộ, công chức phường/xã được trẻ hóa (hiện 100% cán bộ đề án đều ở độ tuổi từ 30 đến dưới 45 tuổi), góp phần tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.
Đa số các phường/xã và các quận/huyện đã có sự quan tâm đối với đội ngũ cán bộ này, tạo điều kiện để các cán bộ đề án tự đi học nâng cao trình độ chuyên môn hoặc được tham gia vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng do các cấp tổ chức và mạnh dạn bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại địa phương.
Ngoài việc phân công nhiệm vụ cụ thể phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn của từng người và tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho các cán bộ Đề án 89 thể hiện kiến thức đã được trang bị, các cơ quan quản lý cán bộ cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ đã về công tác ở phường, xã.
Nhiều địa phương cũng đã tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ để cán bộ làm quen, tiếp cận công việc ở các vị trí được phân công. Một số quận ủy, huyện ủy thường xuyên tổ chức gặp mặt cán bộ đề án để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kết quả công tác, khả năng hoàn thành nhiệm vụ…
Qua đó, có những điều chỉnh hợp lý trong phân công công tác đối với cán bộ đề án, vừa bảo đảm để các phường/xã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vừa giúp cán bộ có cơ hội tốt nhất để phát huy, phát triển.
Ban Tổ chức Thành ủy cũng thường xuyên theo dõi tình hình, nắm bắt phản hồi từ cơ sở và cán bộ cả hai khóa nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của các cán bộ và giải quyết những đề xuất, vướng mắc sau quá trình về nhận công tác tại địa phương. Từ đó, có sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời đến các cấp ủy, địa phương, đơn vị quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí yêu cầu phải khắc phục những hạn chế như một số ít cán bộ Đề án 89 trong quá trình công tác không giữ gìn phẩm chất đạo đức, gây mất uy tín ở cơ quan và địa phương, dẫn đến vi phạm kỷ luật phải xử lý thôi việc.
Một số cán bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác hành chính, không phát huy những kiến thức được đào tạo nên chưa thật sự nắm bắt tình hình ở cơ sở, dẫn đến việc không phát huy được năng lực, không phù hợp và đã xin thôi việc.
Nhiều người tuy thích nghi với môi trường công tác nhưng chưa thật sự có sức bật, cũng như do điều kiện công tác cán bộ tại địa phương nên đến nay chưa được bố trí vào vị trí chức danh như mục tiêu Đề án 89. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan từ cán bộ Đề án 89 và nguyên nhân khách quan từ các địa phương, nhưng phải khẳng định nguyên nhân chủ quan vẫn là chính.
Một số cấp ủy Đảng chưa tạo môi trường công tác thuận lợi, chưa bố trí công việc đúng với vị trí đào tạo để phát huy năng lực của người lao động, chưa tạo động lực mạnh mẽ để đội ngũ này yên tâm công tác, phát huy khả năng cống hiến cho địa phương. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong việc bố trí, sử dụng và quy hoạch đối với cán bộ Đề án.
Có địa phương vẫn chưa đổi mới tư duy về công tác cán bộ, không coi trọng cán bộ Đề án 89, cán bộ trẻ, cán bộ nữ nên không tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tiếp cận công việc, thậm chí có sự phân biệt số cán bộ này với cán bộ tại chỗ. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Đề án 89 và cơ quan sử dụng cán bộ Đề án 89 chưa thật sự chặt chẽ. Sự giao tiếp hai chiều giữa cán bộ thuộc Đề án 89 với lãnh đạo các cấp chưa tốt.
Mặt khác, một số cán bộ Đề án 89 sau khi được tiếp nhận bố trí công tác, do còn nhiều hạn chế nên hiệu quả công việc không cao, lại có tư tưởng ỷ lại, làm việc cầm chừng, không chịu khó nghiên cứu, học tập, sáng tạo, đổi mới công việc, còn thụ động, thiếu tâm huyết, thiếu khiêm tốn, tự cao chưa hòa đồng, hợp tác với đồng nghiệp, với môi trường công tác; thiếu cố gắng, nỗ lực trong công tác.
Tiếp tục tạo nguồn cán bộ trẻ các cấp
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nêu thực trạng đội ngũ cán bộ trẻ của thành phố vẫn chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu. Do đó, nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ trẻ các cấp vẫn đang là vấn đề cấp bách.
Về nhiệm vụ sắp đến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí giao ban thường vụ các quận/huyện ủy và Đảng ủy các phường/xã trực tiếp quản lý cán bộ Đề án 89 cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ này có cơ hội cống hiến và phát triển. Đối với Ban Tổ chức Thành ủy, cần tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy triển khai đúng tiến độ và có hiệu quả Đề án Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2025 và tạo nguồn cán bộ chủ chốt thành phố cho những năm đến.
Theo đó, Ban Tổ chức Thành ủy gửi công văn đến các Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và tương đương, bí thư các quận ủy, huyện ủy và tương đương, chủ tịch UBND quận, huyện đề nghị tiến cử cán bộ công tác ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình hoặc trên địa bàn thành phố nói chung. Từ những cán bộ đã được tiến cử, tiến hành thu thập thông tin, lấy ý kiến tham khảo của tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đang công tác, sinh hoạt đánh giá, phân loại để đào tạo, bồi dưỡng định hướng phát triển.
Trên cơ sở đánh giá cán bộ, xem xét và đề nghị đưa ra khỏi Đề án 89 những cán bộ không có triển vọng phát triển, thiếu tinh thần cầu tiến hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ thử thách được giao, đồng thời chọn lựa, bổ sung cán bộ khác thay thế; mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng mềm cho cán bộ tham gia đề án.
Sau mỗi khóa bồi dưỡng, mỗi cán bộ phải viết bài thu hoạch, nêu ý tưởng khi được giao nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị; chủ động xây dựng kế hoạch ưu tiên cử cán bộ trong Đề án 89 tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước. Sau khi cán bộ trẻ được bồi dưỡng, đào tạo, cơ quan quản lý cán bộ tiếp tục đánh giá quá trình tham gia đề án và đề xuất bổ sung cán bộ vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng chức danh theo quy hoạch.
Ngoài ra, tạo điều kiện cho cán bộ được rèn luyện, thử thách, tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn, kết hợp với công tác luân chuyển, bố trí cán bộ. Thời gian thử thách tích lũy kinh nghiệm ít nhất 3 năm trở lên; chọn những địa phương, đơn vị khó khăn, có những vấn đề nổi cộm, lĩnh vực phức tạp để thử thách; tăng cường tổ chức cho cán bộ tham gia đề án và cán bộ trẻ đủ điều kiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực chuyên môn theo quy định của Trung ương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cũng yêu cầu: “Cán bộ đã trưởng thành từ Đề án 89 phải tiếp tục khẳng định mình, nỗ lực hơn nữa, thành công hơn nữa để được bố trí vào các vị trí cán bộ chủ chốt cấp quận, huyện và cao hơn”.
Qua khảo sát thực tế, 81% cán bộ Đề án 89 cảm thấy hài lòng với môi trường công tác hiện nay (về trang thiết bị phục vụ công việc, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự giúp đỡ phối hợp của đồng nghiệp, được cơ quan, đơn vị lắng nghe, giải quyết ý kiến, ghi nhận trình độ chuyên môn, năng lực công tác…); 67% cán bộ Đề án 89 đánh giá được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo; 71% cán bộ Đề án 89 đánh giá công việc hiện nay phù hợp với năng lực và sở trường công tác; 89% cán bộ Đề án 89 tự đánh giá đã thích ứng với công việc, phát huy được chuyên môn và năng lực công tác; 83% cán bộ lãnh đạo tại các quận/huyện và phường/xã đánh giá cao cán bộ Đề án 89 về việc phát huy tốt chuyên môn và năng lực công tác. |
Tính đến tháng 6-2017, tổng số cán bộ thuộc Đề án 89 hiện đang công tác tại các địa phương, đơn vị là 126 người (80 nam và 46 nữ); có 93 cán bộ được bầu vào cấp ủy phường/xã; trong đó, 6 đồng chí được bầu vào ban chấp hành đảng bộ quận, huyện. Tổng số cán bộ được bầu, bổ nhiệm các chức danh chuyên trách gồm 81 người; chức danh công chức: 24 người; không chuyên trách: 19 người; công chức kiêm không chuyên trách: 2 người; 16 người trúng cử HĐND quận, 87 người trúng cử HĐND phường. Hầu hết các cán bộ đã phát huy năng lực, kiến thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, đã có 123/126 cán bộ Đề án 89 được kết nạp Đảng (chiếm 97,62%). |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí: Đề án 89 tạo đột phá Sau khi chia tách đơn vị hành chính, thành phố đã có nhiều giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ phường, xã nhưng chưa tạo được đột phá. Nếu năm 2008 chúng ta không có Đề án 89, bây giờ thành phố khó khăn như thế nào? Đề án 89 quá mạnh mẽ, rất đột phá về nhận thức, về công tác chỉ đạo nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, tạo nguồn cho các chức danh bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã. Lần đầu tiên trong văn bản chỉ đạo tuyển chọn để đào tạo nguồn chức danh bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã có tiêu chí về ngoại hình và tiêu chí không nhất thiết phải là đảng viên. Nếu cứ đưa ra tiêu chí cứng là đảng viên thì sự lựa chọn hẹp hơn và đóng cửa đối với nhiều người tài. Đột phá mạnh mẽ chính ở chỗ này. Điều dễ nhận thấy nhất về sự thành công của Đề án 89 là góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ở phường, xã; khắc phục sự hẫng hụt cán bộ; làm thay đổi, chuyển biến tích cực việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của phường, xã. Đa số học viên Đề án 89 phát huy năng lực, kiến thức được đào tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt ở phường, xã. Tính đến tháng 6-2017, tổng số cán bộ thuộc Đề án 89 đang công tác tại các địa phương, đơn vị là 126 đồng chí. Trong đó, trên 56% đã được bố trí giữ chức vụ chủ chốt cấp phường, xã. Xét về mục tiêu đào tạo, tỷ lệ này đã khẳng định sự thành công của Đề án 89. |
S.TRUNG