Giấu ảnh Bác Hồ trong ống tre, làm tấm băng mừng sinh nhật Bác ngay tại nhà, truy điệu Bác trong vùng địch hay đọc thơ khóc Bác giữa nhà tù là muôn vàn cảm động về lòng dân Khu 5 hướng đến Bác Hồ kính yêu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Người dân xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam kể chuyện để tang Bác Hồ trong vùng địch. |
Ở Kỳ Xuân - nay là xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có bà Đặng Thị Ngận (tức bà Kiểm), giấu ảnh Bác Hồ trong nhà suốt 10 năm giữa lòng địch. Kỷ vật ấy có được là do người con trai của mẹ, anh Nguyễn Như Lâm (tức Nguyễn Đình Thọ) mang về. Năm 1965, là cán bộ xã đội lên chiến khu học 20 ngày về cách đánh Mỹ, đạt thành tích xuất sắc, anh Lâm được cấp trên tặng thưởng tấm ảnh Bác Hồ. Hơn nửa năm sau thì anh hy sinh trong một trận chiến đấu, để lại trong lòng người mẹ nỗi đau đớn khôn nguôi. Bà chỉ biết giữ thật kỹ kỷ vật con để lại. Nhà ở sát đồn Kỳ Xuân, bọn địch lùng sục như cơm bữa. Bà nghĩ cách cuốn tấm ảnh vào chiếc ống tre rồi để trên giàn bếp. Nhiều lần địch lục soát nhưng khi nhìn ống tre, chúng cứ nghĩ là đồ dùng đựng hạt giống nên không để ý. Hai lần bị đốt nhà, tài sản bị mất hết nhưng chiếc ống tre vẫn theo bên bà Kiểm. Sau này, tấm ảnh và chiếc ống tre đã được bà tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5.
Cũng ở bảo tàng này, hiện có tấm băng dài được làm trong lòng địch của ông Phan Hùng Dũng ở xóm Cận Sơn 2, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ông mất năm 2009, nhưng người vợ ông, bà Nguyễn Thị Tám vẫn nhớ như in những gì liên quan đến chồng mình, đặc biệt tấm băng khẩu hiệu mừng sinh nhật Bác Hồ tồn tại trong gia đình nhiều năm. Làm nghề xích lô, sau chạy xe lam nuôi vợ con, giữa hang ổ của giặc, nhưng trái tim ông luôn hướng về cách mạng và Bác Hồ. Tấm ảnh Bác mang theo từ hồi còn ở quê Bình Định, ông cất giữ cẩn thận. Đầu tháng 9-1969, qua chiếc ra-di-o bé xíu nghe Bác Hồ vừa từ trần, cả nhà ông Dũng thương tiếc, buồn bã vô cùng. Ông nói với vợ: “Mai mẹ thằng Tẹo mua cho tôi hoa chuối, bánh trái để tôi cúng Bác”. Mấy ngày liền bàn thờ nhà ông nghi ngút khói hương và phải nói dối với hàng xóm là cúng để mấy đứa nhỏ bớt bệnh.
Sau năm 1969, ông Dũng không nguôi nhớ tới Bác Hồ. Ông bàn với vợ mua tấm vải sô màu vàng nhạt dài hơn mét rưỡi, bề ngang chừng 3 tấc, về làm phông, rồi mua sơn đỏ, sơn xanh về hì hục viết lên đó câu khẩu hiệu: “Mừng sinh nhật Bác Hồ 19-5-1890”. Ông có hoa tay nên viết rất đẹp. Hằng năm đến ngày 19-5, vào buổi tối, cả nhà mang tấm ảnh Bác, băng khẩu hiệu đặt trang trọng trên bàn thờ và thắp hương cúng lạy, tưởng nhớ đến Người, sau đó lại mang vào cất kỹ. Đến ngày 2-4-1975, giải phóng Nha Trang, ông mừng lắm, đem băng khẩu hiệu, dán ảnh Bác Hồ căng lên làm thành cổng chào. Cả xóm kéo đến ngạc nhiên và mừng rỡ.
Tấm ảnh Bác Hồ của bà Kiểm và ống tre được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5. |
Để tang Bác công khai với lý lẽ của người dân Cộng sản nòi, đó là chuyện ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Ông Nguyễn Tim ở thôn 2, nhớ lại cái ngày cả xã bàng hoàng nghe tin Bác Hồ mất: “Sáng ngày 4-9-1969, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc thông báo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin Bác Hồ ra đi. Cả Bình Dương chìm trong tiếc thương vô hạn. Lúc này xã đã được giải phóng nhưng bọn địch từ các đồn bốt xung quanh vẫn thường xuyên kéo xuống càn. Nhưng từ trẻ đến già không ai sợ chúng. Xã tổ chức lễ truy điệu, lập bàn thờ Bác ngay tại nhà ông nội tôi là Nguyễn Cồn. Ảnh Bác được đặt trang trọng chính giữa. Cán bộ và nhân dân đến dự lễ, thắp hương rất đông, ai cũng ghim trên ngực tấm băng tang đen”. Buổi lễ hôm ấy đến nay vẫn còn nhiều người nhớ. Đồng chí Bí thư xã đọc điếu văn có đoạn: “Tiếc thương Người, nhân dân Bình Dương nguyện quyết tâm bám giữ đất làng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; kẻ thù càng hung ác, chúng ta càng kiên quyết giữ vững vùng giải phóng”. Sáng hôm sau, bọn địch trên thị trấn Hà Lam kéo xuống hỏi, nhân dân đều nói: “Bác Hồ là Thánh, là Phật, cả nước này ai mà không để tang”. Các mẹ, các chị đi chợ Trà Đỏa, chợ Được đều mua hương đèn, nhà nào cũng lập bàn thờ Bác. Bọn địch đóng ở đồi Tương, Phường Củi lục soát, hỏi thì các mẹ thản nhiên trả lời: “Chúng tôi mua để cúng Bác Hồ. Các ông cũng nên thờ để Bác ban phước lành cho”. Bọn chúng cứng họng, không hỏi thêm điều gì. Ở Bình Dương còn có ông Phan Ngư ở thôn 3; một hôm thấy bộ đội đọc cuốn sách có hình Bác Hồ, ông xin tấm ảnh và dán ngay lên chỗ trang trọng nhất của bàn thờ. Cuối tháng 7-1965, địch mở trận càn. Đến nhà ông Ngư, thấy ảnh Bác, chúng bắt ông đi. Đồng bào nghe tiếng ông hô cứu viện, chạy đến rất đông. Sợ dân biểu tình, bọn chúng đành thả ông ra.
Đêm 3-9-1970, cả nhà lao Côn Sơn tĩnh mịch trước giờ ngủ, thì anh Nguyễn Văn Trúc (tù chính trị, quê Phú Yên), người ở phòng giam 6, đọc lên những câu thơ:
“Trong ngục thất vừa nghe tin Bác mất
Lòng quặn đau nước mắt chứa chan
Còn đâu nữa người Cha già yêu quý
Đảo Côn Sơn uy nghi hùng vĩ
Đang đau buồn ủ rũ đứng chịu tang
Ngoài trùng dương từng lớp sóng bàng hoàng
Đầu trắng xóa giống những vành khăn chế...”.
“Bài thơ là tiếng lòng, là nỗi đau thương của anh em tù nhân khi nghe tin Bác mất. Không ai bảo ai, anh em trong tù đều dành phút mặc niệm thành kính, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với Bác. Dù chưa một lần gặp Bác, song những vần thơ tha thiết trong đêm thu năm ấy đã lay động trái tim mọi người. Ai nấy đều tâm nguyện và cố gắng học thuộc ngay bài thơ ấy. Vì vậy, bài thơ được nhanh chóng truyền nhau rất nhanh. Người này đọc, người kia nghe, họ truyền tai bài thơ, cũng truyền cho nhau tình đồng chí, đồng đội cùng chung chí hướng cách mạng...
Và cứ thế, hằng năm, cứ vào dịp sinh nhật Bác Hồ, hay lễ Quốc khánh (2-9), tất cả anh em ở các phòng giam đồng loạt đeo băng tang bên ngực trái, xếp hàng ngồi quay về phương Bắc dành phút mặc niệm Bác. Những giây phút ấy, các cựu tù chính trị lại đồng lòng, đặt niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn. Họ tin tưởng nước nhà nhất định sẽ được thống nhất, độc lập, tự do.
HỒNG VÂN