Gần 80 học sinh mồ côi, bất hạnh (chủ yếu ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam) được Trung tâm Từ thiện thuộc Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng đón về chăm lo ăn học chu đáo. Từ mái nhà nhân ái này, nhiều em sau đó thi đỗ đại học, có việc làm và cuộc sống ổn định.
Một lớp học thêm tại Trung tâm Từ thiện. |
Đến Trung tâm Từ thiện trên đường Thanh Huy 2 (quận Thanh Khê) vào một ngày cuối tháng 8, chúng tôi thấy các em đang rộn ràng chuẩn bị bước vào năm học mới. Các phòng ở, phòng sinh hoạt, khu vui chơi công cộng đều được sửa sang tươm tất. Em Lương Duy Thái Nguyên (23 tuổi) dáng người cao lớn, khỏe mạnh cho biết: Em ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), sau khi cha mẹ bị bệnh mất, em được đón về đây nuôi dưỡng và được tài trợ toàn bộ chi phí học tập, nhờ đó em tiếp tục học và tốt nghiệp Trường Cao đẳng Đức Trí. Năm nay em được tuyển vào Trường Đại học Thể dục - Thể thao. Trong niềm vui vừa đoạt thủ khoa tại hội thi thăng cấp môn võ Vovinam khu vực miền Trung, Thái Nguyên tâm sự: Các cán bộ, nhân viên nơi đây rất thương chúng em, vừa lo cho tụi em ăn học chu đáo, vừa tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao và vui chơi giải trí.
Còn em Nguyễn Đình Khải (20 tuổi, quê xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đang học năm thứ 3 khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) bộc bạch: “Từ ngày vào Trung tâm, em mới có đủ điều kiện học tập, thi học kỳ vừa qua các môn đều đạt khá và giỏi”. Bố bị bệnh mất từ khi Khải mới học lớp 8, một mình mẹ tảo tần làm nông nuôi hai con ăn học, gia đình triền miên thiếu trước hụt sau. “Ở trung tâm này, chúng em luôn quan tâm hỗ trợ nhau về học tập, riêng em được ban giám đốc phân công dạy kèm một em lớp 11”, Khải chia sẻ.
Trung tâm Từ thiện do Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố vận động Tổ chức Trả lại Tuổi Thơ (Hoa Kỳ) tài trợ. Các em tiểu học được bảo mẫu đưa đón mỗi ngày, từ lớp 6 trở lên các em được trang bị xe đạp để làm phương tiện đi lại. Ngoài học ở trường, các em còn được học thêm 5 môn tại Trung tâm gồm Toán, Lý, Hóa, Anh văn và Tin học. Lãnh đạo Trung tâm phân công những em học khá, giỏi dạy kèm những em học trung bình và yếu; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, sinh hoạt tập thể. Cùng với đó, các em được học nhiều kỹ năng mềm như văn hóa giao tiếp, ứng xử, kỹ năng công tác xã hội. “Chúng tôi luôn chăm lo xây dựng Trung tâm thành một mái nhà chung thắm tình nhân ái, nhằm giúp các em vượt qua mặc cảm thân phận, phấn đấu vươn lên, vững bước vào đời”, Giám đốc Trung tâm Đặng Hữu Bảo chia sẻ.
Khi mới vào Trung tâm, nhiều em có học lực rất kém, nhưng sau một thời gian được kèm cặp, kết quả học tập của các em đều cải thiện. Tổng kết năm học 2016-2017, toàn Trung tâm không còn em nào học kém, tỷ lệ khá, giỏi đều tăng so với năm trước. Điển hình như em Phạm Thị Ngọc, sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đoạt điểm giỏi hầu hết các môn. Hay như em Đoàn Thị Bình Vui, đang học lớp 8 tại Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, học giỏi đều các môn và nhiệt tình tham gia phong trào văn thể mỹ, cuối năm đạt học sinh giỏi toàn diện… Anh Trần Thanh Quý ngày nào mái nhà chung này còn là đứa trẻ mồ côi, bây giờ đã trở thành nhân viên của một công ty trên địa bàn quận Hải Châu với mức thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng. Dù công việc bận rộn, Thanh Quý vẫn thường xuyên về thăm Trung tâm với bao tình cảm sâu nặng. “Dẫu cuộc sống thay đổi thế nào, mình vẫn không bao giờ quên mái ấm nhân đạo này. Đây là nơi đã chắp cánh tương lai cho mình và nhiều bạn khác”, Thanh Quý bảy tỏ.
Trung tâm Từ thiện còn tổ chức dạy thêm miễn phí cho học sinh ngoài cộng đồng. 153 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 học từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần do 4 giáo viên phụ trách. |
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM