Lịch sử được “trở về” qua câu chuyện kể của những nhân chứng sống, qua hiện vật trưng bày trong bảo tàng và những hoạt động tri ân, để từ đó hun đúc trong các bạn trẻ niềm trân trọng quá khứ đau thương nhưng hào hùng của dân tộc.
Đoàn viên thanh niên Đà Nẵng thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố. |
Vào một ngày giữa tháng 5, hơn 200 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Ngũ Hành Sơn) và hàng chục đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) của phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) tham gia buổi giao lưu do Hội Tù yêu nước địa phương tổ chức. Tại đây, các bạn đã được nghe 3 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong các nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc kể lại những câu chuyện của một thời hào hùng oanh liệt. Ông Lê Văn Thức (63 tuổi, phường Hòa Quý), một trong 3 nhân chứng lịch sử cho biết: Các em đặt khá nhiều câu hỏi cho chúng tôi về những hoạt động cách mạng trong tù, về việc làm sao tránh được sự dò xét của địch, chứng tỏ các em khá quan tâm tìm hiểu lịch sử dân tộc. Tại buổi giao lưu, ông Thức đã kể lại những câu chuyện trong hơn 4 năm ở tù tại Hội An và Côn Đảo. Nơi đó, chàng trai Lê Văn Thức cùng đồng đội không khai báo nửa lời mặc dù bị nhốt vào chuồng cọp, đối diện với cái đói, cái khát và những thủ đoạn tra tấn tinh vi của địch. “Em chưa một lần được ra Côn Đảo, nhưng qua lời kể của chú Thức, em đã biết thêm về nơi các chú, các bác đã chịu nhiều đau đớn, đấu tranh với địch để góp phần mang lại hòa bình ngày hôm nay. Khâm phục các chú nhiều hơn, em thấy mình càng phải cố gắng hơn nữa, học tập thật tốt và sống xứng đáng với thế hệ cha ông”, Nguyễn Thị Hồng, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm bộc bạch.
Không chỉ tổ chức giao lưu với nhân chứng sống, nhiều đơn vị, địa phương còn tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa như chương trình thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện Hòa Vang vào các tối 14 và ngày cuối tháng âm lịch. Tại đây, các đơn vị còn tổ chức kể những câu chuyện về các anh hùng liệt sĩ Lâm Quang Tiếu, Đặng Ngọ, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Thị Xuyến... nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu rõ những hy sinh của cha anh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trong khi đó, Quận Đoàn Hải Châu có nhiều cách làm thiết thực giáo dục truyền thống cho ĐVTN từ những việc làm cụ thể. Chỉ riêng trong dịp 27-7 vừa qua, ĐVTN địa phương đã đến tận nhà thăm hỏi, giúp đỡ và tặng 5 suất quà trị giá 5 triệu đồng cho các hộ gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Tự tay các ĐVTN còn sơn sửa nhà cho gia đình chính sách trên địa bàn quận với tổng kinh phí 56,9 triệu đồng; tổ chức dâng hương và dọn dẹp nghĩa trủng Hòa Vang, bia tưởng niệm với hơn 10 ngày công, xây dựng cột cờ và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng Bia tưởng niệm liệt sĩ Lê Độ trị giá 4,5 triệu đồng. “Đi, gặp gỡ và tiếp xúc với những người đã hy sinh xương máu cho đất nước, các bạn sẽ hiểu hơn về lịch sử, thấy được ý nghĩa việc mình làm”, Bí thư Quận Đoàn Hải Châu Nguyễn Mạnh Dũng nói.
Anh Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, đã có nhiều chương trình được các cấp cơ sở Đoàn tổ chức như: Thắp nến tri ân đồng loạt lúc 19 giờ ngày 26-7 hằng năm tại hơn 10.600 ngôi mộ liệt sĩ trên toàn thành phố; giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu”; chương trình nghệ thuật truyền hình trực tiếp “Tổ quốc nhìn từ biển”; tọa đàm “Trò chuyện cùng tuổi 20”... Ngoài ra, cũng có nhiều hoạt động đã được kết nối thành những đợt sinh hoạt chính trị như: “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, “Theo bước chân những người anh hùng”. Đồng thời, Thành Đoàn còn tổ chức các cuộc thi ảnh, phim ngắn, sáng tác ca khúc với chủ đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”... Anh Mẫn cho biết thêm, nhiều hoạt động quy mô lớn được tổ chức, tạo điểm nhấn và sức lan tỏa sâu rộng trong ĐVTN toàn thành phố, góp phần giáo dục truyền thống. Những ngọn lửa của lòng yêu nước lại tiếp tục được thắp lên từ đời này qua đời khác bằng những việc làm cụ thể.
Bài và ảnh: KIM NGÂN