Thông tin Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng có văn bản gửi Sở Xây dựng và UBND thành phố giải thể khu nuôi thú tồn tại hơn 30 năm qua tại Công viên 29-3 đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều từ người dân.
Nai được nhốt trong những chuồng sắt chật hẹp, nhếch nhác và có con ở thế hệ F5. Ảnh: PHAN CHUNG |
Nhếch nhác, nghèo nàn
Khu nuôi thú chiếm một diện tích khiêm tốn, khoảng 700m2 bên trong Công viên 29-3, hiện nuôi nhốt 24 cá thể thuộc 5 loài: nai, khỉ, cầy mực, cá sấu, trăn. Đây là số thú được Công ty Công viên - Cây xanh tiếp quản, chăm sóc hơn 30 năm qua. Anh Lê Xuân Linh, công nhân chăm sóc số thú trên trong suốt 11 năm chia sẻ, trước đây có thêm một số loài nữa như gấu, công, hoẵng nhưng do già yếu và bệnh tật nên 7 cá thể kia đã chết.
Theo phản ánh của lãnh đạo Công ty Công viên - Cây xanh, số thú này đang rơi vào tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, hoàn toàn không giống một vườn thú đúng nghĩa phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của người dân, du khách.
Số thú được nhốt trong những chuồng sắt chật hẹp, nhếch nhác. Tại khu nuôi nhốt 13 cá thể nai, công nhân phải dùng một lớp lưới bọc phía ngoài hàng rào để hạn chế du khách bẻ cây, hái hoa xung quanh cho nai ăn. Một số cá thể nai bị tật, gãy sừng và gầy ốm. “Trước đây, loài nai chỉ có 2 cá thể nhưng sau một thời gian chúng sinh sôi thành đàn như vậy. Cũng có một số con già yếu và bị chết”, anh Linh cho biết.
Ở khu nuôi nhốt phía đối diện, các cá thể khỉ cũng ủ rũ, không linh hoạt như bản tính vốn có. Thỉnh thoảng, một vài người dân mang ít trái cây, cơm cho khỉ ăn nhưng phản ứng của chúng rất chậm chạp, không lấy làm thích thú, hào hứng. Tương tự, cá thể cá sấu nằm phơi mình bất động bên hồ nước đã phủ rêu xanh, bốc mùi hôi…
Giải thể là hợp lý?!
Lý giải về tình trạng trên, một đại diện Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng (đề nghị giấu tên) cho biết, vườn thú tồn tại từ những ngày đầu thành lập công ty, vào năm 1982. Tuy nhiên, đến năm 2004, công ty tách ra thành Công ty Công viên và Công ty Cây xanh.
Khi đó, thành phố giao Công ty Công viên Đà Nẵng có nhiệm vụ “nuôi dưỡng, bảo vệ, khai thác các loại chim, thú, cá cảnh để phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của người dân”. Đến năm 2008, Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng có công văn về việc gây nuôi động vật hoang dã tại Công viên 29-3. Công văn nêu rõ, do hồ sơ động vật bị thất lạc nên trong thời gian chờ cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết, yêu cầu công ty tiếp tục nuôi số động vật này, không được mua bán, tặng cho, trao đổi chủ nuôi.
“Những loài động vật nuôi ở đây có con được mua tận Hà Nội, có con được người dân mang tặng… Hồi đó, công tác quản lý hồ sơ, giấy tờ chưa được chặt chẽ nên bị thất lạc hết. Bây chừ, những con vật tại đây đều không có hồ sơ. Tình trạng này dẫn đến “xuất” cũng không được, “nhập” cũng không xong. Vì thế, các loài động vật tại đây xảy ra tình trạng sinh sản cận huyết làm ảnh hưởng đến thể trạng vật nuôi.
Điển hình là loài nai hiện ở thế hệ F5, F6 nên èo uột, không khỏe mạnh. Hơn nữa, không được bổ sung thú mới trong suốt thời gian dài nên thú nuôi già, chết dần chết mòn”, đại diện Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng nói.
Vườn thú vẫn là nơi người dân địa phương và các vùng lân cận đưa con cái đến tham quan mỗi ngày. Ảnh: PHAN CHUNG |
Do đó, đầu tháng 8-2017, Công ty Công viên - Cây xanh có văn bản gửi Sở Xây dựng và UBND thành phố đề nghị di dời, chuyển giao 24 cá thể nói trên đến các đơn vị có chức năng để nuôi dưỡng, nhằm bảo đảm cho thú được sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Sau khi giải thể, công ty sẽ cải thiện địa điểm nuôi thú thành khu vực vườn hoa để tăng diện tích cây xanh và bảo đảm mỹ quan công viên.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Thanh Khê cho biết, UBND quận thống nhất đề xuất của Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng về việc giải thể vườn thú. Thứ nhất, vườn thú ở sát khu dân cư gây mùi hôi thối, ảnh hưởng môi trường sống của người dân.
Mặc dù Công ty Công viên - Cây xanh đã xây dựng cống thoát nước thải, lắp đặt hệ thống phun nước tự động và phân công 2 lao động chuyên chăm sóc thú, quét dọn vệ sinh hằng ngày tại đây nhưng chất thải vẫn gây ô nhiễm môi trường. Thứ hai, số lượng thú quá lèo tèo, việc chăm sóc, nuôi nấng không chuyên nghiệp, không ra dáng một vườn thú. “Chúng tôi ủng hộ giải thể vườn thú. Còn số phận những con thú sẽ về đâu, hướng giải quyết như thế nào thì các cấp, ngành liên quan cần cân nhắc cẩn thận”, ông Xuân ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Bình (tổ 15, phường Thạc Gián): Ủng hộ di dời Nhà tôi sát chuồng khỉ và nai, mùa nắng ít hôi nhưng mùa mưa chịu không nổi. Nhiều hộ trong hẻm này có người già, bệnh tật nên sức khỏe cũng bị ảnh hưởng do môi trường quanh đây không bảo đảm. Tôi ủng hộ việc di dời vườn thú để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Dũng (76 tuổi, đường Hải Phòng, quận Thanh Khê): Công viên cần có khu vực nuôi động vật Ngày nào tôi cũng tập thể dục tại công viên này và nhìn thấy người dân cùng các cháu nhỏ tham quan vườn thú khá đông. Tôi nghĩ công viên cần có khu vực nuôi động vật, đáp ứng nhu cầu tham quan của người dân. Dẹp bỏ vườn thú đi rồi, có khi con cháu mình chỉ con bò ra con nai chứ chẳng chơi. |
NGỌC HÀ – PHAN CHUNG