Đề nghị hợp nhất Luật An ninh mạng với Luật An toàn thông tin mạng

.

* Cần cụ thể hóa Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Sáng 13-10, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các chuyên gia về dự án Luật An ninh mạng nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật An ninh mạng có sự giao thoa lớn đến phạm vi điều chỉnh của các luật đã ban hành trước đây như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin… Do đó, hầu hết các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, xác định hợp lý phạm vi điều chỉnh, nội dung quy định tại Luật An ninh mạng và các luật khác có liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Trên cơ sở này, các đại biểu góp ý không nên phân tách thành hai bộ luật riêng là Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng vì khái niệm an ninh mạng đã bao gồm an toàn thông tin mạng; cần xây dựng một bộ luật chung về an ninh mạng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng giữa các bộ, ngành liên quan.

Đối với các điều khoản quy định về phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật không cần thiết phải quy định rõ về các văn bằng, chứng chỉ an ninh mạng, có thể tham khảo từ Luật Giáo dục để điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất làm rõ một số khái niệm, điều khoản còn mơ hồ, khó xác định trong dự án luật, như: giải thích từ ngữ “an ninh mạng”, “thông tin xuyên tạc”, “thông tin giả tạo”…; quy định rõ chính sách của Nhà nước về an ninh mạng; các biện pháp bảo vệ an ninh mạng; quy định về ý thức của công dân trong việc tham gia mạng và bảo vệ an ninh mạng. Đặc biệt, nên quy định nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong việc xác định và xử lý vi phạm thay vì chỉ tập trung cho Bộ Công an làm cơ quan đầu mối, quản lý Nhà nước về an ninh mạng.

Đoàn đại biểu QH đơn vị thành phố Đà Nẵng ghi nhận các góp ý và sẽ tổng hợp báo cáo Ban soạn thảo của QH, đồng thời có ý kiến tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV sắp tới.

QUỐC KHẢI

* Chiều cùng ngày, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Qua trao đổi, đa số đại biểu đồng tình Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước (BVBMNN) số 30/2000/PL-UBTVQH10 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác BVBMNN và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay. Do đó, việc ban hành Luật BVBMNN là yêu cầu khách quan và cấp thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác BVBMNN, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bên cạnh nhiều ý kiến đề nghị làm rõ một số thuật ngữ, các đại biểu còn góp ý một số nội dung như: quy định chặt chẽ hơn về các chủ thể trong danh mục BMNN ở Điều 10; cụ thể hóa phạm vi BMNN; thu hẹp hơn nữa thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu BMNN; bổ sung các biện pháp chế tài trong chương IV về “Quản lý Nhà nước về BVBMNN và trách nhiệm BVBMNN”; cần quy định số lần gia hạn thời hạn BVBMNN; nên có hội đồng giải mật để quyết định việc tiêu hủy BMNN…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.