Chính trị - Xã hội
Đi theo ánh lửa từ trái tim mình
Và Hồ Hải Học cũng như chúng ta xin ngàn lần cảm ơn mảnh đất và con người Quảng Nam-Đà Nẵng, cảm ơn tất cả những giá trị văn hóa đã được tạo dựng bồi đắp để ngày nay càng tìm hiểu phát huy, chúng ta càng thấy đó là nguồn sức mạnh vô tận.
Hồ Hải Học quê ở Đại Lộc (Quảng Nam) trong một danh gia vọng tộc. Ông nội anh và người em ruột của mình là nhà khoa bảng, là đại thần triều Nguyễn. Nhưng con cháu các vị quan lớn này đều tham gia cách mạng, có người là liệt sĩ.
Trong dòng chảy – hoàn cảnh đó, sau Hiệp định Genève, khi mới 12 tuổi, anh theo cha đi tập kết. Cũng như bao gia đình khác có người thân tập kết, mẹ anh vừa lo làm ăn, chờ chồng nuôi con, vừa tham gia hoạt động trong sự kìm kẹp, khủng bố tàn độc của kẻ thù, cơ hàn, vất vả, đau khổ không sao kể xiết.
Ở miền Bắc, anh như đi theo một con đường mơ ước, học trường học sinh miền Nam hết bậc phổ thông rồi được đưa đi du học ở Liên Xô. Khi Liên Xô bị dẫn dắt bởi chủ nghĩa xét lại, học một ngành khoa học xã hội, anh buộc phải giữa đường dừng bước.
Về nước, giữa những năm 1960, anh tham dự một khóa đào tạo phóng viên thông tấn xã chuẩn bị cho chiến trường miền Nam. Và chỉ sau đó ít lâu, anh lên đường vượt Trường Sơn về với quê hương. Với nhiều bạn bè cùng trang lứa, chặng đường này dường như đã lập trình trước. Và với anh, còn hơn cả sự tự nguyện.
Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến tặng hoa chúc mừng tác giả Hồ Hải Học (giữa) nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật năm 2012. Ảnh: V.N |
Tôi gặp Học lần đầu vào mùa hè 1967 khi ra Quảng Đà làm phóng viên thường trú của Báo Cờ Giải phóng (Khu ủy 5) và cùng công tác với Học… Thế mà đã 50 năm.
Lúc ấy Học là một cán bộ chủ chốt đa năng của Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà. Người cao to, cân phân, đẹp trai. Anh làm đủ việc, làm tin, viết báo, viết bài loa cho binh vận. Anh còn dạy tiếng Anh cho các em nhỏ để các em xáp vào Mỹ làm công tác binh vận. Đôi lúc báo thiếu chỉ một phần nhỏ của một cột, chúng tôi cùng sáng tác tập thể mấy câu ca dao để điền vào chỗ trống, Học luôn là người hưởng ứng có chất lượng. Là lực lượng trẻ khỏe (tuy có lúc cũng bị sốt rét hành dữ lắm), anh luôn ở bộ phận phía trước và luôn yêu cầu được đi đến những điểm nóng nhất của một chiến trường ác liệt bậc nhất.
Mặc dầu sau xuân Kỷ Dậu 1969, tôi mới được chính thức phân công về Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà; nhưng thời gian trước đó, giữa tôi và Học cũng như các đồng chí ở Quảng Đà không có gì phân biệt. Chúng tôi như những người cùng một cơ quan, như đồng đội một đơn vị, sinh tử cùng nhau và thương nhau như ruột thịt.
Với mọi anh em trong ban cũng thế, từ một chú công vụ vừa rút ở vùng sâu lên đến mấy anh sinh viên của phong trào đô thị trở lại đội ngũ sau khi ta giải phóng Nhà lao Thừa Phủ như Hồ Duy Lệ, Vũ Thành Lê... Học cùng tôi và anh em lo mọi việc cơ quan, nhất là sau khi người phụ trách - đồng chí Nguyễn Văn Anh hy sinh.
Học đâu có sống nhiều với mẹ và gia đình. 12 tuổi anh đã ra Bắc, nhưng anh có văn hóa ẩm thực tinh tế. Anh có sáng kiến làm món bầu khô. Khi ấy ở Gò Nổi, vùng trắng dân bị cày đi ủi lại, giữa những vườn hoang có rất nhiều dây bầu xanh tốt với nhiều trái rất to. Tất nhiên những trái bầu ấy và cả rau dền mọc trong hố bom đều là thực phẩm của chúng tôi. Nhưng ăn sao cho hết. Học bàn anh em thái nhỏ và phơi khô để ăn dần, chúng tôi có cả bao lớn bầu khô. Những lát bầu khô vàng ruộm đem dầm nước mắm có một chút đường và một chút gừng cũng rất sẵn ở Gò Nổi là đặc sản của chúng tôi những ngày rúc bói trụ bám.
Mùa hè 1972, Học ra công tác với quận Nhất Đà Nẵng ở phía bắc sông Thu Bồn. Đêm 21-5, cơ quan Tuyên huấn bị trúng một loạt bom B52, 10 đồng chí hy sinh, 5 người trong 1 hang đá bị những khối đá lớn chồng chất không thể lấy được thi thể (mãi đến 40 năm sau, nhờ sự giúp đỡ tận tình của lực lượng quân sự và đồng bào địa phương với quyết tâm của những đồng đội, ngôi mộ 5 đồng chí đó mới được khai quật và chỉ còn 1 ít xương vụn), 5 đồng chí còn được thi thể, xếp bên nhau như cá chuồn sắp lớp, hầu như ai cũng nguyên vẹn, không có vết thương thực thể, hy sinh do sức ép của bom. Đau thương tổn thất như là không thể chịu nổi. Sau đó, Học nói với tôi, đêm ấy ở Điện Phước nhìn về Hòn Tàu nghe tiếng bom nổ rền và những quầng sáng, anh có linh cảm là cơ quan mình bị trúng B52, sáng hôm sau anh thu xếp về ngay. Tôi nói cho anh biết đêm ấy tôi băng rừng lên cơ quan thường vụ gặp Bí thư Hồ Nghinh, báo cáo với anh về tổn thất ghê gớm và xin thường vụ chi viện lực lượng để khắc phục hậu quả. Anh có hỏi tôi “Học đâu?” và bảo tôi nhắn Học về gấp, sắp tới công việc sẽ rất nhiều. Lúc này đang diễn ra 81 ngày khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị. Các chiến trường - trong đó có Quảng Đà, phải đẩy mạnh tấn công trên tất cả các mũi, các vùng, để cùng với Quảng Trị tạo sức ép cho hòa đàm Paris.
Sau ngày hòa bình, Hồ Hải Học được giao nhiều trọng trách quản lý các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, như một sự tiếp nối những gì anh đã làm và còn nhiều ấp ủ từ những ngày chiến tranh.
Là người có kiến thức cơ bản vững vàng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, có trải nghiệm vốn sống qua những ngày tháng ở tuyến lửa, có tố chất người hoạt động nghệ thuật sáng tạo, tinh tế và cởi mở, không xơ cứng, máy móc, biết giữ cái riêng của mình và tôn trọng cái riêng của người khác, anh đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật ở Quảng Nam-Đà Nẵng và TP. Đà Nẵng.
Phải nói là hoạt động văn hóa nghệ thuật trước thời đổi mới quả là thiên nan vạn nan. Không chỉ vì nó rất phong phú, phức tạp, nhạy cảm mà vì còn tư duy bảo thủ, cơ chế bao cấp và bệnh duy ý chí. May mắn thay cho anh và những cộng sự là ở Quảng Nam-Đà Nẵng có những nhà lãnh đạo không chỉ biết chiêu hiền đãi sĩ mà còn dành cho lĩnh vực này và những người hoạt động trên lĩnh vực ấy sự tôn trọng, cởi mở, tin cậy.
Và Hồ Hải Học cũng như chúng ta xin ngàn lần cảm ơn mảnh đất và con người Quảng Nam-Đà Nẵng, cảm ơn tất cả những giá trị văn hóa đã được tạo dựng bồi đắp để ngày nay càng tìm hiểu phát huy, chúng ta càng thấy đó là nguồn sức mạnh vô tận.
Bây giờ chúng ta nói nhiều (và cả tự hào nữa) về “Thành phố đáng sống”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an”. Có lẽ chúng ta nên hiểu rằng, những giá trị ấy từ sâu thẳm có sự đóng góp của những hoạt động văn hóa nghệ thuật thời hàn gắn vết thương chiến tranh, thời bao cấp và những năm đổi mới mà Hồ Hải Học đã khiêm nhường, thầm lặng, bền bỉ dâng hiến.
Sẽ là thiếu sót nếu không nói về những sáng tác của Hồ Hải Học. Đây có lẽ là những gì anh ấp ủ nhiều nhất, anh gửi gắm biết bao hy vọng.
Anh viết kịch bản sân khấu, nhiều vở đã được các đoàn nghệ thuật dàn dựng và có tiếng vang. Kịch bản Nỗi đau hạnh phúc được giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Anh cũng viết tiểu thuyết. Khắc khoải là tiểu thuyết đầu tay của anh được giải thưởng của UBND TP. Đà Nẵng. Nhà văn Nguyên Ngọc có nhận xét” “Khắc khoải viết về hiện thực chiến tranh ở Quảng Nam-Đà Nẵng rất sinh động và nhiều chỗ độc đáo. Rõ ràng không phải người đã từng tự mình trải qua ở chiến trường thì rất khó lòng viết được như vậy”. Những trang viết, những đứa con tinh thần của anh được giải thưởng Nhà nước và những thành công sáng đẹp hơn còn đang hứa hẹn ở phía trước.
Đã lâu rồi tôi biết Học mang nhiều bệnh nặng, sức khỏe hạn chế. Gần đây được tin anh phải chạy thận. Khi xảy ra sự cố chạy thận ở Bệnh viện Hòa Bình, tôi điện thoại hỏi thăm và nhắc khéo anh cẩn trọng. Anh cười lạc quan “mình mỗi tuần chạy 2 lần, mọi việc thấy bình thường, có thể nói là tốt đẹp”.
Thế mà hôm nay anh đã ra đi.
Tôi biết anh không chỉ trăn trở về sức khỏe mà anh lực bất tòng tâm, anh còn nhiều điều chưa vừa lòng. Mà làm sao có thể vừa lòng với mọi thứ ở cõi đời này.
Học ơi! Chỉ riêng chuyện cách đây nửa thế kỷ, một chàng trai đất Quảng 25, 26 tuổi đã vượt Trường Sơn về với quê hương tuyến lửa trong những ngày mảnh đất này đối mặt với những thử thách dữ dội, sống còn. Hành trình “đi theo ánh lửa từ trái tim mình” ấy đủ để Học ở thế giới bên kia có thể nhìn lại cuộc đời mình, hoàn toàn thanh thản.
NGUYỄN ĐÌNH AN