Chính trị - Xã hội

Đột phá xây dựng chính quyền điện tử

08:30, 09/10/2017 (GMT+7)

LTS: Những năm qua, mô hình chính quyền điện tử của Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Mô hình này cũng đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhân rộng ra các địa phương và Bộ, ngành, cơ quan trong cả nước tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3-1-2015. Để có được thành quả này, Đà Nẵng đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trên 5 phương diện: hạ tầng, ứng dụng, nhân lực, cơ chế chính sách và truyền thông, sẵn sàng để xây dựng thành phố thông minh.

Bài 1:Hạ tầng công nghệ thông tin đi trước

Xác định hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) là nền tảng quan trọng, thiết yếu trong việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) nên những năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực hình thành hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, bảo đảm an toàn thông tin và khắc phục tính chất manh mún từ thưở ban đầu khi bắt tay xây dựng CQĐT.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực thiết lập hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm an toàn thông tin.  Trong ảnh: Người dân liên hệ giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu). Ảnh: TRÂM ANH
Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực thiết lập hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm an toàn thông tin. Trong ảnh: Người dân liên hệ giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu). Ảnh: TRÂM ANH

Đầu tư đúng, hiệu quả cao

Một buổi sáng thứ hai, tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính (một cửa) của UBND quận Hải Châu, đông đúc người dân đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Không khí làm việc mặc dù khẩn trương nhưng vẫn nghiêm túc, trật tự, nền nếp. Đến đăng ký thế chấp tài sản cho khách hàng, anh Nguyễn Minh Dục (SN 1988, phường Bình Thuận) chia sẻ:

“Công việc của tôi thường xuyên phải đến bộ phận “một cửa” của UBND quận Hải Châu để giải quyết TTHC. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ rơi vào trường hợp khó chịu khi phải chen lấn hoặc tỵ nạnh xem ai đến trước, ai đến sau vì đã có chiếc máy lấy số thứ tự được bố trí gần cửa ra vào ở bộ phận “một cửa”. Đến số của ai thì người nấy vào làm, không còn lộn xộn như trước”.

Chị Nguyễn Viết Hạ Linh, cán bộ bộ phận “một cửa” UBND quận Hải Châu, cho biết: “Tại bộ phận “một cửa” này, lượt công dân liên hệ làm việc mỗi ngày đều rất đông. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ tích cực của các thiết bị CNTT, chúng tôi có thể xử lý hồ sơ của công dân một cách khoa học, bảo đảm thời gian quy định. Trước đây, cán bộ phường phải đi lại để chuyển hồ sơ về quận, còn bây giờ, nhờ máy scan, máy tính, mạng nội bộ…, việc chuyển hồ sơ chỉ mất vài phút với các thao tác đơn giản trên máy tính”.

Theo ông Dương Văn Vân, Trưởng phòng Nội vụ quận Hải Châu, thời gian qua, quận Hải Châu đã trang bị nhiều thiết bị nhằm hỗ trợ xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ quận đến phòng, ngành và cấp phường như: máy scan, camera, máy tính bảng, hạ tầng mạng LAN, hệ thống xếp hàng tự động…; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến liên hệ giải quyết TTHC. Năm 2017, quận dự kiến đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng để xây dựng CQĐT; trong đó, kinh phí đầu tư phần cứng là 2,679 tỷ đồng, chiếm hơn 76% tổng kinh phí.

Trong khi đó, nhờ thành phố đẩy mạnh triển khai đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử mà tỷ lệ hồ sơ đăng ký theo hình thức này gia tăng đáng kể vào năm 2016 với 2.088 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 19,9% tổng số hồ sơ doanh nghiệp, vượt 5% so với yêu cầu tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ.

Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của việc quan tâm đầu tư về hạ tầng CNTT của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố. Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị đã phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp quốc gia nhằm bảo đảm tính an ninh, an toàn và bảo mật của hệ thống; đồng thời, cử 1 chuyên viên văn phòng Sở phụ trách mảng CNTT để hỗ trợ xử lý trực tiếp sự cố nhằm bảo đảm cho hệ thống được thông suốt phục vụ chuyên môn; chuẩn hóa và số hóa hồ sơ; chuyển đổi, hiệu đính dữ liệu doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp…

Biểu đồ “Mức độ đáp ứng của hạ tầng CNTT so với yêu cầu của Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2012 đến năm 2016 (Yêu cầu của Bộ tiêu chí năm sau luôn cao hơn so với năm trước).
Biểu đồ “Mức độ đáp ứng của hạ tầng CNTT so với yêu cầu của Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2012 đến năm 2016 (Yêu cầu của Bộ tiêu chí năm sau luôn cao hơn so với năm trước).

Phát triển hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại

Để đạt được những thành quả trên là cả chặng đường 17 năm thành phố đối mặt với nhiều khó khăn chất chồng. Theo đánh giá của thành phố, từ những năm cuối của thập niên 1980 cho đến đầu năm 2000, lĩnh vực CNTT ở Đà Nẵng còn khá sơ khai. Vào năm 2000, Đà Nẵng chưa có doanh nghiệp về tin học nào đạt quy mô nhân lực vượt tầm vài chục người; hạ tầng, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; việc ứng dụng CNTT để phục vụ kinh tế-xã hội chưa có gì đáng kể; chưa có chủ trương và đầu tư gì để làm cơ sở cho việc thu hút nhân lực cũng như khuyến khích ứng dụng và phát triển CNTT.

 Từ thực tế đó, năm 2000, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về một số chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm và đây được xem là cột mốc đầu tiên của thành phố trong quá trình xây dựng, phát triển và đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Tuy quyết tâm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT nhưng với khả năng của mình, đến tháng 6-2005, tổng số lượng máy tính cá nhân tại các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn thành phố chỉ dừng lại ở con số ước tính từ 1.200-1.500 máy, tính bình quân là khoảng 1,5-2 người sử dụng 1 máy tính cá nhân.

Dù vậy, khó khăn về kinh phí không khiến lãnh đạo thành phố nản lòng và bỏ cuộc. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án CNTT và truyền thông (TT), nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố cho biết, được sự chấp thuận của Ngân hàng Thế giới, năm 2006, Đà Nẵng chính thức khởi động Dự án Phát triển CNTT&TT tại Việt Nam - Tiểu dự án TP. Đà Nẵng.

Có được sự tài trợ ODA từ Ngân hàng Thế giới với kinh phí hơn 27 triệu USD (cho cả dự án từ năm 2006 đến 2013), Đà Nẵng bớt một phần lo lắng về kinh phí và lập tức triển khai xây dựng CQĐT. Từ năm 2009, Đà Nẵng bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng CNTT, gồm: Mạng đô thị, Trung tâm dữ liệu, hệ thống kết nối không dây, Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu ứng dụng Công nghệ thông tin.

Trên thực tế, dự án về CQĐT tại thời điểm đó vẫn còn mới mẻ, xa lạ với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Vì vậy, quá trình triển khai xây dựng hạ tầng CNTT của thành phố trong thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tìm kiếm đội ngũ nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm để điều hành dự án.

Cùng với đó, các chuyên gia quốc tế được mời tư vấn cho dự án chưa thông hiểu về những điều kiện của Việt Nam nên đôi khi đưa ra các đề xuất chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương; sự phối hợp của các cơ quan thụ hưởng vẫn còn rời rạc do không có cán bộ chuyên trách CNTT tại chỗ…

Để tháo gỡ những trở ngại, chính quyền thành phố đã quyết tâm huy động toàn bộ nguồn lực của địa phương. Theo đó, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại chỗ tham gia vào quá trình xây dựng các phần mềm ngay từ đầu. Điều này mang lại những hiệu quả tích cực, như: dễ dàng tùy biến, cải tiến, nâng cấp các phần mềm mà không phải lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài; các doanh nghiệp ở địa phương góp phần quan trọng trong quá trình hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng tiếp nhận và sử dụng; tiết kiệm chi phí…

Bên cạnh đó, năm 2006, Trung tâm CNTT và TT Đà Nẵng (DNICT) được thành lập với “sứ mệnh” chính là hỗ trợ và thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT của thành phố Đà Nẵng trong tiến trình hướng đến CQĐT.  

Từ những nỗ lực này, đến tháng 8-2013, các hạng mục này hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng. Mạng đô thị thành phố (MAN) với chiều dài gần 300km cáp quang, băng thông mạng trục đạt tốc độ 20Gbps đã kết nối 95 cơ quan Nhà nước, từ UBND thành phố đến các sở, ban, ngành, quận/huyện, phường/xã, các đơn vị sự nghiệp, Khu công viên phần mềm, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng với các cơ quan Đảng qua đầu mối Văn phòng Thành ủy.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường năng lực lưu trữ, xử lý, Đà Nẵng đã xây dựng Trung tâm dữ liệu với dung lượng lưu trữ đến 100TB phục vụ cho việc cung cấp các máy chủ, lưu trữ dữ liệu, thực hiện các dịch vụ quản lý tên miền; lưu ký các ứng dụng dùng chung cho các cơ quan Nhà nước của thành phố.

“Nếu trước đây, hạ tầng CNTT của Đà Nẵng mang tính chất manh mún, thông tin có tính chất cát cứ (dữ liệu của ai thì người đó biết) thì đến nay, Đà Nẵng đã thiết lập một trung tâm dữ liệu bảo đảm các tiêu chuẩn tốt nhất về an toàn an ninh thông tin của toàn bộ hệ thống thông tin của CQĐT. Cùng với mạng MAN, việc kết nối và trao đổi thông tin giữa nội bộ của các cơ quan Nhà nước cũng như giữa tổ chức, công dân với các cơ quan Nhà nước luôn bảo đảm sự nhanh chóng, công khai, minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm...”, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh nhận định.

Song song đó, Đà Nẵng còn nỗ lực triển khai các thiết bị CNTT đầu cuối; bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được trang bị máy tính; 100% mạng cục bộ của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện được kết nối vào mạng MAN; truy cập Internet tốc độ cao và trang bị đầy đủ máy in, máy quét, máy chiếu, điện thoại truyền hình (video phone), màn hình cảm ứng tra cứu… để phục vụ cho hoạt động công vụ.

Để bảo đảm việc kết nối thông tin thuận tiện cho người dân và du khách, Đà Nẵng còn thiết lập hệ thống kết nối không dây công cộng (hệ thống WIFI) với tổng cộng 430 điểm phát sóng, phủ sóng tại tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng và đang được xúc tiến bổ sung trạm thu phát để nâng cao chất lượng, mở rộng vùng phủ sóng.

Tuy nhiên, khi đã có được hạ tầng CNTT hiện đại, Đà Nẵng lại đối mặt với thách thức mới khi mức độ sẵn sàng tiếp nhận, khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng CNTT chưa đồng đều vì nhiều nguyên do, như: một số cơ quan, địa phương không có cán bộ chuyên trách CNTT; một bộ phận không nhỏ CBCC chưa chịu khó học hỏi, chưa có thói quen làm việc trên mạng; nhiều cán bộ lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này… Cùng với đó, hạ tầng CNTT ở nhiều đơn vị, địa phương vẫn chưa đảm bảo.

Chánh Văn phòng UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa chia sẻ: “Hiện hạ tầng CNTT ở huyện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, như: một số máy vi tính đã trang bị từ năm 2010 trở về trước nay đã xuống cấp, tốc độ xử lý chậm, hệ thống mạng LAN tại các xã chưa được đồng bộ, tỷ lệ máy tính của CBCC sử dụng hệ điều hành có bản quyền còn thấp (30%), tỷ lệ máy tính có phần mềm diệt virus bản quyền chưa cao, dưới 80%…”.

Mặt khác, lãnh đạo ở nhiều đơn vị cũng bày tỏ, việc mua sắm tập trung khiến máy móc, thiết bị chưa bảo đảm theo yêu cầu, chưa phù hợp với mô hình nghiệp vụ đặc thù, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi công vụ; vẫn còn một vài sự cố liên quan đến hạ tầng CNTT thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết công việc…

Có thể nói, việc xây dựng và trang bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT đồng bộ từ thành phố đến quận/huyện và phường/xã đã đặt nền móng vững chắc đầu tiên trong quá trình xây dựng CQĐT của Đà Nẵng. Tuy nhiên, để sẵn sàng đồng hành với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đà Nẵng vẫn cần phải nỗ lực không ngừng để cải thiện, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT một cách nhanh chóng, kịp thời.

Không chỉ vinh dự là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (VietNam ICT Index) 9 năm liền (2009-2017), Đà Nẵng còn nhận được nhiều giải thưởng về chính quyền điện tử (e-gov) như: AICTA 2015 (Hội đồng Bộ trưởng Viễn thông và CNTT tặng), WeGo Awards 2014 (Hội đồng Châu Á - Thái Bình Dương về Thuận lợi hóa thương mại và Kinh doanh điện tử tặng), IBM Smarter Cities Challenge  2012 (Tập đoàn IBM tặng), FutureGov 2011 (Tạp chí FutureGov trao tặng).

TRÂM ANH

.