Chính trị - Xã hội

Loay hoay nhập hộ khẩu

07:57, 23/10/2017 (GMT+7)

Có nhà ở, có giấy xác nhận về nhà ở của chính quyền địa phương, thế nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhập được hộ khẩu vào thành phố Đà Nẵng.

Người dân đến làm thủ tục nhập hộ khẩu tại bộ phận “một cửa” của quận Liên Chiểu.
Người dân đến làm thủ tục nhập hộ khẩu tại bộ phận “một cửa” của quận Liên Chiểu.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng, hiện đang có giấy tạm trú tại tổ 12 (trước đây là 14B) phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), từ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam ra Đà Nẵng làm ăn được gần chục năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa được nhập hộ khẩu.

“Vợ chồng tôi đã có nhà ở ổn định gần 5 năm rồi. Phường cũng xác nhận gia đình có nhà ở để thuận tiện cho việc lắp điện, nước và nhập khẩu. Thế nhưng, mỗi lần đến quận làm thủ tục nhập hộ khẩu, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đều trả lời hồ sơ của tôi chưa đủ điều kiện nhập khẩu Đà Nẵng với lý do nhà và đất chưa có “sổ đỏ” mà chỉ là giấy tờ nhà đất “3 lá” (giấy tờ nhà đất do UBND phường ký xác nhận - PV”.

Theo anh Dũng, mặc dù chưa được nhập khẩu nhưng tất cả khoản quỹ do tổ dân phố, chính quyền địa phương phát động, gia đình đều chấp hành nộp đúng theo đúng quy định.

Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phương (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết, hơn 10 năm trước, cả hai ra Đà Nẵng làm ăn. Tích góp hơn 7 năm mới mua được căn nhà nhỏ tại khu vực Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Thế nhưng, khi làm thủ tục chuyển hộ khẩu, gia đình mới hay giấy tờ nhà đất “3 lá” không hợp lệ để nhập khẩu vào Đà Nẵng.  

Khảo sát tại tổ 14 (phường Hòa Khánh Bắc) cho thấy có những trường hợp tương tự ở tổ 12 nói trên, và hiện vẫn chưa thể nhập hộ khẩu Đà Nẵng được. Ông Bùi Vinh, tổ trưởng tổ 14 xác nhận, cả tổ có 110 hộ nhưng hiện còn 30 trường hợp có nhà ở ổn định, có giấy xác nhận về nhà ở của chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa nhập được hộ khẩu thành phố.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Ngô Văn Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hành chính về TTXH - Công an quận Liên Chiểu cho biết, với địa bàn Liên Chiểu, đối tượng đăng ký thường trú ở những khu vực đất có giấy tờ “3 lá” được phân làm 2 trường hợp.

Thứ nhất, những người có hộ khẩu thường trú trong thành phố, khi muốn chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới mà có đất, có nhà (đất giấy tờ “3 lá”) sẽ được địa phương tạo điều kiện cho chuyển hộ khẩu. Trường hợp thứ hai, cũng có đất, có nhà theo giấy tờ nhà đất “3 lá” nhưng hộ khẩu ở các tỉnh, thành khác thì theo quy định tại Công văn số 132 của Công an thành phố ban hành ngày 24-4-2015, sẽ chưa được nhập hộ khẩu, bởi giấy tờ đất “3 lá” chỉ là cơ sở để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trả lời câu hỏi tại sao công dân có các giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú theo đúng quy định tại Điều 6, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ nhưng lại chưa được nhập hộ khẩu, Đại tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, địa bàn quận Liên Chiểu rộng, người nhập cư ngày một đông; nơi đây lại quy hoạch nhiều dự án.

Có những dự án quy hoạch xong để “treo” đến cả chục năm và vì dự án “treo” quá lâu nên một số người đã lợi dụng cắt xén đất, phân lô… rồi bán. Nhiều người lỡ mua nên đánh liều xây dựng nhà trái phép, tìm cách nhập hộ khẩu để trục lợi chính sách đền bù giải tỏa của thành phố. Vì vậy, việc siết chặt nhập khẩu cũng là một giải pháp cần thiết.

Về thông tin một số trường hợp vẫn làm được hộ khẩu với giấy tờ nhà đất “3 lá”, Đại tá Nguyễn Văn Hoa khẳng định, quy định thì phải được thực hiện công bằng cho người dân, không có chuyện cấp hộ khẩu cho người này nhưng người kia lại không cấp, như vậy sẽ mất công bằng, gây bức xúc cho người dân.

Còn theo ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, việc giải quyết thủ tục nhập hộ khẩu cho người dân, trước hết cần được áp dụng theo đúng quy định, Nghị định của Chính phủ ban hành.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, cái gì bất lợi cho dân thì nên bỏ. Hiện nay, không ít hộ dân trên địa bàn phường đã có nhà ở ổn định nhưng lại chưa được nhập hộ khẩu nên vô tình dồn ép người dân vào tình trạng khốn khổ: nhiều người không thể đi học trường công lập, không thể xin việc tại các cơ quan Nhà nước vì chưa có hộ khẩu.

Ông Nguyên đề nghị, đối với những trường hợp chưa có “sổ đỏ” mà chỉ có giấy tờ nhà đất do UBND phường ký xác nhận, nhưng thực sự các hộ dân đã có nhà ở ổn định lâu năm và được tổ dân phố, công an phường xác nhận thì nên tạo điều kiện cho người dân được nhập hộ khẩu, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

.