Chính trị - Xã hội
Tìm giải pháp phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước-Bài cuối: Giải pháp tháo gỡ nút thắt
Những năm qua, mặc dù các cấp ủy Đảng của thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển Đảng và thành lập tổ chức Đảng (TCĐ) trong doanh nghiệp (DN), nhưng trên thực tế, việc thành lập TCĐ trong DN, nhất là khối doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) tại Đà Nẵng mới chỉ đạt ở con số hết sức khiêm tốn.
Trong giai đoạn 2017-2020, Đảng bộ thành phố phấn đấu hằng năm thành lập mới từ 10 tổ chức Đảng trở lên, kết nạp từ 100 đảng viên mới trở lên. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H đang làm việc tại nhà xưởng. |
Tạo thuận lợi tối đa cho DN
Qua khảo sát, tìm hiểu thông tin để thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận thấy, đối với khối DNNKVNN, nếu chủ DN là đảng viên hoặc là bí thư chi bộ kiêm giám đốc công ty, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị…, TCĐ ở DN đó mới hoạt động hiệu quả.
Ngược lại, chủ DN hoặc những người nắm vị trí chủ chốt trong DN, trong ban giám đốc không phải là đảng viên, không quan tâm, thậm chí không nắm rõ những quy định về Đảng thì vai trò của TCĐ trong DN đó thường mờ nhạt, hoạt động theo kiểu hình thức, cho đúng quy định mà thôi.
Trên thực tế, tại Đà Năng, có không ít TCĐ được thành lập trong DNNKVNN nhưng hoạt động rất lu mờ. Nguyên nhân một phần là do bí thư chi bộ không phải là người nắm vai trò chủ chốt trong công ty, thậm chí có nơi bảo vệ hay công nhân của DN là người đứng đầu chi bộ Đảng.
Theo ông Hà Ngọc Thống, Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đang hướng tới mô hình “nhất thể hóa các chức danh” từ cấp thôn, xã, phường, đến quận, huyện… Việc “nhất thể hóa” sẽ tránh được chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”; đặc biệt đối với DN tư nhân thì mục tiêu của DN rất là rõ ràng và cụ thể.
DN muốn tồn tại và phát triển, chủ DN phải tự thân “chèo lái” DN của mình. Những quyết sách mang tính sống còn của DN, ông chủ DN phải tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, đối với các DN tư nhân, nếu có TCĐ thì việc giám đốc kiêm luôn vai bí thư chi bộ Đảng sẽ gặp rất nhiều thuận lợi.
Bởi, suy nghĩ của chính chủ DN sẽ được đem ra bàn bạc ngay tại cuộc họp chi bộ công ty, lấy ý kiến của các đảng viên trong chi bộ và có thể đề ra ngay một Nghị quyết để các phòng, ban, người lao động triển khai thực hiện.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H, hiện trong công ty ông có 4 cán bộ, công nhân là đảng viên nhưng lại sinh hoạt tại các chi bộ Đảng ở địa phương. DN cũng mong muốn được thành lập TCĐ nhưng không biết bắt đầu từ đâu, thủ tục như thế nào.
“Công ty cũng đã tìm hiểu về quy định thành lập TCĐ nhưng nói thật là thủ tục, quy định khá rườm rà, mất thời gian. Trong khi đó, đối với DN tư nhân, đa phần thời gian đều phải lo hoạt động sản xuất sao cho đạt hiệu quả, đời sống và thu nhập của người lao động ổn định”, ông Khải nói.
Trên thực tế, không phải DN tư nhân, công ty TNHH hay công ty CP nào cũng “ngại” hoặc né tránh việc thành lập TCĐ, ngược lại, có không ít DNNKVNN thiết tha được thành lập TCĐ trong DN. Về vấn đề này, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Võ Công Chánh dẫn chứng, mới đây giám đốc Công ty Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (nay là Công ty Cổ phần Đèo Cả) đã tự nguyện làm đơn tha thiết được kết nạp vào Đảng.
Sau khi được kết nạp, vị giám đốc này lại tiếp tục đề nghị thành lập TCĐ trong DN. Nắm được tâm tư, nguyện vọng của DN, Ban Thường vụ Quận ủy Liên Chiểu đã trực tiếp xuống DN để hướng dẫn quy trình thành lập TCĐ. Theo ông Chánh, hiện có không ít DN hoạt động rất khó khăn, nhưng khi chủ DN thiết tha được kết nạp Đảng thì cấp ủy Đảng cần tạo mọi điều kiện cho DN đó.
Có như vậy, việc phát triển TCĐ ở các DN mới thực sự đạt hiệu quả. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các TCĐ trong DN hoạt động, mỗi khi triển khai quán triệt, học tập Nghị quyết của Đảng, của Thành ủy, Quận ủy nên mời trực tiếp người đứng đầu chi bộ Đảng trong DN tham gia học Nghị quyết cùng cán bộ chủ chốt của quận. Nếu cứ để DN tự tổ chức quán triệt triển khai Nghị quyết của Đảng thì họ không đủ sức, bởi DN còn lo hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao chất lượng hoạt động của TCĐ trong DN
Để đạt được mục tiêu phát triển Đảng và thành lập các TCĐ trong DNNKVNN, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 80-KL/TW vừa được tổ chức trong tháng 9-2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho rằng, trước hết các cấp ủy đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư (khóa X) và Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ; đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải luôn quan tâm đến lợi ích của DN, tạo mọi điều kiện để DN phát triển.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, nếu có sự quan tâm của chính quyền địa phương và DN thấy được lợi ích thì họ sẽ quan tâm việc thành lập TCĐ, tổ chức đoàn thể cũng như phát triển Đảng trong DN. Muốn làm được như vậy, các cấp ủy Đảng cũng như chính quyền địa phương cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với DN để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà DN chưa tìm ra cách tháo gỡ.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát triển Đảng và thành lập TCĐ trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X), trước hết cần tập trung phát triển các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong Đà Nẵng, như vậy sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Khi các DN đã có tổ chức công đoàn, hội, đoàn thể, việc thành lập và phát triển TCĐ sẽ dễ dàng hơn.
“Đà Nẵng có đến hơn 21.000 DN nhưng đa phần là các DN nhỏ. Vì vậy, nếu DN có 1 đảng viên thì có thể ghép từ 2 đến 3 DN để thành lập TCĐ. Nếu DN có từ 2 đảng viên trở lên, chúng ta cử một cán bộ cấp ủy ở các ban của quận, huyện hoặc của Đảng ủy các KCN, Đảng ủy khối DN thành phố trực tiếp xuống DN đề xuất, thuyết phục thành lập một chi bộ ghép. Đối với bản thân chủ DN, nếu chưa phải là đảng viên, đủ điều kiện kết nạp Đảng thì các cấp ủy Đảng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi để chủ DN được đứng vào hàng ngũ của Đảng”, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đề nghị.
Cũng tại hội nghị nói trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Trưởng Ban chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DNNKVNN cho rằng, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì trong bối cảnh hiện nay, vai trò của TCĐ trong DN đã khác so với trước đây rất nhiều. Từng loại hình TCĐ trong DN có những thuận lợi và khó khăn riêng.
Hiện nay, ở chỗ này, chỗ kia còn khó khăn, có lẽ do trình độ năng lực, sự nhạy bén của đảng viên không theo kịp xu thế phát triển, đây chính là “nút thắt” trong công tác phát triển Đảng và thành lập TCĐ trong DNNKVNN. Vì vậy, để “gỡ nút thắt” này, ngoài sự chủ động của DN, các cấp ủy Đảng cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục các DN thành lập TCĐ.
“Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, dù là loại hình DN nào, việc có TCĐ trong DN cũng chỉ nhằm mục đích giúp DN phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn, đời sống của công nhân lao động ngày được nâng cao hơn”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, để thực hiện hiệu quả công tác phát triển Đảng và thành lập TCĐ trong các DNNKVNN trong thời gian đến, trước hết các cấp ủy Đảng cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng bộ, chi bộ trong DN.
Đối với những DN đã có TCĐ và đoàn thể nhân dân, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp, ra sức củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động, làm chỗ dựa tin cậy cho người lao động và chủ DN.
Đối với những nơi chưa có TCĐ và đoàn thể nhân dân, trên cơ sở kết quả rà soát, các cấp ủy Đảng cần tiến hành triển khai xây dựng kế hoạch phát triển TCĐ và đoàn thể nhân dân, mà trước hết là tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên một cách tích cực chủ động.
Đối với những DN chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên cần đưa ra kế hoạch cụ thể phân công cấp ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm, phối hợp với các đoàn thể trong DN để phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên. Và khi có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng thì tiến hành kết nạp, đặc biệt chú trọng đến đội ngũ lãnh đạo, quản lý DN và cán bộ chủ chốt của các tổ chức đoàn thể nhân dân, khi có đủ điều kiện thì thành lập TCĐ tại DN.
Mặt khác, trong tình hình hiện nay, các cấp ủy cấp trên trực tiếp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; thường xuyên chăm lo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các DNNKVNN. Đồng thời, chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng chi ủy; đặc biệt, bí thư chi bộ, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên phải là những người nhiệt tình với công việc, am hiểu công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân. Nếu có đủ điều kiện thì bố trí thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc phó giám đốc doanh nghiệp kiêm bí thư cấp ủy.
Với những cách làm trên, Đảng bộ thành phố kỳ vọng sẽ tăng số lượng đảng viên và tổ chức Đảng trong DNNKVNN, từ đó, củng cố vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức Đảng trong các DNNKVNN, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hướng đến mục tiêu hằng năm thành lập mới từ 10 tổ chức Đảng trở lên, kết nạp từ 100 đảng viên mới trở lên mà Ban Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DNNKVNN của Thành ủy đã đề ra trong giai đoạn 2017-2020.
Bài và ảnh: Trọng Hùng