Chính trị - Xã hội

Trở về trong yêu thương

08:11, 18/10/2017 (GMT+7)

Trong cuộc đời mỗi con người, hai tiếng “trở về” luôn là một niềm cảm xúc lớn, bởi trở về luôn gắn với kỷ niệm, hồi ức và hàm chứa những thông điệp yêu thương. Trở về mái nhà xưa, trở về nơi chốn cũ, trở về với mẹ cha… và Tuyết Nhung - cô gái mồ côi năm nào đã trở về ngay chính nơi em đã được nuôi dưỡng bằng sự sẻ chia của cộng đồng… khi tuổi thơ em đã thiếu ấm bàn tay mẹ và vòng tay mạnh mẽ của người cha.

Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh tặng xe đạp cho các em bị tim bẩm sinh đã được phẫu thuật.
Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh tặng xe đạp cho các em bị tim bẩm sinh đã được phẫu thuật.

Thân phận cô bé mồ côi Nguyễn Thị Tuyết Nhung và người em gái bé nhỏ của em ở xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam không biết sẽ trôi dạt về đâu khi hai chị em phải chịu tang cha năm 1995 và chỉ 3 năm sau lại đến lượt người mẹ bị bạo bệnh bỏ hai con thơ để về với chồng nơi chín suối.

Đau thương chồng chất đau thương, hai chị em Nhung được người cậu đón về nuôi nấng, nhưng ở vùng quê nghèo đó, người cậu cũng phải gian nan trong cuộc mưu sinh để nuôi gia đình mình, nay gánh thêm phần cho chị em Nhung thì cũng đã quá sức, mặc dù chỉ là “lá lành đùm lá rách”, rồi tới lúc “lá rách ít đùm lá rách nhiều” mà cũng không nổi.

May mắn là trong cơn túng quẫn đó, hai chị em Nhung được Làng Hy vọng đón về nuôi ăn học. Đầu tiên là chính quyền xã chỉ xét chọn cho cô em gái của Nhung được vào làng trước, bởi chỉ tiêu của địa phương chỉ có thế.

Đến năm 2000, Nhung mới được tiếp nhận vào ăn học tại làng. Sau 5 năm được sống, học tập trong tình yêu thương của những người cùng hoàn cảnh, Nhung đã cảm nhận được nhiều điều về sự sẻ chia của cộng đồng với những người như chị em cô.

Năm 2005, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Làng Hy Vọng làm thủ tục hòa nhập cộng đồng gửi em về gia đình, địa phương. Lúc này, nhiều bạn bè cùng lứa với Nhung mỗi người định ra mỗi hướng khác nhau. Nhiều người học tiếp các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học, có bạn học nghề, đi xin việc làm. Riêng Nhung đã được các thầy cô, các mẹ quan tâm và giữ lại làng làm việc và học thêm lên đại học tài chính kế toán, hệ đào tạo từ xa. Suốt những năm sau đó, Nhung vừa làm thêm những phần việc trong Làng Hy vọng, vừa phấn đấu học thật tốt để khỏi phụ lòng các thầy, cô và các mẹ trong làng…

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nhung xin ở lại làng để tiếp tục công tác và coi đây là dịp để trả ơn cho những người đã cưu mang mình. Nhung thổ lộ: “Em luôn xem ngôi làng này là ngôi nhà thứ hai của mình, ở đó có các thầy cô, các mẹ đã coi Nhung như con đẻ, các anh chị em ở làng này đều là anh, chị, là những người em ruột thịt của mình”.

Những năm tháng sống và làm việc tại đây, mỗi khi nhà tài trợ thông báo ngưng tài trợ cho làng vì tình hình kinh tế khó khăn, trong lòng em cảm thấy đau nhói và hụt hẫng. Bởi em luôn mường tượng rằng, nếu không có nguồn tài trợ quốc tế, trong nước thì làng sẽ rơi vào tình thế thiếu hụt kinh phí, không lo đầy đủ cho các em và dần dần sẽ rơi vào tình thế phải giải thể. Nếu giải thể làng thì đây là một mất mát lớn với các thế hệ học sinh ở đây nói chung và với Nhung nói riêng. Các em sẽ mất đi những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, đong đầy tình nhân ái ở đây.

Nhưng điều may mắn là những dự báo ảm đạm đó đã không đến, bởi từ năm 2012, làng được chuyển về Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Từ đây, làng chuyển sang một trang mới, khởi sắc hơn, Nhung không còn lo sợ cái tên LÀNG HY VỌNG sẽ bị quên lãng mà nó sẽ được các cá nhân trong và ngoài nước biết rộng rãi hơn, quan tâm giúp đỡ nhiều hơn. Và Nhung cùng những người đồng cảnh ngộ, cùng các thầy cô, các mẹ trong làng lại cùng nhau vượt qua khó khăn để cống hiến hết sức mình cho làng, cho bao phận trẻ nghèo được đi học và được yêu thương.

Suốt quá trình học tập, làm việc tại đây, Nhung đã có nhiều kỷ niệm vui - buồn với những người xung quanh, ngoài việc tìm được hạnh phúc gia đình với người chồng là công nhân ở Công ty Sông Thu và 2 đứa con kháu khỉnh, cô em gái được học hành, tạo việc làm và đã rời làng để hòa nhập cộng đồng, thì kỷ niệm đáng nhớ nhất là mùa Trung thu năm 2012, làng được Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh về thăm.

Khi nghe kể về hoàn cảnh của chị em Nhung và nhờ các thầy cô, các mẹ xin bác Thanh hỗ trợ thuê một căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp cho gia đình Nhung, để gia đình nhỏ của em không còn phải cảnh nay ở chỗ này, mai ở chỗ kia. Sau đó, cuối năm 2012, gia đình em được cấp một căn hộ trong chung cư dành cho người nghèo của thành phố….

Bây giờ Tuyết Nhung đã là một cán bộ thủ quỹ đầy trách nhiệm của Làng Hy vọng. Cuộc sống đã tốt lên, hạnh phúc cũng ngập tràn nhưng cô và nhiều người con của làng vẫn không quên những ngày gian khó đã qua, nhất là sự chở che, sẻ chia của những con người ở đây đã dành cho chị em cô trong những tháng ngày tưởng chừng tuyệt vọng …

Chung Anh

.