Chính trị - Xã hội

Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (CEO SUMMIT)

Bảo đảm tài nguyên bền vững và tầm nhìn APEC tương lai

07:46, 11/11/2017 (GMT+7)

Ngày 10-11, tại Trung tâm Hội nghị Ariyana Đà Nẵng, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) bước vào ngày làm việc thứ 3 với các phiên thảo luận về tài nguyên và tăng trưởng bền vững; kết nối cộng đồng trong thế giới công nghệ; tầm nhìn APEC sau năm 2020.

Đây là ngày họp được chờ đợi nhất bởi có hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế APEC tham dự, như: Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Úc, Thủ tướng Papua New Guinea, Thủ tướng Malaysia. Ngoài ra, còn có các CEO hàng đầu khu vực như Tập đoàn Facebook, TH True milk, AIA...

Đặc biệt, phiên họp buổi chiều có sự tham dự và phát biểu của  Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giám đốc Điều hành Facebook, bà Sheryl Sandberg (bên phải) và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tham dự Đối thoại Cấp cao “Công nghệ như một động lực của cơ hội kinh tế”. Ảnh: TTXVN
Giám đốc Điều hành Facebook, bà Sheryl Sandberg (bên phải) và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tham dự Đối thoại Cấp cao “Công nghệ như một động lực của cơ hội kinh tế”. Ảnh: TTXVN

Tìm kiếm giải pháp cho tài nguyên bền vững  

Bàn về vấn đề phát triển nguồn tài nguyên bền vững, bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand đề cập đến 3 thách thức của nguồn tài nguyên. Thủ tướng Jacinda Ardern cho rằng, khu vực APEC đóng vai trò hết sức quan trọng và sự tăng trưởng kinh tế thế giới cũng được dẫn dắt bởi khu vực này trong 20-25 năm tới.

Do đó, cần tìm kiếm các giải pháp cho nguồn năng lượng nhằm bảo đảm cho cuộc sống của hàng tỷ người. Thứ nhất, làm sao để người dân được tiếp cận với nguồn điện để dùng; thứ hai, phải bảo đảm giá điện với mức phù hợp cho người tiêu dùng, và thứ ba là làm sao để giải quyết nguồn năng lượng đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên thế giới. Không chỉ Chính phủ, các doanh nghiệp cùng cần có mục tiêu mạnh mẽ để sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.

Đại diện CEO đến từ Việt Nam khi được mời tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Sử dụng hiệu quả tài nguyên và tăng trưởng bền vững”, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, bộc bạch: “Trong vấn đề an ninh lương thực, tôi nghĩ nhiều nhất đến ngũ cốc, lúa mì và lúa mạch. Làm thế nào để nguồn lương thực này phát triển bền vững bởi hiện nay toàn cầu có khoảng 800 triệu người đang bị đói.

Lúa mì, lúa mạch chỉ sống khi có đất, nước và khí hậu, do đó chính sách ở đây là phải bảo vệ đất và nguồn nước. Việt Nam chúng tôi cũng đang hướng đến một nền nông nghiệp sạch, xanh, phát triển bền vững, để từ đó có một nguồn lương thực chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường”.

Đề xuất giải pháp về nguồn nhiên liệu thay thế, ông Robert S. Franklin,  Phó Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ), bày tỏ: “Một trong những phương pháp Việt Nam phải tiến hành là phải thay đổi phương thức truyền thống sử dụng nhiên liệu thay thế than bởi khí thải CO2 là mối nguy hại cho môi trường. Nếu đẩy mạnh được các biện pháp này thì Việt Nam là một trong những tay chơi thắng cuộc”.
Khuyến khích phụ nữ tham gia lĩnh vực công nghệ

Tham gia phiên thảo luận, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nhắc đến trường hợp khởi nghiệp của cô Linh ở Việt Nam mà ông đã gặp tại Đà Nẵng trong Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit). Đây là một cô gái 23 tuổi những đã đi đầu trong việc khởi nghiệp sáng tạo bằng xe máy chở các khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch.

Đề cao vai trò của phụ nữ trong ngành khoa học máy tính, Thủ tướng Úc cho biết, nước Úc đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các hoạt động công nghệ. “Một vài năm trước đây, chúng tôi đã gặp Facebook và thấy rất ít phụ nữ tham gia vào khoa học máy tính. Khi trở thành Thủ tướng Úc, tôi đã lập ngay Trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm tạo điều kiện cho những người nữ, trẻ em gái tham gia vào khoa học. Những ngành kỹ sư, khoa học hay luật thường tập trung chủ yếu là nam giới; bây giờ ở nhiều trường đại học trên thế giới, có tới 50% hoặc hơn nữa là nữ. Ngành khoa học máy tính lại được nhiều phụ nữ ngày nay theo đuổi”, Thủ tướng Malcolm Turnbull nói.

Đánh giá cao vai trò phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ, bà Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành Facebook chia sẻ, bà đã gửi con gái mình đến trại hè Thung lũng Silicon để tham gia học tập. “Hãy dạy con gái của chúng ta về khoa học máy tính. Nếu có sự tham gia của phụ nữ nhiều hơn hoặc bằng 50% thì sẽ giảm được một nửa về khoảng cách phân biệt. Sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình kinh tế tại APEC sẽ giúp tạo ra hơn 98 tỷ USD đóng góp vào GDP khu vực này”, bà Sheryl Sandberg nhấn mạnh.

Tương lai khu vực xán lạn

Trong phiên thảo luận về tương lai khu vực APEC, Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neill phát biểu: “Cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam đã cho tôi một cơ hội để tham dự tại đây. Trong năm tới, chúng tôi cũng đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà của APEC 2018, chúng tôi sẽ chú trọng Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do. Chúng tôi mong rằng cộng đồng APEC sẽ hỗ trợ đất nước chúng tôi phát triển công bằng và bao trùm hơn”.

 Bình luận về tương lai APEC, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng: “APEC là diễn đàn không có sự ràng buộc nào bởi chúng ta đã nỗ lực giảm rào cản thương mại, hàng rào phi thuế quan. Tất cả chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn nữa để tạo dựng cơ hội có được nền thương mại tự do, sự thuận lợi nói chung trong kinh doanh của khu vực.

Tại APEC Việt Nam 2017, chúng ta sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm và bài học tốt, tạo nhiều chuẩn mực cao trong kinh doanh. Đây là cơ hội cho các nhà lãnh đạo kinh tế tham gia các diễn đàn. Là chủ nhà của APEC 2020, mục tiêu theo đuổi của Malaysia là chương trình Bogor về thương mại và đầu tư tự do. Do đó, còn rất nhiều việc Malaysia phải làm”.

Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill khẳng định một lần nữa: “APEC đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến khu vực. Chúng ta phải sáng suốt giúp các quốc gia giải quyết các vấn đề dài hạn trong tương lai.

Dĩ nhiên, phải có tính bao trùm không chỉ phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân, nhất là không để quốc gia nào rơi lại phía sau. Do đó, APEC phải xây dựng chiếc cầu thoát nghèo đói và nâng mức sống cho người dân, giúp họ có thêm cơ hội kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tôi nghĩ tương lai APEC rất xán lạn. Một số quốc gia trong khu vực rất phát triển nhưng cũng có một số quốc gia đang phát triển, những quốc gia đóng vai trò then chốt sẽ nâng đỡ những quốc gia kém hơn để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau lưng”.

Hợp tác là nền tảng của phát triển

Trong phiên làm việc buổi chiều, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trước hơn 2.000 lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn trong khu vực APEC.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông rất phấn khởi khi có mặt tại APEC - một cơ chế giúp đạt sự thịnh vượng. Tổng thống Trump điểm lại các dấu mốc lịch sử quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực. Đối với Đà Nẵng, ông nói: “Chúng tôi ở đây - Đà Nẵng - để chúc mừng những thành tựu của mọi người trong thời gian qua. Ít người có thể tưởng tượng rằng cách đây vài chục năm, hàng chục nước có thể tề tựu ở đây như hôm nay để bàn về câu chuyện phát triển thịnh vượng”.

Tổng thống Trump đánh giá, nền kinh tế Việt Nam mở cửa hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Sinh viên Việt Nam cũng nằm trong nhóm xuất sắc nhất tại Mỹ. “Điều đó rất ấn tượng”, ông nói.

Đối với các doanh nhân APEC, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Đất nước của các bạn chính là thành quả của các bạn và các bạn phải bảo vệ nó. Các quan hệ hợp tác phải phụ thuộc vào tin tưởng qua lại”. Ông đề nghị cùng làm việc để thúc đẩy thịnh vượng và an ninh trong khu vực, tạo mối quan hệ đối tác mới - với thương mại là cốt lõi - với Mỹ trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.  

Tiếp sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có bài phát biểu về con đường mới của Trung Quốc và hướng tới tương lai châu Á - Thái Bình Dương. Ông cho rằng APEC là động cơ thúc đẩy tăng trưởng tuyệt vời.  “Dù có nhiều rủi ro và bất định nhưng thương mại và đầu tư toàn cầu vẫn tăng trưởng. Chúng ta vẫn phát triển và tăng trưởng trên mọi lĩnh vực là một hành trình không điểm cuối”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói.

Để đối mặt với những thách thức mới từ xu hướng toàn cầu hóa và kinh tế số, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cộng đồng cần hợp tác hướng tới mục tiêu chung, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần dẫn dắt các cải cách kinh tế. Trước câu hỏi “đi cùng nhau hay đi những con đường riêng”, ông khẳng định: “Chúng ta phải đi cùng nhau.” Theo đó, các nền kinh tế APEC nên thúc đẩy đầu tư phát triển, tạo ra những sự tự do hóa rộng mở hơn, bao trùm hơn để mang lại lợi ích cho mọi nước, mọi nhóm cộng đồng. Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ ủng hộ thương mại đa phương, tự do thương mại ở khu vực APEC.

Chưa đạt được thỏa thuận về TPP-11

Chiều 10-11, phiên họp thứ 8 của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP-11 diễn ra mà không có mặt Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các nước thành viên chưa đạt được thỏa thuận về TPP-11 và lễ ký sẽ không diễn ra như dự định. Như vậy, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, đến nay, việc đàm phán vẫn đang giậm chân tại chỗ và chưa thể đưa ra các thỏa thuận cuối cùng.

"Các quốc gia đang dựa vào cải cách và đổi mới để đối mặt với thách thức và đạt được tăng trưởng. Những triển vọng cải cách cơ cấu đang mở ra với những ảnh hưởng tích cực đang giúp tăng cường ở nhiều nước. Sự phát triển mới của công nghệ và công nghiệp đang dần được thêm đà mới, nền kinh tế số và nền kinh tế chia sẻ đang phát triển nhanh chóng, những ngành công nghiệp mới cũng như những dạng thức doanh nghiệp mới đang phát triển nhanh chóng. Do đó những động lực mới đang được tạo ra”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

"Nếu như chúng ta xây dựng được mối quan hệ đối tác trên quan hệ lợi ích thì có thể đạt được mọi ước mơ cho các thế hệ dân tộc của chúng ta. Đó là nơi mà chúng ta sẽ xây dựng những gia đình, công ty và cả xã hội văn minh.

Mỗi một ngôi sao sẽ sáng rỡ và tự hào. Khi nhìn vào bầu trời đầy sao vào buổi tối chúng ta sẽ nhận ra những thách thức là không hề nhỏ. Nhưng các nền kinh tế chúng ta cần quyết tâm thực hiện để mỗi ngôi sao có thể tự tỏa sáng”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

DUYÊN ANH – KHANG NINH

.