Chính trị - Xã hội

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Cá cược thể thao dễ bị biến tướng

08:10, 16/11/2017 (GMT+7)

Chiều 15-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao (TDTT).

Trả lời giải trình của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề cá cược thể thao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, cùng với xu thế mở cửa, tăng cường hội nhập quốc tế, các loại hình kinh doanh giải trí có yếu tố kinh doanh cá cược, khai thác các hoạt động thi đấu thể thao đã du nhập và phát triển tại Việt Nam. Nhiều quốc gia đã sớm đặt ra yêu cầu cần hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao nhằm quản lý chặt chẽ các tệ nạn xã hội có thể xảy ra.

Cần xem xét nghiêm túc

Ở Việt Nam, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Bên cạnh ý kiến cho rằng những hoạt động thể thao trên cần đưa vào luật thì cũng có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên chưa đưa vào luật.

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cá cược thể thao vấn đề nhạy cảm và còn nhiều ý kiến bất đồng, thậm chí rất khó nói. Hiện nay, ở nhiều nước, cá cược thể thao là hiện tượng phổ biến với nhiều bộ môn khác nhau như: bóng đá, đua chó, đua ngựa, chọi gà… và thực tế các nước đã có sự quản lý khá tốt, không có sự rối loạn xã hội.

Còn ở Việt Nam, mặc dù không được cấp phép nhưng ở nhiều nơi vẫn còn xảy ra hiện tượng cá cược thể thao. Cá cược thể thao ban đầu chỉ là thú vui nhưng dễ bị biến tướng, mang tính cờ bạc, ăn thua và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên rất cần được quản lý. Vì vậy, QH cần xem xét vấn đề này nghiêm túc. “Chúng ta không ủng hộ cờ bạc nhưng cần ủng hộ việc quản lý một thú vui phổ biến của con người để nó đừng bị biến tướng và bị bỏ rơi không quản lý. Chúng ta đã có những quy định để không cho phép điều này xảy ra nhưng nhìn chung là chưa hiệu quả”, ĐB Nguyễn Anh Trí nói.

Đồng quan điểm với ĐB Nguyễn Anh Trí, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, hiện nay, vấn đề này đã được Chính phủ cho phép mặc dù mới chỉ giới hạn ở một số môn nhất định. “Chúng ta quy định trong luật nhưng nên giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ sẽ quyết định danh mục các hoạt động TDTT được phép đặc cược”, ĐB Việt Nga đề xuất.

Điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh bên ngoài lãnh thổ Việt Nam

Trước đó, sáng 15-11, các ĐBQH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ĐB tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế; nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án luật, quy định phạm vi rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành. Theo đó, dự án luật không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam. Nhiều ĐB cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Để tạo cơ sở pháp lý thực hiện quy định này, dự thảo luật cũng dành 2 điều về hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh (Điều 111) và nguyên tắc hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh (Điều 112). Tuy nhiên, ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) băn khoăn với tính khả thi của nội dung này.

Dẫn chứng qua 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh, mặc dù Bộ Công thương đã chủ động tiến hành hoạt động điều tra tiền tố tụng đối với nhiều ngành, lĩnh vực có tính chất quan trọng, nhạy cảm trong nền kinh tế nhưng số vụ việc được phát hiện, xử lý rất khiêm tốn, ĐB Trần Hồng Nguyên cho rằng, nếu đề nghị mở rộng phạm vi nhưng Ban soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ thông tin về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam như đã xảy ra bao nhiêu trường hợp, thuộc lĩnh vực nào hoặc gây tác hại, có khả năng gây tác động đến hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam ra sao thì rất khó để thực hiện.

“Thực tiễn cho thấy, việc điều tra, xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam rất khó khăn, kết quả đem lại còn khiêm tốn trong khi đó việc điều tra, xử lý hạn chế hành vi cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam sẽ phức tạp hơn nhiều”, ĐB nói.

ĐB Trần Hồng Nguyên đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn về các hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để có cơ sở cho việc chuẩn bị về tổ chức, con người thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể, chi tiết hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết và thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có gì khác so với xử lý vụ việc cạnh tranh xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam để có căn cứ áp dụng.

B.T tổng hợp
 

.